Thời sự

Mở đường 111 huyền thoại và sự hy sinh của cả trăm TNXP

01/05/2016, 06:55

Đầu tháng 8/1954, gần 8.000 TNXP thuộc Đội TNXP 34 và 40 nhận lệnh tiếp tục ở lại Tây Bắc nhận nhiệm vụ mới.

19

Bộ đội và TNXP sau chiến dịch Điện Biên Phủ tiếp tục mở các con đường chiến lược - Ảnh: Tư liệu

Sau hơn 600 ngày đêm dốc sức, dốc lòng với vô vàn mồ hôi, nước mắt và cả máu, 8.000 chiến sỹ thanh niên xung phong (TNXP) đã hoàn thành con đường chiến lược 111 nối từ TX Lai Châu (cũ) đến biên giới Việt - Trung (nay là đường giao thông huyết mạch từ Điện Biên đi Mường Lay - Pa Tần lên TX Lai Châu). Trong quá trình mở đường ấy, hơn 100 TNXP ở khắp vùng miền của Tổ quốc đã “nằm lại” cùng còn đường ấy, mãi mãi ở lứa tuổi đôi mươi!

Mỗi kilomet đường, hơn 1 chiến sỹ TNXP “nằm lại”

Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP Nguyễn Cao Vãng cho biết, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, đầu tháng 8/1954, gần 8.000 TNXP thuộc Đội TNXP 34 và 40 nhận được lệnh tiếp tục ở lại Tây Bắc nhận nhiệm vụ mới: Mở tuyến đường chiến lược mang bí danh “Công trường 111” nối liền từ TX Lai Châu (cũ) đến biên giới Việt – Trung (điểm giáp ranh với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Do yêu cầu nhiệm vụ cấp bách, các đơn vị vừa khảo sát, vừa mở đường tìm tuyến, vừa thi công. Đây là vùng rừng nguyên sinh, chưa có đường, phải lần theo từng đoạn đường mòn đi xuyên trong núi cao, rừng rậm. Bên cạnh khó khăn về địa hình, cơ sở vật chất, điều kiện thi công..., cái khó không kém là phải đảm bảo hoàn toàn bí mật.

* Theo Hội Cựu TNXP, quá trình mở đường 111, có khoảng 100 chiến sĩ TNXP của hai đội 34 và 40 hy sinh, trong đó đã có 67 phần mộ của họ được tìm thấy và quy tập thành Nghĩa trang Chăn Nưa (thuộc bản Chiềng Chăn, xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu hiện nay). Hiện mới có 11 người trong số này được phong danh hiệu liệt sỹ.

* Con đường 111 là công trình lớn đầu tiên của miền Bắc XHCN, dài 82km từ TX Lai Châu lên cửa khẩu Ma Lù Thàng. Bên cạnh ý nghĩa chiến lược về mặt quốc phòng dự phòng, con đường còn có vai trò xung yếu nối liền Việt Nam với các nước XHCN Đông Âu, nối Lai Châu với biên giới phía Bắc.

Ông Nguyễn Tiến Năng, nguyên Phó đội trưởng Đội 34, nhớ lại, Đội 34 do ông chỉ huy có nhiệm vụ mở tuyến đường từ Pa Tần lên Ma Lù Thàng, dài khoảng 50km. Việc đầu tiên của các chiến sỹ TNXP là bắt tay xây dựng lán trại, kho trữ lương thực thực phẩm, rồi đi tiếp nhận lương thực, thực phẩm, dụng cụ lao động từ Trung Quốc tiếp tế sang. Tất cả những công việc này đòi hỏi phải vượt sông Nậm Na nước luôn chảy siết. Đặc biệt là khi ngược sông cả chục cây số lấy hàng viện trợ. “Lúc đi, ngược sông dù mệt nhưng vẫn dễ hơn lúc về, vì toàn thả trôi xuôi theo sông. Mà sông có nhiều ghềnh thác cao, nhiều dốc đá nguy hiểm. Chỉ cần một chút sơ sảy cũng có thể mất gạo, mất thịt và mất cả người. Trên con đường ấy, chúng tôi cũng mất đi một số anh em”, ông Năng kể, giọng trùng lại.

Đầu tháng 10/1954, dự án mở đường chính thức được khởi công. Sau hơn 600 ngày dốc sức, dốc lòng của hơn 8.000 chiến sỹ TNXP, con đường chiến lược xuyên giữa rừng sâu núi hiểm, qua ba huyện vùng sâu, vùng xa của Lai Châu là Phong Thổ, Mường Lay và Sìn Hồ, qua hai bến phà và hàng trăm cầu, cống, kè chống lở mặt đường đã hoàn tất. Đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến dự lễ khánh thành con đường lịch sử này ngày 13/6/1956.

Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP Nguyễn Cao Vãng, cho biết, gần 60 năm đã trôi qua, tuyến đường chiến lược bí mật năm xưa giờ đã trở thành đường giao thông huyết mạch từ Điện Biên đi Mường Lay - Pa Tần lên TX Lai Châu mới, kéo dài đến biên giới Ma Lù Thàng. Để có con đường chiến lược ấy, hơn 100 TNXP đã vĩnh viễn nằm xuống khi đang làm nhiệm vụ vì khí hậu khắc nghiệt, ăn uống kham khổ, lao động nặng nhọc vất vả, phải lo đối phó thêm với bọn tàn quân thổ phỉ phục kích đặt mìn, bắn lén...

Chẳng hạn, có nhiều đoạn đường mở qua núi, thi công rất nguy hiểm. Chỗ vách núi cao 35 - 45 m, anh em phải bạt ta luy theo tiêu chuẩn kỹ thuật 1/1. Mặt đường rộng 4,5 m, thì chiều cao 45 mét, tức phải mở sâu vào núi gần 50 m. Có những chỗ khi thi công, anh em không dùng được cuốc xẻng, chỉ dùng xà beng cạy, chọc theo thớ, để lớp đá nọ đổ tác động lớp kia đổ theo...

“Dọc tuyến đường 111 ngày ấy, cứ 20km lại có một điểm quản hài cốt. Những chiến sỹ TNXP, nhiều người mới chỉ đôi mươi, ở khắp vùng miền của Tổ quốc đã mãi nằm lại miền Tây Bắc. Trong ấy, nhiều ngôi mộ đến giờ vẫn chưa được định danh và quy tập do mất dấu tích vì cường độ gấp gáp của việc thi công tuyến đường”, ông Vãng nói.

20

Ông Nguyễn Tiến Năng hồi tưởng lại những ngày mở đường chiến lược 111

Nhiệm vụ quan trọng nhất là công tác dân vận

Ông Năng bảo, khó mà kể hết muôn vàn khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh trong quá trình thi công đường. Nhưng đối với ông, nhiệm vụ khó khăn nhất và cũng quan trọng nhất vẫn là công tác dân vận. Theo đúng thiết kế, cung đường chiến lược có rất nhiều điểm đi qua khu vực nương rẫy, thậm chí cả nhà mồ của bà con dân bản nên ban đầu đã bị nhiều người phản đối. “Bà con đều là đồng bào dân tộc ít người. Họ có phong tục, tập quá sinh hoạt, làm kinh tế hoàn toàn khác xa so với người dưới xuôi. Đường có nhiều đoạn đi qua ruộng nương bà con trong khi thời điểm bắt đầu triển khai làm đường thì lại trùng đúng vào vụ mùa thu hoạch của họ. Nhưng trên đấy họ không thu hoạch luôn một lúc như dưới xuôi mà lúa ngô họ cứ để ngoài đồng, ăn đến đâu sẽ ra lấy đến đấy. Đợi đến lúc họ thu hoạch xong có khi phải hết cả năm trời”, ông Năng kể.

Trước tình hình đó, Ban chỉ huy công trường đã thành lập một ban dân vận, chia nhỏ ra thành nhiều nhóm, vào từng nhà dân để thuyết phục bà con thu hoạch mùa vụ rồi nhường đất làm đường. Lúc đầu nhiều người không đồng ý, phần vì phong tục tập quán, phần nữa vì nhiều bà con không tin chúng ta có thể làm được con đường chiến lược này. “Họ bảo, người Pháp ở đây cả trăm năm, người Pháp giàu mạnh như thế mà còn không làm được con đường thì chúng ta, với những dụng cụ thô sơ, người lại mỏng sao có thể làm được. Chính vì họ không tin nên khi được nói về con đường, chẳng mấy ai mặn mà”, ông Năng cho biết.

Để thuyết phục bà con, ông Năng và đồng đội lấy chính chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội mà bộ đội ta vừa dành được làm dẫn chứng để thuyết phục bà con. “Chúng tôi bảo, cứ điểm Điện Biên Phủ Pháp xây dựng kiên cố là thế mà Bộ đội Cụ Hồ vẫn đánh thắng, vẫn đuổi chúng khỏi lãnh thổ Việt Nam được thì con đường chiến lược kia có thấm vào đâu. Rồi chúng tôi phân tích, khi con đường hoàn thành, bà con địa phương cũng được hưởng lợi từ nó. Việc đi lại thuận tiện hơn, giao thương mua bán cũng dễ dàng hơn. Nói đến đó thì tất cả mọi người đều ủng hộ”, ông Năng cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.