Hồ sơ tài liệu

Mâu thuẫn ngoại giao Anh - Nga bùng phát

16/03/2018, 10:42

Thủ tướng Anh Theresa May đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt Nga trước Quốc hội...

25

Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Thủ tướng Anh Theresa May đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt Nga trước Quốc hội, trong đó nổi bật là quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga đang làm việc tại London.

Quyết định này nhằm trả đũa Moscow sau cáo buộc vụ tấn công chất độc thần kinh vào cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái ở Salisbury hôm 4/3.

Anh buộc tội Nga

Xung đột ngoại giao Anh - Nga đã bùng phát mạnh mẽ trong những ngày gần đây sau khi cựu Đại tá Nga Sergei Skripal, 66 tuổi và con gái Yulia, 33 tuổi được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch hồi đầu tháng bởi phơi nhiễm chất độc thần kinh Novichok (được cho là có nguồn gốc từ thời Liên Xô trong những năm 1970 - 1980).

Hai Chính phủ đang đổ lỗi cho nhau về cuộc khủng hoảng này và việc trục xuất quan chức ngoại giao lớn nhất trong vòng 30 năm qua của London chính là “thông điệp rõ ràng” dành cho Nga vì thái độ mà London cho là “vô can, không quan tâm” của Moscow thời gian qua.

Anh chặn tuyên bố của chính quyền Nga tại Liên hợp quốc

Theo Ria Novosti, chính quyền của Thủ tướng Anh Theresa May ngày 15/3 đã chặn dự thảo của tuyên bố tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của Nga về quá trình điều tra vụ án ở Salisbury. “Dự thảo ngắn tuyên bố do Nga đề xuất trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm tiến hành điều tra dân sự về vụ việc đầu độc ở Anh theo các tiêu chuẩn hiện có của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã bị đại diện của London chặn dưới những lý do chính trị”, ông Fyodor Strzhizhovsky, đại diện Phái đoàn thường trực Nga tại Liên hợp quốc nói.

London cũng hủy bỏ lời mời Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đến thăm Thủ đô của nước Anh, trong khi phía Nga đã phủ nhận có dính líu trong vụ đầu độc cựu sĩ quan Sergei Skripal.

Thủ tướng Anh nói rằng: “Nhiều người trong chúng ta kỳ vọng vào một nước Nga hậu Xô Viết với nhiều hy vọng. Chúng tôi muốn có một mối quan hệ tốt đẹp hơn và thật đáng buồn khi Tổng thống Putin chọn hành động theo cách này”.

Điệp viên Skripal đã phản bội Nga để làm việc cho Anh trước khi bị bắt và kết án ở Moscow năm 2006. Ông này sau đó đã được thả tự do trong đợt trao trả gián điệp với Mỹ năm 2010 và định cư ở Anh cùng năm.

Reuters cho hay, vụ tấn công này đã được giới chức Anh đánh giá có sự tương đồng với vụ ám sát Alexander Litvinenko, cựu điệp viên của Cơ quan Tình báo quốc gia Nga (FSB), trước gọi là KGB, bằng chất phóng xạ polonium-210 năm 2006.

Phản ứng của Anh đối với vụ Litvinenko bao gồm cả việc trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga khi ấy, bị các nhà bình luận trong nước chỉ trích vì quá yếu.

Vì thế, nhiều chính trị gia Anh và các phương tiện truyền thông đã kêu gọi một phản ứng mạnh mẽ hơn trong vụ Skripal.

Anh cũng đã kêu gọi sự ủng hộ từ Mỹ, Liên minh châu Âu, các đồng minh NATO và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ).

Tại cuộc họp khẩn của Hội đồng bảo an LHQ ngày 14/3, Phó đại sứ Anh tại LHQ Jonathan Allen cho biết, hàng trăm người Anh có khả năng bị phơi nhiễm với chất độc Novichok - thứ vũ khí không thể sản xuất mà không sử dụng các phòng thí nghiệm quốc gia cao cấp nhất. “Đây không phải là tội phạm thông thường. Đây là sử dụng trái phép vũ lực”, ông Allen khẳng định.

Nga phủ nhận

Phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov cho biết, cựu điệp viên Skripal làm việc cho tình báo Anh và bị đầu độc trên lãnh thổ Anh, vì vậy vụ việc “không liên quan tới Nga, chứ đừng nói đến giới lãnh đạo Nga”.

Các quan chức khác của Moscow cũng bác bỏ “lời kết tội của Anh” và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh, sẵn sàng hợp tác trong cuộc điều tra nhưng cần xem xét mẫu chất độc đang nghi vấn.

Bộ Ngoại giao Anh cũng triệu tập Đại sứ Nga Alexander Yakovenko để thông báo về các biện pháp trừng phạt của Anh. Tuy nhiên, ông Yakovenko cho rằng phản ứng của Anh về vụ việc ở Salisbury là “không thể chấp nhận được” và mang tính “khiêu khích”. Cách giải quyết xung đột này của xứ sở sương mù sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc cấp thị thực cho công dân Anh, Đại sứ quán Nga tại Anh cảnh báo.

Bộ Ngoại giao Nga nói rằng, Moscow sẽ nhanh chóng trả đũa các biện pháp “thiển cận” của Anh. Đồng thời, phản ứng lại việc “Ngừng tất cả các cuộc gặp song phương cao cấp đã lên kế hoạch giữa Anh và Nga”. Tại cuộc họp ngày 14/3, Đại sứ Nga Vassily Nebenzia tại LHQ cũng lặp lại lời phủ nhận của Moscow và kêu gọi Anh phải đưa bằng chứng về sự tham gia của nước này trong vụ đầu độc.

Bộ Ngoại giao Nga trong một phản ứng mới nhất đã nhận xét rằng, tuyên bố của bà Theresa May về vụ Skripal là “một màn xiếc trong nghị trường Anh”. Đồng thời, Moscow cũng chỉ ra rằng, phía Anh bắt đầu chiến dịch thông tin và chính trị nhằm mục đích khiêu khích.

Trong khi Thủ tướng Anh nói rằng, “không có một kết luận nào khác ngoài việc nhà nước Nga là thủ phạm” cho âm mưu sát hại ông Skripal và con gái, thì một chuyên gia phân tích đã tìm hiểu về chất độc Novichok cho rằng, bà May có thể đã “nói dối một chút”.

Nhà báo Nga Viktor Marakhovsky bình luận trên Sputnik cho rằng, Nga đã phá hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học của mình cách đây rất lâu và trước thời hạn (không giống như Mỹ, nước này vẫn còn sở hữu vũ khí hóa học).

Bên cạnh đó, tác giả của chất độc thần kinh Novichok đã di cư sang Mỹ cách đây khoảng 20 năm. Và 10 năm trước, ông này đã xuất bản một cuốn sách, trong đó mô tả các tiền tố của chất độc thần kinh này. Như vậy, chất độc này đã không còn được giữ bí mật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.