Chính trị

Một ngày trực đường dây nóng của Thành ủy TP Hồ Chí Minh

03/09/2016, 05:55
image

Hàng trăm cuộc điện thoại của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Thành ủy TP.HCM mỗi ngày...

22

Anh Tống Xuân Hùng, trưởng ca trực đường dây nóng, tổng hợp thông tin ghi nhận trước khi chuyển về Văn phòng Thành ủy và UBND thành phố - Ảnh: Phan Tư

Alô, đường dây nóng Thành ủy xin nghe!

- Alô, đường dây nóng Thành ủy xin nghe!

- Em ơi, nhờ em chuyển lời đến bác Bí thư Thành ủy có chỉ đạo gấp giúp bà con ở đường Gò Dầu, phường Tân Phú, quận 9 bị mưa làm sụt lún mấy ngày nay mà không thấy ai tới sửa. Để thế này buổi tối có người đi ngã xuống chết như chơi.

- Cho em hỏi chị tên gì và số điện thoại để tiện liên lạc hồi âm ạ?

- Chị tên Minh Hằng, địa chỉ… số điện thoại 0982587…

- Dạ, em sẽ chuyển thông tin này đến cơ quan chức năng ngay và xin cảm ơn chị đã thông tin.

"Chúng ta phải làm việc đó như hít thở, ăn uống hàng ngày. Đó là nhiệm vụ, chức trách của cán bộ địa phương, không chỉ có lợi cho người dân mà còn có lợi cho chính quyền nữa. Đừng để đường dây nóng bị nguội lạnh theo thời gian."

Ông Võ Văn Hoan 
Chánh Văn phòng UBND TP.HCM

Cùng lúc đó, ở một máy khác, một người đàn ông tên Hưng gọi điện để phản ánh về tình trạng hư hỏng đường tạo thành “ổ voi” trước đường làng Tăng Phú, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9. Anh Hưng cho biết, người dân đã báo với cơ quan chức năng gần tháng nay nhưng không thấy ai tới xử lý nên gọi tới đường dây nóng của Thành ủy để phản ánh. Thông tin được nhân viên trực tổng đài chuyển vào mục Giao thông đô thị để chuyển đến Văn phòng Thành ủy và UBND.

Anh Thạch, huyện Nhà Bè điện thoại phản ánh về sự cố hệ thống điện trên đường Nguyễn Bình, xã Nhơn Đức mấy ngày qua làm mất điện. Cũng với nội dung này, chị Hồng phản ánh, ở số 237 Phan Đình Phùng, phường 15, quận Phú Nhuận hệ thống đèn bị hư hỏng, đề nghị sớm thay đèn để đảm bảo ATGT. Nội dung trên đã được chuyển đến Công ty Chiếu sáng công cộng thành phố.

Ở máy số 3 nhận được cuộc điện thoại của anh Linh ở Khu phố 7, đường Bùi Thị Sùng, thị trấn Hóc Môn gọi đến đường dây nóng Thành ủy để cảm ơn. Trước đó, ngày 1/8 anh Linh có gọi điện phản ánh về tình trạng đèn đường ở trên tuyến đường này bị hư hỏng. Sau đó Công ty chiếu sáng công cộng đã cho người đến khắc phục, đến nay đã hoàn thành, đảm bảo an ninh trật tự cho người dân khu phố.

Trong một buổi ngồi trực đường dây nóng Thành ủy TP.HCM, PV Báo Giao thông ghi nhận có hàng trăm cuộc điện thoại như thế mà người dân các quận, huyện gọi đến để phản ánh những vấn đề bất cập trong cuộc sống. Nhiều nhất là về giao thông, y tế, giáo dục…

23

Một trong những mong mỏi của người dân TP HCM qua đường dây nóng là giảm thiểu tình trạng tội phạm (Trong ảnh: Công an TP HCM ra quân trấn áp tội phạm) - Ảnh: Công Nguyên

Không để đường dây nóng bị... lạnh

- Alô đường dây nóng Thành ủy xin nghe!

