Máy bay quân sự của Trung Quốc đáp trái phép xuống Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam |
Đường băng mới được xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam dài 3km và là một trong 3 đường băng tại Trung Quốc được xây dựng chỉ trong vòng 1 năm qua. Không chỉ các nước trong khu vực, Mỹ cũng nhiều lần chỉ trích việc bồi đắp trái phép đảo nhân tạo trên Biển Đông vì lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng những cơ sở hạ tầng này vào mục đích quân sự.
Ban đầu, Trung Quốc “gân cổ” bác bỏ, khẳng định công tác xây dựng, bồi đắp không nhằm mục đích thù địch. Tháng Một vừa qua, Trung Quốc bắt đầu cho các chuyến bay dân sự đáp thử nghiệm xuống đường băng này.
Ngay tại thời điểm đó, Việt Nam đã và luôn kiên quyết với Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Một lần nữa Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp. Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế". Đồng thời, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối.
Và nay, Trung Quốc trắng trợn cho máy bay quân sự hoạt động tại đây. Tờ Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA Daily) Trung Quốc giải thích, máy bay quân sự này đang tuần tra trên Biển Đông thì nhận được lời kêu cứu khẩn cấp đáp xuống Đá Chữ thập để đưa ba công nhân ốm nặng tới đảo Hải Nam chữa trị.
Đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc thừa nhận cho máy bay quân sự đáp xuống Đá Chữ Thập. Tờ Thời báo Hoàn cầu trích lời một chuyên gia quân sự nhận định hoạt động này chứng tỏ, đường băng trên Đá Chữ Thập đạt tiêu chuẩn quân sự; trong tương lai, nếu xảy ra chiến tranh, chiến cơ của Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng cơ sở hạ tầng này.
Đô đốc Harry Harris – Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ từng tố cáo: “Trung Quốc rõ ràng đang quân sự hoá Biển Đông. Điều đó chỉ có thể sai khi Trái đất hình tròn”.
Ông Harris cho biết, ông tin việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, hệ thống radar ra rặng san hô Châu Viên trên đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và xây dựng đường băng tại đây là những hành động “đang làm thay đổi bối cảnh hoạt động trên Biển Đông”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận