Bộ phận một cửa Trung tâm Hành chính Đà Nẵng mỗi ngày đón hàng trăm lượt người - Ảnh: Tấn Việt |
Mới sau 2 năm đưa vào sử dụng nhưng đã có ý kiến cho rằng, cần phải di dời Trung tâm Hành chính (TTHC) Đà Nẵng với mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng vì vị trí ảnh hưởng đến giao thông giờ cao điểm, hệ thống thông gió không đảm bảo, dẫn đến thiếu oxy không tốt cho sức khỏe của cán bộ, công chức. PV Báo Giao thông đã có một ngày trải nghiệm tại đây để mục sở thị.
Mọi việc vẫn đang vận hành tốt
Chiều thứ sáu, mọi hoạt động TTHC vẫn diễn ra như thường lệ. Tại tầng 16 của Sở Du lịch, hơn 40 cán bộ tất bật giấy tờ, sổ sách.
“Môi trường làm việc rất hiện đại, mọi người dễ giao tiếp với nhau”, nữ cán bộ Sở GTVT Đà Nẵng nói và cho biết, dù đang mang thai tháng thứ 6 nhưng theo chị, không gian làm việc ở đây không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Sáng 11/8 tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016 – 2021, trả lời ý kiến của đại biểu về “số phận” TTHC, Phó chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng đánh giá: TTHC từ khi đưa vào sử dụng bộc lộ nhiều bất cập như thiếu oxy, nóng bức, tạo áp lực giao thông cho khu vực trung tâm phía Tây cầu sông Hàn. Theo các chuyên gia, vị trí đặt TTHC hiện nay không chỉ xung đột với yếu tố văn hóa - lịch sử (thành Điện Hải) mà tạo nguy cơ ùn tắc giao thông cho chính trung tâm Đà Nẵng. |
“Như khách sạn 5 sao vậy, hiện đại”, cán bộ thuộc Ban ATGT Đà Nẵng đánh giá. Ở tuổi ngoài 50, mỗi ngày làm việc gần 10 tiếng trong không gian bọc kính kín bưng, nhưng vị này chưa bao giờ gặp trở ngại về sức khỏe. “Người ta nói khó thở, thiếu khí tươi gì đó nhưng thực tế mọi việc vẫn đang vận hành khá ổn. Ánh sáng, không khí đảm bảo. Hai năm công tác ở đây, hiếm lắm tôi mới gặp sự cố về điện dẫn đến việc nóng bức khi máy lạnh ngưng hoạt động. Các tầng được bố trí vòng tròn với thang máy chính giữa giúp việc di chuyển trong tòa nhà thuận lợi”, vị cán bộ này nói.
Quan sát của PV Báo Giao thông, lượng người đến giao dịch tại bộ phận một cửa tương đối nhiều, nhưng không xảy ra tình trạng quá tải. Số ghế ngồi được bố trí đầy đủ. Công dân liên hệ tại 31 ô cửa, tương ứng với 24 sở, ngành của thành phố nhanh chóng, thuận tiện. Thay vì phải di chuyển đến nhiều địa điểm để giải quyết từng thủ tục liên quan đến các sở, ngành như trước đây, nay người dân chỉ cần đến bộ phận một cửa, nhấn nút lấy số thứ tự và ngồi chờ đến lượt, có thông báo bằng loa và trực tiếp làm việc với các chuyên viên. Lượng người đông nhưng rất trật tự, nền nếp. Cả không gian mát lạnh, sạch sẽ, ánh sáng đầy đủ. Bộ phận một cửa TTHC Đà Nẵng mỗi ngày đón hàng trăm lượt công dân, cao điểm đến cả nghìn lượt người nhưng luôn được vận hành rất trơn tru.
Trăn trở khí tươi, PCCC...
Một lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, từ khi chuyển về tòa nhà TTHC, mỗi Sở có trách nhiệm lên danh sách CNVC của Sở, gửi về Ban quản lý tòa nhà để làm thẻ ra vào nơi làm việc. CNVC phải luôn mang thẻ khi làm việc. Ban quản lý tòa nhà cũng đặt ra nhiều quy định như không mang vật nuôi, không gây tiếng ồn, mùi hôi, không tổ chức các hoạt động tôn giáo, truyền đơn… để giữ ANTT ở mức tốt nhất. Cũng theo vị này, hàng năm đều có các khóa tập huấn phòng cháy chữa cháy (PCCC), cứu hộ cứu nạn khi có sự cố.
Tuy vậy, nhiều công chức trong TTHC hơn 2.000 tỷ đồng này vẫn tỏ ra lo lắng trong tình huống ứng phó nguy cấp (PCCC, thiên tai…). Điển hình, chỉ 1 tuần sau khi đưa TTHC vào vận hành (tập trung hầu hết các sở, ngành trên địa bàn với khoảng 1.600 CBCNV) đã xảy ra một vụ cháy nhỏ do hệ thống ắc-quy. Ngọn lửa ngay lập tức được dập tắt nhưng khói từ đám cháy tràn lên các tầng trên khiến các phòng đều mịt mù. Phải mất 2 tiếng đồng hồ, lực lượng chức năng mới thổi hết khói ra ngoài. Rất may vụ cháy xảy ra vào chủ nhật nên không gây thiệt hại về người, nhưng cũng đã tạo ra tâm lý bất an cho những người làm việc ở các tầng cao về việc thoát hiểm.
KTS. Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho biết, khi xảy ra cháy, hệ thống thang máy sẽ ngưng hoạt động, người làm việc tại TTHC sẽ tập trung thoát xuống thang bộ, hoặc đập vỡ kính ra ngoài. Cả hai phương án này hoặc sẽ gây ách tắc hoặc gây nguy hiểm cho người. “Từ lúc có ý tưởng xây dựng, tôi cùng một số anh em khác đã phản đối. Không có ai làm TTHC mà lại hình trụ tròn bọc kính cả. Điều này khiến việc cung cấp khí tươi, điều hòa không khí rất tốn kém vì kính hấp thụ nhiệt cả ngày. Còn trong những tình huống khẩn cấp thì rất nguy hiểm”, ông Huy nói.
Thông tin từ Ban Quản lý tòa nhà (Công ty Quản lý và Khai thác tòa nhà PMC) cho biết, vì tòa nhà được khép kín bằng kính cường lực nên luôn được bổ sung khí tươi đảm bảo môi trường làm việc cho CNVC. Tòa nhà được lắp đặt các hệ thống điều hòa phù hợp với từng khu vực khác nhau. Hệ thống điều hòa trung tâm Chiller được sử dụng cho các khu vực có diện tích rộng ở khối đế từ tầng 3 trở xuống. Khu vực khối tháp từ tầng 4 trở lên được điều hòa bởi hệ thống VRF và hệ thống điều hòa trung tâm giải nhiệt gió ADHU. Ngoài ra, tại một số địa điểm đặc thù trong tòa nhà có sử dụng loại điều hòa 2 mảnh. Ngoài điều hòa, hệ thống thông gió của tòa nhà cũng được xây dựng đồng bộ, đảm bảo lọc sạch không khí, mang lại sự thông thoáng tối ưu cho không gian bên trong.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận