Thời sự

Mua thuốc “dễ như mua rau”: Bộ trưởng Y tế nhận trách nhiệm

15/06/2017, 06:46

Bộ trưởng Y tế thẳng thắn nhận trách nhiệm khi người dân đến hiệu thuốc nào cũng mua được thuốc không cần theo đơn.

9

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến diễn ra từ cuối buổi sáng đến gần hết phiên làm việc buổi chiều 14/6. Hàng chục câu hỏi liên quan đến những vấn đề nóng nhất của ngành y tế đã được các ĐBQH gửi tới Bộ trưởng Tiến.

Mua thuốc không cần đơn

ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) đề cập việc qua khảo sát gần 3.000 hiệu thuốc từ nông thôn tới thành thị ở phía Bắc, có tới 88-91% hiệu thuốc bán không theo đơn bác sĩ. Chính phủ và Bộ Y tế đã có các quy định và chế tài xử phạt, nhưng chưa đủ mạnh nên tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan, thậm chí ngày càng gia tăng. “Trách nhiệm của bộ trưởng và giải pháp nào quản lý các cơ sở buôn bán dược liệu và hạn chế lạm dụng kháng sinh?”, ĐB Ánh đặt câu hỏi.

ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cũng cùng trăn trở, ông đề nghị bộ trưởng cho biết khi nào chấm dứt được tình trạng dược sĩ kê đơn thay bác sĩ.

Trước chất vấn của ĐB, Bộ trưởng Y tế thẳng thắn nhận trách nhiệm khi người dân đến hiệu thuốc nào cũng mua được thuốc không cần theo đơn. “Trong nhiệm kỳ này, ngành sẽ cố gắng để làm, dù rất khó”, Bộ trưởng cam kết, đồng thời thông tin, ngành đã ban hành nhiều thông tư về kê đơn, quản lý quầy thuốc đạt chuẩn nhưng họ không tuân theo. 

Cả người dân và cơ quan y tế đều… lạm dụng bảo hiểm

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) về tình trạng lạm dụng, lợi dụng, trục lợi BHYT có xu hướng tăng; Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ vừa tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát ở các địa phương và đơn vị trực thuộc, thấy “có tình trạng lạm dụng từ hai phía, một là từ phía cơ quan y tế, hai là người dân”. Theo Bộ trưởng Tiến, có những người khám đến 20-30 lần, sáng đi khám, chiều lại đi khám, khám ở huyện này xong lại sang huyện khác khám... Cơ sở y tế cũng lạm dụng kỹ thuật xét nghiệm, dịch vụ y tế, kéo dài thời gian nằm viện hoặc chưa thực sự cần thiết nhưng vẫn nhập viện tạo nên tăng chi.

Cúi chào bệnh nhân trước khi khám bệnh

Trả lời chất vấn của các ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội), ĐB Phạm Tất Thắng (Long An) về vấn đề y đức, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn dụ hình ảnh “con sâu làm rầu nồi canh”, đồng thời thừa nhận vẫn còn hiện tượng cán bộ y tế có thái độ không tốt.

Tuy nhiên, thời gian qua, ngành Y tế đã đưa ra một chương trình đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bằng nhiều giải pháp tổng thể… “Chắc chắn khi giá tăng thì chất lượng phải tăng. Chúng tôi sẽ xúc tiến đổi mới toàn diện thái độ, phong cách. Và có những đơn vị chúng tôi đã đề nghị trước giờ khám bệnh cúi chào bệnh nhân. Niềm hạnh phúc chính là được phục vụ bệnh nhân và bệnh nhân khỏi bệnh”, bà Tiến nhấn mạnh và cho biết, thời gian qua, toàn ngành có 7.000 cán bộ y tế bị kỷ luật.

Đề cập giải pháp, bà Tiến cho biết, ngành sẽ xây dựng quy trình khám, chữa bệnh chặt chẽ kèm theo giám sát; Cùng với BHXH sẽ có những định mức trần chi. Tất nhiên, mặt nào cũng có hạn chế, vì khi định mức trần và khoán thì quyền lợi của người dân và khoán sẽ bị ảnh hưởng. “Sắp tới, chúng tôi cũng thực hiện nghiêm việc tự chủ nhưng có sự quản lý chặt của Nhà nước và đổi mới toàn diện mô hình tự chủ”, Bộ trưởng Tiến nói.

Giải trình thêm về quản lý Quỹ BHYT và việc trục lợi bảo hiểm, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, do đối tượng phục vụ quá lớn, lên đến 150 triệu lượt người, rải rác ở 14.000 cơ sở khám, chữa bệnh, nên tình trạng trục lợi diễn ra tương đối phổ biến. Theo bà Minh, khi Chính phủ yêu cầu trang bị hệ thống giám định thông tin BHYT, các biểu hiện trục lợi cũng hiện lên rất rõ trên hệ thống này. “Có những thủ thuật, quy trình chung chỉ cần 2 ngày, có bệnh viện lên tới 7,1 - 7,5 ngày. Giường bệnh ở tuyến huyện thường là không sử dụng hết 100% công suất, nhưng hiện có những tỉnh báo lên thanh toán với BHYT 200% - 300% công suất. Rất không bình thường”, bà Minh dẫn chứng.

Theo lãnh đạo BHXH, tổng Quỹ BHYT năm 2017 là 73.000 tỷ đồng, nhưng theo số chi quý I báo cáo lên, năm nay nhu cầu chi sẽ khoảng 80.000 tỷ đồng, thâm hụt 7.000 tỷ đồng. “BHXH đã phân bổ hơn 67.000 tỷ đồng, còn hơn 6.000 tỷ đồng dự phòng sẽ phân bổ cho tỉnh nào bội chi do khách quan. Nếu không có giải pháp tích cực, Quỹ BHYT năm nay sẽ âm 7.000 tỷ đồng“, bà Minh cho hay.

Tranh luận lại, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng, chuyện tiêu cực có thể xảy ra ở bất cứ đâu, nhất là khi cơ chế quản lý còn lỏng lẻo. Giasm đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cho biết, khi tiếp xúc cử tri, bác sĩ rất bức xúc, ngành BHYT cử giám định viên không có chuyên môn y tế nên xuống “thích cắt ai thì cắt”. Bác sĩ thì bức xúc, bệnh nhân thiệt thòi, chủ cơ sở y tế ấm ức thực hiện. Nếu không thực hiện thì dọa cắt BHYT. Ông Cầu đề nghị Bộ Y tế cùng BHXH phải ban hành công cụ công khai hóa nội dung này để thực hiện, chứ không thể thực hiện xin - cho qua giám định viên như thời gian qua.

Giá thuốc chênh lệch, người bệnh chịu thiệt

ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng, còn nhiều ý kiến đánh giá giá thuốc Việt Nam cao hơn so với mặt bằng giá các nước trong khu vực và ngay cả Việt Nam chúng ta vẫn có sự chênh lệch giữa các địa phương và đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ vấn đề này. ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng chất vấn về giải pháp trong việc quản lý giá thuốc để người bệnh không bị thiệt thòi.

Bộ trưởng Tiến khẳng định, thời gian qua, thị trường thuốc của Việt Nam ổn định và không tăng cao. “Trong CPI của những mặt hàng thiết yếu thì thuốc vẫn là đứng thứ 9, thứ 10 có nghĩa là không tăng đột biến”.

Về vấn đề loạn giá bán ở các quầy thuốc, Bộ trưởng nhận định, điều này có thể đúng và cũng có thể không đúng, vì hiện nay để quản lý giá thuốc Bộ đã ban hành các thông tư, quy định có 3 loại mức khác nhau. Loại thứ nhất, là quản lý giá đối với các bệnh viện công lập và ngoài công lập, đặc biệt là sử dụng ngân sách, quỹ bảo hiểm. Loại thứ hai, là các quầy thuốc trong bệnh viện công lập. Loại thứ ba, là đối với các quầy thuốc ngoài đường, tức là bán lẻ.

“Đối với nhà thuốc bệnh viện, chúng tôi đã lên danh mục đấu thầu thuốc tập trung để đấu thầu ra giá tham chiếu cao nhất và thấp nhất trong toàn quốc với một số thuốc, đồng thời đấu thầu danh mục thuốc cho tuyến tỉnh và những thuốc để bệnh viện tự mua. Hiện nay, đang quản lý giá khá tốt”, Bộ trưởng lý giải và cho rằng, riêng đối với quầy thuốc bán lẻ thì phải tôn trọng quy luật thị trường, có nghĩa phải tuân theo kê khai giá và công khai, minh bạch. Tức là các quầy thuốc khác nhau bán cùng một tên thuốc giá sẽ khác nhau, nếu bán rẻ thì nhiều người mua, bán đắt thì ít người mua.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.