Cứu nguy cho thượng đỉnh G20
Thông tin chuyến thăm dự kiến diễn ra vào tuần tới đã được Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi chính thức xác nhận.
Theo bình luận của nhà báo Sebastian Strangio cho trang The Diplomat, chuyến thăm lần này có thể là một nỗ lực nhằm giảm bớt sức ép quốc tế liên quan tới việc Indonesia mời nhà lãnh đạo Nga tham dự thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) trên đảo Bali, Indonesia.
Indonesia đang giữ vị trí Chủ tịch G20 năm nay và là nước tổ chức hội nghị thượng đỉnh của nhóm vào tháng 11 tới.
Indonesia, giống như hầu hết các nền kinh tế lớn mới nổi, đã cố gắng duy trì quan điểm trung lập và kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng giữa Nga và Ukraine, theo AFP.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi)
Tuy nhiên, lập trường trung lập này gây khó cho Indonesia trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 khi họ nằm giữa sự cạnh tranh quan điểm của một bên là Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) và bên kia là Nga và Trung Quốc.
Nga và Ukraine đều muốn tranh thủ sự ủng hộ của nước chủ tịch G20 năm nay.
Ông Radityo Dharmaputra, một giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Airlangga ở Surabaya, Indonesia thông tin với BenarNews cho biết: “Đối với Nga, Indonesia rất quan trọng vì họ cần chứng tỏ rằng không phải tất cả các nước đều ủng hộ Ukraine. Còn đối với Ukraine, họ cần sự hỗ trợ từ các quốc gia khác ngoài Châu Âu và Mỹ.”
Trong khi đó, theo ông Radityo Dharmaputra, một giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Airlangga ở Surabaya, Indonesia, nước này không có động cơ để ủng hộ bất kỳ bên nào, một phần vì công dân của họ không có mối quan hệ thân thiết với cả Nga và Ukraine.
Chuyến thăm theo kế hoạch của ông Jokowi tới Nga và Ukraine dường như cũng phản ánh sự cân bằng tương tự giữa lợi ích của Indonesia với quan điểm của phương Tây.
Nhà báo Sebastian Strangio, làm việc tại Theo Diplomat, nhận định.
Như vậy, Jakarta cũng đang phải nỗ lực để vừa duy trì được lập trường trung lập của mình, vừa đoàn kết quan điểm của các thành viên và đối phó với sức ép loại Nga ra khỏi thượng đỉnh G20 năm nay từ các quốc gia phương Tây, hãng Reuters nhận định.
Trước tình hình này, hồi tháng 4, ông Widodo đã mời cả ông Zelensky và ông Putin tham dự thượng đỉnh G20, bất chấp lời đe dọa tẩy chay của một số nhà lãnh đạo phương Tây.
Chuyên gia Radityo Dharmaputra của Đại học Airlangga, Indonesia đã viết trong một bài báo gần đây rằng: “Bằng cách mời cả Ukraine và Nga, ông Jokowi muốn thể hiện rằng Indonesia đã lắng nghe những quan ngại của phương Tây".
Thêm vào đó, tờ Bloomberg cũng dẫn đánh giá của ông Marty Natalegawa, từng là ngoại trưởng của Indonesia từ 2009 đến 2014, cho biết: “Chuyến thăm lần này có khả năng giúp Indonesia quay trở lại vị thế truyền thống, thể hiện sự tích cực hơn, thay vì những điều đã làm thời gian qua. Có khả năng Indonesia muốn quay trở lại định hướng cơ bản là cố gắng xây dựng những cây cầu nối và cố gắng đóng góp vào giải pháp chung của các vấn đề toàn cầu”.
Indonesia là thành viên sáng lập của phong trào không liên kết, một nhóm các quốc gia không chính thức liên minh với bất kỳ khối lớn nào trong Chiến tranh Lạnh.
Giải quyết khó khăn kinh tế trong nước
Một mục tiêu quan trọng khác trong chuyến thăm lần này của ông Widodo tới Nga và Ukraine là giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang ngày trầm trọng hơn do cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo lời Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi: “Chuyến thăm của Tổng thống Widodo nêu bật mối quan tâm của Indonesia đến các vấn đề nhân đạo và nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực cũng như những tác động của nó”.
Tờ Jakarta Post ngày 20/6 cũng đưa tin, Tổng thống Jokowi sẽ đến Nga với một mục tiêu là thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu lúa mì cần thiết từ Ukraine. Ukraine là một trong những nguồn cung cấp lúa mì lớn nhất của Indonesia trước xung đột. Kiev đã cung cấp khoảng 3 triệu tấn lúa mì cho Jakarta vào năm 2021.
Ông Jokowi cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào tuần trước: “Điều quan trọng nhất mà tôi quan tâm là giá thực phẩm. Vì vậy, chúng tôi muốn cuộc xung đột ở Ukraine dừng lại, giải quyết bằng đàm phán để chúng ta có thể tập trung phát triển kinh tế. Nếu xung đột không chấm dứt thì tình thế này rất nguy hiểm cho nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển."
Ông Jokowi được cho là sẽ đặt vấn đề giải phóng nguồn cung lúa mì từ Ukraine với nhà lãnh đạo Nga. Ảnh - Sputnik/AFP
Cuộc khủng hoảng lương thực đang tác động đến thị trường toàn cầu và gây ra tình trạng thiếu dầu ăn và giá cả lương thực thực phẩm tăng cao đối với người tiêu dùng Indonesia. Theo Bloomberg, tình hình này cũng đã làm giảm tỷ lệ tín nhiệm của công chúng đối với ông Jokowi.
Nhà lãnh đạo Indonesia đã phải thay thế các bộ trưởng nông nghiệp và thương mại sau khi một loạt thay đổi chính sách không thể cải thiện tình trạng thiếu hụt dầu ăn và các loại thực phẩm khác. Sau khi đưa ra lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ hồi tháng 4 thì nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm trên vào cuối tháng 5.
Tuy nhiên, nguy cơ tái áp dụng lệnh cấm vẫn còn khi thị trường dầu ăn và thực phẩm vẫn rất khó khăn về nguồn cung và các hộ gia đình có thu nhập thấp tại Indonesia nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung đang cần được hỗ trợ trước tình hình chi phí sinh hoạt tăng cao.
Hãng tin Reuters đã dẫn nhận định của chuyên gia quan hệ quốc tế Radityo Dharmaputra từ Đại học Airlangga, Indonesia cho rằng ông Jokowi có thể không kỳ vọng nhiều vào việc giải quyết ngay được cuộc xung đột Nga – Ukraine nhưng nhiều khả năng sẽ yêu cầu Nga giải phóng nguồn cung lúa mì từ Ukraine.
Bình luận về mục tiêu kinh tế và ngoại giao của chuyến thăm lần này, cây viết Sebastian Strangio cũng đánh giá: “Trong khi chuyến công du của ông Jokowi đặt nhà lãnh đạo này vào vị trí của một ‘nhà trung gian hòa giải’ – như tờ Jakarta Post bình luận – thì mục tiêu của chuyến thăm này vẫn tuân thủ trọng tâm xuyên suốt nhiệm kỳ tổng thống vừa qua là tập trung vào các vấn đề trong nước. Ông Jokowi đang rất quan tâm tới hệ luỵ kinh tế từ xung đột Nga – Ukraine”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận