Bất động sản

Âm vốn chủ sở hữu nhiều năm, Giày Sài Gòn vẫn "đòi" thuê đất vàng quận 10

17/09/2020, 14:19

Âm vốn chủ sở hữu nhiều năm, Công ty cho nhà xe Thành Bưởi thuê trái phép bất ngờ đổi tên gọi nhằm… xin gia hạn sở hữu khu đất vàng.

img
Hàng trăm công nhân Giày Sài Gòn đã ký đơn tập thể ngay trong khuôn viên của công ty để kiện Công ty CP Giày Sài Gòn vì sau đến 7/2017 vẫn chưa nhận được tiền bồi thường mất việc

Lỗ luỹ kế 70 tỷ, âm vốn chủ sở hữu 31 tỷ đồng vẫn muốn thuê đất

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa đến hạn phải trả đất cho nhà nước, thế nhưng khu đất vàng khoảng 11.000 m2 với ba mặt tiền đường tại 419 Lê Hồng Phong - đường Vĩnh Viễn - đường Trần Nhân Tông thuộc địa bàn quận 10 vẫn đang được Công ty CP Giày Sài Gòn cho nhà xe Thành Bưởi thuê đất trái phép. Đây là khu đất gây nhiều tai tiếng với hàng loạt sai phạm suốt 5 năm qua.

Đáng nói hơn, Công ty CP Giày Sài Gòn bất ngờ đổi tên thành Công ty CP Giáo dục G Sài Gòn (G Sài Gòn). Sau động thái đổi tên công ty, 2 tuần trước G Sài Gòn ngay lập tức thông báo về việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ tăng vốn điều lệ. Với mục tiêu để trả nợ cho ông Lê Đức Thành là chủ nhà xe Thành Bưởi vì trước đó vay nợ và để có tài chính nâng cấp, sửa chữa, cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị dạy học… vì biết thành phố đã có quyết định phê duyệt khu đất này sau khi thu hồi sẽ làm giáo dục.

Cụ thể, trong văn bản gửi cổ đông, ông Nguyễn Quốc Đại vốn là giám đốc Công ty CP Giày Sài Gòn nay đổi tên đại diện cho S Sài Gòn nêu rõ: Việc chào bán cổ phần riêng lẻ với mục đích được tiếp tục thuê đất hoạt động sản xuất kinh doanh theo mục đích sử dụng theo hướng phê duyệt khu đất mà TP đã duyệt. Nên công ty cần có nguồn tài chính để giải ngân cho quá trình cải tạo làm dự án giáo dục với kinh phí 48 tỷ đồng. Thứ hai, trong giai đoạn khó khăn, ông Lê Đức Thành giám đốc công ty Thành Bưởi – là đối tác đã đã cho mượn 9 tỷ đồng, hiện tại công ty vẫn còn nợ 3 tỷ đồng. Cùng với đó cổ đông lớn là Nguyễn Đoàn Duy Thanh cho mượn hơn 17 tỷ đồng. Vì vậy, công ty cần có khoản tài chính để thanh toán công nợ cho 2 vị này.

Điều đáng nói, kể từ năm 2013 đến nay Giày Sài Gòn hay G Sài Gòn đã bị lỗ lũy kế và đỉnh điểm lỗ gần 28 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, công ty đã lỗ lũy kế hơn 70 tỷ đồng và làm âm vốn chủ sở hữu 31 tỷ đồng. Tổng tài sản doanh nghiệp còn hơn 2 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn. Mà cụ thể là toàn bộ hoạt động của công ty từ 5 năm qua phụ thuộc vào việc cho thuê khu đất vàng. Đáng nói lại là cho thuê trái phép đã bị nhắc nhở nhiều lần và xử phạt nặng.

Lập đủ mọi đề án, không cần chuyên môn để xin gia hạn thuê đất vàng?

