Ông Phạm Thế Duyệt nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị |
Những đòi hỏi nghiêm túc sau 30 năm đổi mới đặt ra cho đội ngũ lãnh đạo mới trọng trách phải đẩy lùi trì trệ, tạo được không khí sôi nổi như thời kỳ sau đổi mới năm 1986, đưa đất nước đi lên.
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị chia sẻ với Báo Giao thông những kỳ vọng vào các chức danh lãnh đạo cấp cao vừa được Hội nghị lần thứ hai BCH T.Ư Đảng thống nhất giới thiệu để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp diễn ra cuối tháng 3 này.
Phải đổi mới, không thể mãi cầm chừng
Hội nghị lần thứ hai BCH T.Ư vừa kết thúc cuối tuần qua đã thông qua phương án nhân sự để giới thiệu các ứng viên vào các chức danh lãnh đạo Nhà nước để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Ông kỳ vọng gì vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo mới đã được T.Ư xem xét, quyết định?
Người dân ai cũng mong T.Ư lựa chọn được những đồng chí xứng đáng để lo công việc cho Đảng, cho Nhà nước. Lần này, tôi hoan nghênh T.Ư đã có sự khẩn trương khi sớm thực hiện chuyển giao các chức danh lãnh đạo Nhà nước, không để thời gian chuyển giao kéo dài tạo khoảng trống, giúp các đồng chí lãnh đạo mới có thể lo công việc cho “phải vai”, đúng với trách nhiệm được giao phó.
Chúng ta qua 30 năm đổi mới rồi, giờ phải có bước tiến mới để theo kịp tình hình chung của thế giới, khu vực và trong nước chứ không thể mãi “cầm chừng” được.
Hầu hết các tiêu chuẩn, tiêu chí đối với cán bộ cấp cao đều đã có quy định, nhưng theo ông, nếu chỉ nói chung chung là “có tâm, có tầm, đủ đức, đủ tài, thực sự vì nước, vì dân” đã thực sự đầy đủ, cụ thể hay chưa?
Những tiêu chuẩn này rất đúng và mỗi người lãnh đạo đều phải cần như thế. Tôi tin T.Ư sẽ chọn được những người đủ các tiêu chuẩn ấy. Những điều này chúng ta đã bàn, đã nói nhiều tại các Hội nghị T.Ư và Đại hội Đảng rồi. Nhưng có lẽ cần bổ sung thêm một điều là, với những người không đủ các tiêu chuẩn đã nêu trong quy định thì cần đưa ra khỏi danh sách ngay, không chậm trễ. Bây giờ sai - đúng phải rành mạch, đừng nuông chiều, nể nang nhau.
Thực tế chúng ta mong thế, nói thế nhưng không dễ thực hiện được vì vẫn còn có những bất cập. Nhưng với những người được giao nhiệm vụ thì cần cố gắng làm, có nhược điểm thì phải khiêm tốn, khắc phục, tranh thủ học tập nâng cao trình độ, đi thực tế nắm tình hình, biết cách phát huy trí tuệ của số đông. Người lãnh đạo đã được bầu ra thì phải có ý thức thực sự cầu thị để nghe mọi người góp ý, tạo đoàn kết thực, sức mạnh thực…
Thường xuyên đi cơ sở, cấp dưới không dám quan liêu
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII, đa số người dân cảm nhận dường như đã có một “làn gió mới” thổi vào bầu không khí chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, thể hiện qua nhiều lời nói, hành động cụ thể của một số cán bộ cấp cao vừa được phân công nhiệm vụ mới. Cá nhân ông suy nghĩ thế nào?
