Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 7/2016 |
Tại cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV, trong số 496 ĐB được bầu có hai người trúng cử không được Hội đồng bầu cử Quốc gia công nhận tư cách ĐBQH là ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Khóa XIV cũng đánh dấu sự mất mát lớn khi có 2 ĐBQH qua đời. Ngày 8/11/2016, tại Thừa Thiên - Huế, Hòa thượng Thích Chơn Thiện (SN 1942) - là ĐBQH cao tuổi nhất khóa XIV qua đời. Ông là ĐBQH các khóa XI, XII, XIII và là đại biểu đương nhiệm cao tuổi nhất Quốc hội XIV. Hơn 1 tháng sau, ngày 16/12, ĐBQH Ngô Văn Minh (SN 1959, ở Quảng Nam) cũng qua đời sau một thời gian mắc bệnh hiểm nghèo. Ông Minh là ĐBQH ba khóa XII, XIII và XIV.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Quốc hội khóa XIV còn 492 ĐB.
Mới đây nhất, ngày 28/4, Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã có cuộc tiếp xúc cử tri tại quận Ninh Kiều. Tại cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri đã đề cập trường hợp của ông Võ Kim Cự chưa thành khẩn nhận khuyết điểm, còn đổ thừa cho cơ chế, cho các bộ, ngành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: "Ban Bí thư đã chỉ đạo Quốc hội, Chính phủ phải làm thủ tục thôi nhiệm vụ ĐBQH và cho nghỉ hưu đối với ông Võ Kim Cự".
Theo Chủ tịch Quốc hội, ông Cự đã bị cách hết các chức vụ trước đó, chỉ còn chức Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam do không có sai phạm trong giai đoạn này. Ông Cự cũng có đơn xin thôi ĐBQH và Chủ tịch Quốc hội đã nhận được. “Theo quy định hiện hành, việc cho thôi ĐBQH nếu chưa đến kỳ họp Quốc hội thì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác. Ở đây, ông Võ Kim Cự nói do sức khỏe nhưng chúng ta hiểu có lý do khác là bị kỷ luật”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Và nếu như vậy, số lượng ĐBQH khóa XIV sẽ tiếp tục giảm thêm 1 người.
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, việc khóa này có một vài ĐB không được công nhận tư cách ĐBQH và một vài ĐBQH qua đời cũng ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Quốc hội, nhưng vẫn chưa đến mức cần bầu bổ sung hay thay thế. “Luật quy định bầu không quá 500 ĐBQH và nếu “khuyết” trên 10% trên tổng số ĐBQH thì mới xem xét bầu bổ sung”, ông Hùng thông tin.
Về vấn đề nếu thiếu ĐBQH thì cử tri có thiệt thòi, ông Hùng phân tích, ở mỗi địa phương đều có một đoàn ĐBQH, có đơn vị bầu cử nhất định có thể thiếu ĐB, nhưng trong sự phân công hoạt động, trong đoàn đó sẽ có phương án, cách thức bù đắp sự thiếu vắng của các ĐB, không để cử tri bị thiệt thòi. Còn việc có những người không đủ tư cách, không đủ sức khỏe vẫn lọt vào Quốc hội, ông Hùng cho rằng, sau mỗi đợt bầu cử sẽ rút kinh nghiệm, cùng nhau đánh giá để lần sau thực hiện tốt và hoàn chỉnh hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận