Thời sự Quốc tế

Một quốc gia vừa xảy ra bạo loạn, người biểu tình xông vào dinh Tổng thống

Hàng nghìn người biểu tình tại thủ đô Colombo, Sri Lanka đã phá vỡ hàng rào cảnh sát, xông vào Dinh Tổng thống ngày 9/7.

Nhân chứng của hãng tin Reuters cho hay hàng nghìn người đổ về khu tập trung các tòa nhà chính phủ tại Colombo, hô hào khẩu hiệu phản đối Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa và vượt qua rào chắn cảnh sát. Cảnh sát đã phải bắn súng chỉ thiên để cảnh cáo nhưng vẫn không thể ngăn đám đông bao quanh dinh Tổng thống.

Kênh truyền hình địa phương NewsFirst đăng tải đoạn video cho thấy một số người biểu tình mang theo quốc kỳ Sri Lanka và mũ bảo hiểm xông vào dinh Tổng thống. Trong khi đó, hàng trăm người khác tập trung tại khu vực bên ngoài dinh thự.

Một đoạn video phát trực tiếp trên Facebook quay lại khung cảnh bên trong dinh Tổng thống Sri Lanka cho thấy hàng trăm người biểu tình tràn vào các căn phòng, hành lang, hô vang khẩu hiệu chống lại ông Rajapaksa.

Ít nhất 21 người, trong đó có 2 cảnh sát bị thương và được đưa tới bệnh viện trong lúc các cuộc biểu tình đang diễn ra.

img

Cảnh sát Sri Lanka sử dụng hơi cay và vòi rồng để ngăn đoàn người biểu tình tại dinh Tổng thống ngày 8/7. Ảnh - Reuters

Hai nguồn tin thuộc Bộ Quốc phòng Sri Lanka cho hay Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã được hộ tống rời khỏi dinh thự ngày 8/7 trước khi cuộc biểu tình diễn ra theo kế hoạch vào cuối tuần.

Quốc đảo 22 triệu dân đang trải qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ năm 1948, với tình trạng thiếu hụt ngoại hối nghiêm trọng dẫn tới khó khăn trong việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men.

Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu càng trở nên trầm trọng hơn tại Sri Lanka trong những tuần gần đây khi các chuyến tàu chở nhiên liệu không thể đến đúng hạn, khiến trường học phải đóng cửa và xăng, dầu diesel được phân phối ưu tiên cho các dịch vụ thiết yếu. Lạm phát tại quốc gia này lên tới 54,6% vào tháng 6.

Nhiều người dân Sri Lanka cho rằng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải chịu trách nhiệm cho tình trạng này. Các cuộc biểu tình ôn hòa quy mô lớn đã diễn ra từ tháng 3 để yêu cầu ông Rajapaksa từ chức.

Dù Sri Lanka đang lâm vào tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng khiến hoạt động giao thông bị đình trệ, người biểu tình từ nhiều nơi vẫn tìm cách len chật kín lên các chuyến xe buýt, tàu hỏa, xe tải tới thủ đô Colombo để phản đối trước tình trạng Chính phủ không thể bảo vệ người dân trước khủng hoảng kinh tế.

Ông Sampath Perera, làm nghề đánh cá, bắt chuyến xe buýt đông đúc từ thị trấn ven biển Negombo cách Colombo 45km tới thủ đô để tham gia biểu tình. Ông Perera cho biết “chúng tôi đã yêu cầu ông Gota rất nhiều lần là hãy từ chức nhưng ông ấy vẫn cố bám víu lấy quyền lực. Chúng tôi sẽ không dừng lại cho tới khi ông ấy chịu lắng nghe”.

Bất ổn chính trị có thể ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán của Sri Lanka với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về gói hỗ trợ 3 tỷ USD để tái cấu trúc nợ nước ngoài và gây quỹ từ các nguồn đa phương và song phương nhằm cải thiện tình trạng thiếu hụt đồng USD.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.