Sau khi đột ngột cho 600 nhân viên làm da giày nghỉ việc từ 2015, khu đất vàng 11.000m2 này không có bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh nào ngoài việc cho thuê trái phép. Với giá thuê của nhà nước chỉ chưa tới 10 ngàn đồng/m2/tháng và cho nhà xe Thành Bưởi thuê lại làm bến lậu với khu đất với giá 440 triệu đồng/tháng, tức gần 5,3 tỷ đồng/năm. Như vậy G.Sài Gòn không cần làm gì, chỉ cần tận dụng lợi thế được thuê đất vàng giá rẻ của nhà nước đã có thể thu lợi về hàng chục tỉ đồng/năm.

Trong suốt 5 năm qua, G.Sài Gòn đã lách luật với đủ mọi hành vi từ việc núp bóng danh nghĩa “hợp tác kinh doanh” nhưng thực chất là cho thuê trái phép đã được UBND Q.10 kết luận. Tháng 6/2017, Thanh tra Sở Tài nguyên môi trường thành phố đã có quyết định xử phạt công ty này hơn 720 triệu đồng vì thuê đất trái phép.

Thông tin với báo chí, lãnh đạo UBND quận 10 cho hay, hiện nay khu đất 419 Lê Hồng Phong quận 10 đang chờ thu hồi và chờ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Quận 10 vẫn kiên trì thu hồi đất để làm trường công lập và đã báo cáo thành phố để ghi vốn đầu tư công vì địa phương cần trường học cho con em.

DN được thuê lại là nhà xe Thành Bưởi bị thanh tra Sở GTVT xử phạt vì lập bến lậu trong nội đô. Nhiều năm liền cử tri địa phương bức xúc lên tiếng vì sự mất trật tự tại bến lậu này.

Trong năm 2017, UBND TP cũng đã nhiều lần chỉ đạo G.Sài Gòn phải chấm dứt ngay hành vi cho thuê mặt bằng 419 Lê Hồng Phong và phải sử dụng khu đất này đúng mục đích sản xuất, kinh doanh.

Bất chấp hàng loạt sai phạm, nhưng hằng năm vào mỗi kỳ ĐHCĐ, G. Sài Gòn lại kiên nhẫn trình lên đề án, huy động nguồn lực tài chính nhằm tăng vốn điều lệ để triển khai xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ hỗn hợp trên khu đất vàng. Theo các chuyên gia, có dấu hiệu cho thấy có sự trục lợi tài nguyên đất của nhà nước và mục đích cuối cùng là để thâu tóm khu đất vàng này về tay mình?!.

Mặc dù bị xử phạt, tuy nhiên G. Sài Gòn vẫn không chấm dứt cho thuê. Tháng 5/2019, UBND TP HCM đã phải ra tối hậu thư thu hồi đất và bàn giao toàn bộ diện tích khu đất cho Q.10 để xây trường trung học cơ sở, bổ sung quỹ đất giáo dục phục vụ nhân dân. Phù hợp với nhu cầu và kiến kiến nghị của UBND quận 10 về việc nguồn đất dành cho giáo dục trên địa bàn khan hiếm. Tháng 2/2020, Thành phố đã công bố điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đối với khu đất này dành toàn bộ cho giáo dục.

Đúng lúc này, G.Sài Gòn đi đổi tên công ty với chiến thuật "bình mới rượu cũ" để đăng ký thêm hạng mục đầu tư giáo dục nhằm trả nợ và gia hạn được sở hữu miếng đất vàng.

Theo ông Trần Đức Cảnh, nguyên thành viên Hội đồng cố vấn tuyển sinh Đại học Harvard, làm giáo dục phải không chỉ cần có chuyên môn về giáo dục mà còn phải có tiềm lực vì quá trình hoạt động không đơn thuần là những con số như kinh doanh. Bởi vậy một doanh nghiệp làm giày da không thể chỉ cần đổi tên sang công ty Giáo dục là làm được. Nếu chỉ vì mục đích để được gia hạn khu đất vàng lại cần phải phản biện. Trường học để phục vụ cộng đồng, nhu cầu xây trường dù trường công hay trường tư… phải gắn liền với nhu cầu ở từng địa phương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.