Tôi cũng rất hoan nghênh việc này. Ban đầu thấy các đồng chí lãnh đạo mới được phân công nhiệm vụ hăng hái như thế là rất tốt, nhưng làm lãnh đạo thì không chỉ một mình mình làm, mà phải làm cho cả hệ thống chuyển động. Giống như một đoàn tàu, đầu tàu chạy một mình sẽ không có ý nghĩa gì mà phải làm cho tất cả các toa chứa hàng cùng chạy. Vì thế, vai trò của đầu tàu rất quan trọng, phải làm sao để cấp dưới tâm phục, khẩu phục và làm theo. Nếu lãnh đạo thường xuyên đi cơ sở thì bên dưới không cán bộ nào dám quan liêu, tham nhũng nữa. Với những cán bộ không chịu làm, làm không được thì phải thay ngay, không chậm trễ.
"Chúng ta không thể nghĩ cứ Đại hội xong là xong, mà còn rất nhiều việc phải làm. Như mới đây, Đại hội xong mới thấy những sai phạm ở trên đất Ba Vì như thế, quả là điều rất đáng buồn. Dân có thấy được lãnh đạo của mình có lời nói, hành động rõ ràng thì họ mới tin, mới phấn khởi và hăng hái đóng góp”. Ông Phạm Thế Duyệt |
Như tôi đã nói, những tín hiệu tốt đẹp này mới chỉ là bước đầu, phải làm sao để tất cả các quận, huyện đều chuyển động, phải đưa ra nhiều tấm gương Bí thư các quận, huyện cũng làm được như Bí thư Đinh La Thăng hay Bí thư Hoàng Trung Hải thì mới yên tâm được, chứ mình đồng chí Thăng hay đồng chí Hải thì không thay đổi được. Tuy nhiên, cần ghi nhận các đồng chí lãnh đạo mới này đã có những việc làm cụ thể, tác động, động viên được cả bộ máy, hăng hái để nêu gương, thúc đẩy cả bộ máy của thành phố chuyển động.
Tôi cũng mong các đồng chí lãnh đạo mới cố gắng làm sao bớt hình thức, hội họp nhiều, đi nước ngoài nhiều, những cái không hiệu quả dứt khoát phải khắc phục, cố gắng phát huy ưu điểm của người tiền nhiệm, đồng thời phải kiên quyết, gương mẫu hành động từ trên xuống dưới, trên làm tốt thì dưới theo. Bí thư Thành ủy TP HCM và Hà Nội tuy mới nhận nhiệm vụ nhưng có những việc suy nghĩ đúng, làm đúng và có những hành động mạnh mẽ thì dân người ta tin, người ta cần những người đi trước để ở dưới không chần chừ được.
Ông có đồng tình rằng lâu nay, người dân đã quá chán ngán với những cán bộ lãnh đạo chỉ nói mà không làm, làm mà không dám chịu trách nhiệm, thậm chí không nói và cũng chẳng làm? Đội ngũ nhân sự cấp cao sắp được Quốc hội phê chuẩn có vai trò quan trọng thế nào để đẩy lùi sự trì trệ của bộ máy - vốn là một lực cản đối với sự phát triển của đất nước?
Điều này có lẽ không cần bàn thêm. Bởi trong một bộ máy thì vốn dĩ cấp trên có làm mới nói cấp dưới được, nếu cấp trên cũng không chịu làm thì đương nhiên cả bộ máy trì trệ. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với một đội ngũ với đầy đủ những tiêu chuẩn được dân tin, dân bầu và lựa chọn thì chắc chắn khó đến đâu cũng sẽ có cách làm.
Từ trước đến nay, trong đội ngũ lãnh đạo, thông thường có những điều không nói ra với nhau nhưng thực sự ra là không thống nhất. Tôi mong đội ngũ lãnh đạo mới không như thế nữa, có gì cũng sẽ nói thẳng thắn giữa Đảng với Nhà nước, với Quốc hội, với tổ chức mặt trận và các tổ chức khác. Có điều gì chưa thông, chưa đạt được thì gần gũi nhau tìm cách giải quyết. Nếu vừa là lãnh đạo của dân, vừa là công bộc của dân như Bác Hồ nói thì dân ai cũng tin, ai cũng vui.
Trân trọng cảm ơn ông!
GS. Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội): |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận