Làm báo cùng Giao thông

Mạt sát "cô giáo chửi học viên", hành vi có văn hóa?

09/05/2018, 18:41
image

Mạt sát “cô giáo chửi học viên” bằng đúng cái cách cô ấy sai phạm, cư dân mạng đang làm gì vậy?

F9C9F5FC-01A5-44B2-859F-D9B67F3F3884.

Bị phạt tiền, dừng toàn bộ hoạt động giảng dạy tiếng Anh tại các cơ sở của Công ty MST cô Tuyến nói mình vui vẻ chấp nhận, thậm chí còn livestream đối thoại với những người chửi rủa mình

1. Bị phạt tổng cộng 25 triệu đồng; buộc phải dừng toàn bộ hoạt động giảng dạy tiếng Anh tại trung tâm MST. Có thể nói, cái giá phải trả xuất phát từ màn vạ miệng của “cô giáo” chửi học viên là con lợn” Nguyễn Thị Kim Tuyến quá đắt!

Ngoài bị phạt tiền, bị tạm ngưng sự nghiệp đào tạo, “hình phạt” nặng nề không kém là sự chỉ trích, lên án mạnh mẽ của dư luận, cộng đồng!

Chia sẻ mới nhất bằng hình thức livestream trên facebook tối 7/5, cô Tuyến không che giấu rằng: Sau khi clip chửi học viên bị tung lên mạng, cô không đếm xuể lời chửi bới dành cho mình. Có người ngày nào cũng nhắn tin chửi, thậm chí một ngày nhắn tới cả mấy chục cái tin.

18

Mạt sát “cô giáo chửi học viên” bằng đúng cái cách cô ấy sai phạm thể hiện điều gì về bạn? 

Không chỉ nhắn tin trực tiếp, những lời chê bai, trách cứ, mạt sát, thậm chí nguyền rủa “cô giáo” này tràn ngập trên mạng xã hội. Cư dân mạng vừa đi vừa chửi, chỗ nào cũng chửi, từ diễn đàn về về ôtô xe máy, đến diễn đàn bán hàng online, sang cả diễn đàn về đạo đức, giáo dục…

2. Cái sai của cô Tuyến không phải bàn cãi. Đường đường hoạt động trong môi trường giáo dục (dù bằng cấp về lĩnh vực này cô không có), song cô lại cư xử, nói năng phản cảm, thô tục, xúc phạm học viên. Và bất kể nguyên nhân từ đâu, hành vi của cô Tuyến không thể biện minh!

Song, trong khi cô Tuyến không được quyền biện minh, thì những người chửi cô lại cho phép mình cái quyền đó! Họ chửi cô Tuyến một cách cuồng nhiệt, bằng những từ ngữ thậm tệ nhất, với tần suất đậm đặc, bởi lý do cô ấy… chửi người khác! Người người lên án cô Tuyến phản giáo dục, vô văn hoá bằng những hành vi vô văn hoá, thậm chí còn vượt quá giới hạn pháp luật cho phép, như là ghép ảnh, phá sập facebook cá nhân…

3. Đấu tranh với cái xấu là cần thiết. Song, lên án vi phạm của một “cô giáo” bằng đúng cái cách vi phạm của cô ấy, có đúng và có tốt? Và phản ứng tiêu cực ấy đã được môi trường mạng nhân bản, phát tán một cách chóng mặt, cũng như cách nó phát tán clip của cô Tuyến trước đó.

Trong môi trường mạng, công nghệ chính sửa ảnh có thể biến một cô gái thành thành mỹ nhân hay bất cứ ai đó. Bàn phím cũng có thể “biến” một anh chàng dùi đục mắm cáy thành một thi nhân; biến một người nhút nhát thành anh hùng đánh Đông dẹp Bắc; và cũng có thể giúp một người vừa nói năng thô tục thoắt chuyển sang nói lời hay ý đẹp, hoặc ngược lại… Song, với vụ việc này, đại đa số người bình đều tuôn ra những lời thô tục mà không cần thiết phải kìm giữ, kìm nén! Cứ như thể, với họ, việc nhục mạ cô Tuyến là để chứng minh họ có văn hóa hơn, tốt đẹp hơn cô ấy!

Chia sẻ mới nhất bằng livestream ngày 7/5, cô Tuyến không giấu giếm không đếm xuể lời chửi bới dành cho mình

4. Tôi nhớ lại thời còn ngồi trên ghế nhà trường, thày giáo môn toán của chúng tôi nổi tiếng dạy giỏi, song cũng nổi tiếng vì nóng nảy và hay chửi học trò. Thày thường xưng hô mày tao, thậm chí còn gọi thằng này, con kia rất hồn nhiên. Con trai thày giáo học cùng lớp chúng tôi, tên T. khá nghịch ngợm, hay trêu chọc mọi người, song học sinh trong lớp không ai dám có ý kiến.

Cho đến một hôm, thày giáo đang đứng tiết, một nam sinh trong lớp tôi đứng bật dậy nói: “Thưa thày, bạn T. vừa chửi bố em. Theo thày em có nên trả thù bạn ấy?”. Cả lớp lặng đi, thày cũng lặng đi giây lát, rồi tất cả bật cười ồ. Sau bữa ấy, T. bớt hẳn “tinh tướng”, còn thày giáo cũng bớt hẳn chửi học trò.

Tôi nhớ mãi câu chuyện này, bởi ngoài khía cạnh  hài hước, còn giúp tôi kiểm soát cảm xúc để giữ sự đúng mực, ngay cả khi bị rơi vào những tình huống bức xúc, khó chịu.

Việc kiểm soát cảm xúc không hề dễ dàng. Trong một môi trường luật pháp chưa đủ nghiêm minh, chặt chẽ, cả ở ngoài đời lẫn trên mạng xã hội, người ta càng dễ hành xử tuỳ tiện theo cảm xúc cá nhân. Nhẹ thì chửi bới, nhục mạ, mạt sát; nặng thì thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Hiếm nơi nào mà số lượng bệnh nhân nhập viện vì đánh, đâm chém nhau cao đến ngỡ ngàng như ở Việt Nam. Và khó tin hơn nữa là nguyên nhân dẫn đến xô xát, nhiều khi chỉ bởi va chạm giao thông; nói to; nhìn “đểu”…

Song, cả cộng đồng trong khi đổ xô lên án, chửi rủa cô Tuyến cư xử thiếu văn hoá đã không nhận ra rằng cách phản ứng của họ phản chiếu chính cách cô Tuyến đã cư xử trước đó!

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.