Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý |
Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2018, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Báo Giao thông có cuộc trao đổi với Ủy viên Ủy ban TVQH, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư Trần Văn Tuý về những vấn đề xoay quanh quy trình lấy phiếu tín nhiệm.
Kênh thông tin quan trọng để đánh giá cán bộ
Việc lấy phiếu tín nhiệm có chủ trương từ cuối năm 2012 và được thực hiện từ năm 2013. Sau 5 năm, ông có thể khái quát kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm với các cán bộ cấp cao?
Ngay sau khi có chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21/11/2012, Quốc hội, HĐND các cấp đã hai lần thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm (năm 2013 và 2014).
Kết quả triển khai lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, HĐND trong cả nước đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã phát huy tác dụng tốt, thu hút sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của dư luận, sự tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước. Đây thực sự là một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét mức độ tín nhiệm và đánh giá cán bộ chính xác hơn.
Trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện nhiều ý kiến về việc điều chỉnh, vậy đến nay đã có những thay đổi nào trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm chưa?
"Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm làm cơ sở, căn cứ để cơ quan có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc; khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức; kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo những người không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác”. |
Để tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và rút kinh nghiệm cho những lần lấy phiếu tín nhiệm tiếp theo, ngày 28/11/2014 Quốc hội đã có Nghị quyết số 85/2014/QH13 với những sửa đổi, bổ sung quan trọng về phạm vi, đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm (chuyển từ định kỳ hàng năm, bắt đầu từ năm thứ hai của nhiệm kỳ sang lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ) và hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm. Đối với mức độ lấy phiếu tín nhiệm vẫn gồm 3 mức là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.
Tiếp đó, Quốc hội đã luật hóa quy định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, xác định cụ thể phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, trình tự và hệ quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND. Các vấn đề về thời hạn, thời điểm, quy trình lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội. Căn cứ vào các văn bản pháp lý này, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, Quốc hội, HĐND các cấp sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2018.
Khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức
Dù đạt được những kết quả tích cực như ông vừa đề cập, nhưng vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn về lấy phiếu tín nhiệm. Theo ông, cần rút ra những kinh nghiệm gì?
Trước hết, các cấp ủy đảng cần lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát để hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND bảo đảm chặt chẽ, thận trọng, đúng quy định, dân chủ, khách quan, công tâm, thực chất, đạt mục đích, yêu cầu đặt ra, không hình thức, duy tình. Đặc biệt, nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh việc vận động, lôi kéo hoặc có hành vi tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm tổn hại uy tín tập thể và cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.
Căn cứ vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
Trong việc lấy phiếu tín nhiệm, các ĐBQH, HĐND và kể cả người được lấy phiếu cần lưu ý điều gì, thưa ông?
Các ĐBQH và HĐND cũng phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm thay mặt cử tri, thay mặt nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm đối với người được Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Do đó, mỗi đại biểu phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thảo luận, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác mức độ tín nhiệm của mình đối với người được lấy phiếu tín nhiệm. Muốn vậy, đại biểu phải thực sự lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, dành thời gian nghiên cứu báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm, báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam, lắng nghe, sàng lọc thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội một cách cẩn trọng.
Về phía người được lấy phiếu tín nhiệm phải chuẩn bị báo cáo về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và phẩm chất, đạo đức, lối sống một cách trung thực, khách quan. Trong đó, có việc thực hiện công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định, đồng thời phải trả lời nghiêm túc, đầy đủ, trung thực những vấn đề ĐBQH và HĐND nêu. Người được lấy phiếu cũng phải có trách nhiệm kiểm điểm, đánh giá về việc có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong báo cáo bằng văn bản của mình gửi Quốc hội, HĐND để làm căn cứ cho đại biểu Quốc hội, HĐND đánh giá mức độ tín nhiệm.
Cuối cùng, chúng ta cần có cơ chế để nhân dân tham gia giám sát hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, chẳng hạn thông tin về kết quả kiểm phiếu. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình “hậu lấy phiếu tín nhiệm” để theo dõi, đánh giá việc khắc phục những thiếu sót, hạn chế của người được lấy phiếu tín nhiệm, báo cáo với Quốc hội, HĐND trong lần lấy phiếu tín nhiệm tiếp theo.
Cảm ơn ông!
Có thể xem xét việc lấy phiếu tín nhiệm sớm hơn Theo chương trình dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 2 đợt, đợt 1 vào ngày 12 - 13/3 và đợt 2 vào ngày 20 - 22/3. Cụ thể, trong đợt 1, ngày 12/3, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ; một số nội dung của dự thảo Nghị định quy định về đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Sau đó một ngày, Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Ngô Đức Mạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận. Ông Mạnh là Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã nhận nhiệm vụ Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga từ 18/1. Đợt 2, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); cho ý kiến lần 2 về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tại đợt này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có chương trình riêng về nội dung tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội với việc đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Đáng lưu ý nhất của đợt làm việc này có lẽ là việc Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Theo quy định tại Nghị quyết 85 năm 2015 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Quốc hội, HĐND sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ, vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ, tức là vào kỳ họp 6 Quốc hội tới đây. Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết, hiện có ý kiến đề xuất đẩy việc lấy phiếu tín nhiệm sớm hơn, từ thời điểm Quốc hội họp kỳ 6 vào cuối năm 2018 lên kỳ họp thứ 5, dự kiến diễn ra vào tháng 5 - 6/2018. Tuy nhiên, việc này lại trái với Nghị quyết 85 nên chưa chốt phương án nào. Ban Công tác Đại biểu dự kiến chuẩn bị trình cả hai phương án để xin ý kiến Thường vụ Quốc hội. Hoài Vũ |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận