Kinh tế

Muôn chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên facebook

10/10/2016, 14:55
image

Thông qua công cụ mạng xã hội (facebook), các đối tượng lừa đảo tung đủ chiêu trò tinh vi chiếm đoạt tài sản.

12

Ngày càng nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi qua mạng xã hội

Bẫy trúng thưởng

Mới đây, Báo Giao thông nhận được phản ánh của chị Hoàng Thị Năm (thôn 4, xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, chị nhận được tin nhắn trên facebook với nội dung trúng giải nhất của Honda với một chiếc xe máy SH 125i (66 triệu đồng)và phiếu quy đổi tiền mặt trị giá 50 triệu đồng. Theo đó, để được nhận giải thưởng, chị Năm phải vào trang web: www.giaimayman.com. “Trang web này có in logo và các dòng xe của Honda với dòng chữ sự kiện tri ân khách hàng Honda năm 2016... cứ y như thật nên tôi đã điền mọi thông tin từ số điện thoại, địa chỉ tới số thẻ tài khoản... theo hướng dẫn trong hồ sơ nhận giải. Điền xong rồi mới nghi ngờ web giả mạo, có khi nào họ lợi dụng để hack tiền trong tài khoản?”, chị Năm chia sẻ.

Theo PC 50, loại hình tội phạm  ăn cắp tài khoản facebook chiếm đoạt thẻ cào điện thoại vẫn phổ biến. Gần đây, các đối tượng còn chuyển sang hình thức đặt vấn đề muốn hợp tác kinh doanh thẻ cào điện thoại tại nước ngoài, yêu cầu người bị hại gửi mã, seri thẻ cào rồi thực hiện hành vi chiếm đoạt. Điển hình đối tượng Phạm Văn Hà (Triệu Phong, Quảng Trị) cũng đã đánh cắp hàng loạt tài khoản facebook, chiếm đoạt thẻ cào điện thoại với trị giá hơn 198 triệu đồng. 

Trước sự việc trên, trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Honda Việt Nam khẳng định: Đây là những thông tin lợi dụng danh nghĩa của công ty để lừa đảo khách hàng. “Trong vòng nửa năm trở lại đây, qua đường dây nóng, chúng tôi rất hay nhận được phản ánh của khách hàng về chương trình trúng thưởng mạo danh Honda. Chúng tôi cũng đã có cảnh báo chính thức trên website của công ty”.

Mới đây, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội cho biết, đã triệt phá đường dây chuyên lập website ảo có nội dung chương trình khuyến mãi không có thật của các nhà mạng viễn thông nhằm chiếm đoạt số tiền thẻ cào của người dùng nạp vào các website này. Theo đó, đối tượng cầm đầu là Nguyễn Tùng Dương (SN 1997, trú tại Quảng Hội, Quang Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội) phân công cho thành viên trong nhóm thực hiện spam thông báo đến các tài khoản facebook nhằm thu hút người dùng truy cập và nạp thẻ vào các website lừa đảo. Để spam thông báo đến các tài khoản facebook, Dương đã mua khoảng 80.000 tài khoản facebook của 2 đối tượng khác với giá 500 đồng/tài khoản. Sau đó, Dương lập 8 tài khoản trên hệ thống Cổng thanh toán Ngân Lượng, tích hợp vào các website lừa đảo thẻ cào để toàn bộ thẻ cào khi người dùng facebook bị lừa sẽ tự động nạp vào các tài khoản Ngân lượng trên (với tỉ lệ chiết khấu đối với hệ thống qua phương thức nạp thẻ là 20-23%).

Chỉ với thủ đoạn trên, trước khi bị phát hiện, nhóm của Dương đã chiếm đoạt khoảng 463 triệu đồng tổng số tiền thẻ cào của các nạn nhân.

Ông “Tây” kết bạn với phụ nữ Việt để lừa đảo

Giữa tháng 4/2016, chị H., giám đốc một công ty tại Hà Nội nhận lời đề nghị kết bạn trên mạng xã hội facebook từ một người nước ngoài tên Kevin Carrey. Kevin thường xuyên chuyện trò với chị H. qua tin nhắn và cho biết, anh có hoàn cảnh thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm. Vì vậy, Kevin đã tình nguyện xin sang chiến đấu tại Pakistan. Cùng có hoàn cảnh éo le (chị H. đã ly thân với chồng), Kevin và chị H. dành nhiều thời gian động viên, chia sẻ, rồi dần nảy sinh cảm mến. Tuy nhiên, ngoài một vài tấm hình chụp trong bộ quân phục tại phòng làm việc, Kevin không chia sẻ hình ảnh nào về nơi làm việc, bạn bè, đồng đội... với lý do bí mật quân sự.

Mỗi khi chị H. tỏ ý băn khoăn, Kevin lại tìm cách củng cố lòng tin cho chị một cách rất thuyết phục. Khi đã trở nên thân thiết, Kevin cho biết quyết định sang Việt Nam tìm cơ hội ở lại sống và làm việc sau khi rời quân ngũ, vì anh giờ đây chỉ còn chị H. là chỗ dựa thân thiết về tinh thần, tình cảm. Kevin cũng ngỏ ý sẽ chuyển toàn bộ thu nhập từ nhiều năm tham gia quân ngũ để chị H. nghiên cứu đầu tư, kinh doanh giúp. Bối rối trước đề nghị bất ngờ, chị H. đã tâm sự với một người bạn và được người bạn này khuyên nên thận trọng. Sau đó, chị H. đã đặt nhiều câu hỏi trao đổi lại với Kevin, đề nghị cung cấp thông tin để kiểm chứng nhưng anh ta lảng tránh rồi “biến mất” khỏi mạng xã hội.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Đại úy Vũ Việt Anh, Đội trưởng Đội Chống tội phạm sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (PC50) cho biết, thời gian gần đây thường xuyên nhận được đơn trình báo về hiện tượng người nước ngoài lừa đảo phụ nữ Việt qua facebook. Theo Đại úy Anh, những đối tượng này thường tìm đến phụ nữ độc thân, đã ly hôn, thiếu thốn tình cảm để kết bạn. Sau thời gian trò chuyện, kết thân, những “ông Tây” này thông báo gửi quà hoặc tiền mặt về nước. “Tới đây, đối tượng người nước ngoài lại kết nối thuê người Việt giả danh nhân viên hải quan hoặc người của công ty chuyển phát thông báo hàng hoặc tiền đang bị cơ quan chức năng chức năng giữ ở sân bay. Chúng yêu cầu nạn nhân nộp phí bằng cách chuyển tiền vào tài khoản của công ty chuyển phát để “chuộc” hàng hóa. Đây là tài khoản thẻ Visa của một ngân hàng Việt mà chúng mở sẵn. Với chiêu thức này, tùy từng vụ việc, đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt từ vài trăm triệu đồng tới vài tỷ đồng của những nạn nhân nhẹ dạ cả tin” Sau đó tổ chức rút tiền bên ngoài lãnh thổ Việt Nam”, Đại úy Anh thông tin.

Đáng nói, tới nay, liên quan tới những vụ việc trên, cơ quan điều tra vẫn chưa tóm được đối tượng lừa đảo nào. “Chủ mưu là người nước ngoài, kết nối với người Việt. Sau mỗi phi vụ, chúng đều rút tiền tại các nước thứ 3 như Campuchia, Thái Lan... nên rất khó điều tra”, Đại úy Anh chia sẻ.

>>> Xem thêm clip:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.