- Cô ơi cho hỏi đây có phải là đường dây nóng của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng không?

- Dạ phải ạ! Cô có vấn đề gì phản ánh không ạ?

- Không. Tôi chỉ kiểm tra xem có chính xác là đường dây nóng của Bí thư Thăng hay không. Cảm ơn cô nhé!

Rụp.

Anh Tống Xuân Hùng, ca trưởng ca trực đường dây nóng hôm đó cho biết, thời gian đầu mới đi vào hoạt động, mỗi ngày nhân viên nhận hàng chục cuộc điện thoại như vậy. Họ gọi chủ yếu để xem có chính xác đường dây nóng của Thành ủy không. Có những hôm khuya có người gọi đến trong tình trạng say xỉn, khóc lóc khiến nhân viên trực tổng đài phải hết sức khéo léo, khuyên can để họ được sớm về nhà an toàn…

Ngại nhất là những cuộc gọi của người dân trước đó đã gọi phản ánh một vấn đề gì đó nhưng thấy lâu quá chưa được xử lý nên gọi lại. Họ nghĩ cứ gọi đến đường dây nóng là được phản ánh trực tiếp đến đồng chí Bí thư và sự việc được giải quyết liền. Khi họ gọi điện lại thì thái độ rất bức xúc, nặng lời. Nhân viên trực tổng đài phải tìm cách xoa dịu và cho biết, thông tin phản ánh của người dân đang được xử lý đến giai đoạn nào.

Tại buổi sơ kết 3 tháng hoạt động của đường dây nóng Thành ủy vừa qua, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP HCM cho biết, bước đầu hoạt động của đường dây nóng rất hiệu quả. Có nhiều hiến kế nhằm phát triển thành phố cũng được người dân gửi đến rất trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng có một số phản ánh chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Sắp tới, UBND TP sẽ ban hành quy chế nhằm ràng buộc trách nhiệm của các UBND quận, huyện, sở-ngành về việc thực hiện đường dây nóng.

Bạn Trần Tử Mai Thi vừa ra trường xin vào làm nhân viên trực tổng đài đường dây nóng Thành ủy. Ngồi nghe điện thoại cả ngày nhiều lúc cũng mệt, nhưng Thi cho biết, ngày càng thấy gắn bó. “Em thấy công việc này rất thú vị. Qua các phản ánh của người dân mình hiểu được cuộc sống còn nhiều vấn đề mà các cấp chính quyền phải giải quyết”, Thi nói.

Một tổ trực đường dây nóng của Thành ủy và UBND thành phố có 10 người, luôn túc trực 24/7. Khi người dân gọi điện đến số nào thì màn hình máy tính hiện lên giao diện của đường dây nóng đó. Tổng đài viên sẽ ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân với 5 cấp độ khác nhau. Khi tổng đài viên ghi nhận xong, bấm nút chuyển thì đồng thời cả Văn phòng Thành ủy và UBND đều nhận được và chuyển đến các đơn vị chức năng xử lý. Trung bình có khoảng 600 cuộc gọi/ ngày vào số 1022 và 200 cuộc gọi vào số 0888.247.247. Khoảng 30% các cuộc gọi đến cung cấp thông tin chưa chính xác, không rõ địa chỉ, không xác minh được... Còn lại tất cả đều được chuyển đến cơ quan chức năng xử lý và có phản hồi để người dân biết.

Thời điểm tiếp nhận các cuộc gọi nhiều nhất là khi trời có mưa gió, cây cối gãy đổ, ngập đường, kẹt xe. Cũng có những thời điểm như lúc đồng chí Bí thư yêu cầu xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường ở huyện Hóc Môn, rất nhiều người dân đã gọi điện đến bày tỏ sự đồng tình và cảm ơn đồng chí Bí thư vì đã xử lý vấn đề rất quyết liệt. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.