Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM phát biểu tại buổi đối thoại |
Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, muốn giải quyết vấn nạn này cần có trách nhiệm của “bộ ba”: Sở GTVT, Công an TP và Chủ tịch UBND các quận, huyện.
Xe dù, bến cóc lại “nóng” hội nghị
Chiều 5/10, đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Tổng cục Đường bộ VN, Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Sở GTVT TP HCM tổ chức hội nghị đối thoại với các DN vận tải tại TP HCM nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN cũng như đề xuất giải pháp dẹp xe dù, bến cóc, xe khách lách luật…
Theo ông Lê Trung Tính, hiện xe dù, bến cóc biến tướng tăng nhiều lần. “Ngày xưa chỉ là những xe không đủ tiêu chuẩn vào bến, còn bây giờ là các xe Open tour, xe Limousine. Luật pháp đến nay chưa đủ sức chống xe dù bến cóc. Muốn chống xe dù, bến cóc cần lắng nghe các doanh nghiệp vận tải xem hiện nay thủ tục ra vào bến có bất cập gì không? Phí thế nào? Phải tìm hiểu vì sao có tình trạng xin nốt, tài trong bến rồi ra ngoài chạy dù?”, ông Tính chia sẻ.
"Xe dù, bến cóc hoạt động ngày càng công khai nhưng ít bị xử phạt. Nhiều doanh nghiệp cho xe vào trung tâm thành phố đón khách gây cản trở giao thông, đậu ngay ngoài bến xe để đón khách, trả khách rất vô tư nhưng không bị cơ quan nào xử phạt. Chính vì xe dù hoạt động công khai, rầm rộ nên lượng khách vào bến ngày càng ít..." Ông Trần Văn Phương "Cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Xe nào vi phạm nên phạt xe đó chứ không thể phạt tất cả các xe trong cùng một tuyến vì như vậy ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị. Hiện nay có tình trạng xe khách chạy không đạt 70% số lượng vận chuyển bị các cơ quan chức năng đình chỉ luôn tuyến gây khó khăn cho các doanh nghiệp khác." Ông Hoàng Duy Kha Đỗ Loan (Ghi) |
Theo đại diện HTX Đông Bắc, hoạt động tại Bến xe Miền Đông, hiện trên địa bàn TP.HCM, các xe dù hoạt động rất mạnh, giành giật thị phần với xe trong bến. Nhiều chuyến xuất bến chỉ được 1, 2 khách, thậm chí không có khách nào…
Đại diện HTX xe khách liên tỉnh miền Tây cũng bức xúc trước tình trạng nhiều DN mới thành lập vào trung tâm thành phố đậu đón, trả khách, gây cản trở giao thông nhưng chẳng thấy ai phạt (!?)…
Thông tin tại hội nghị, ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, hiện thành phố còn 81 điểm có hoạt động đón trả khách, trong đó có 63 điểm trên đường (trước trụ sở), 27 điểm bảo đảm ATGT, 36 điểm không đảm bảo ATGT, 18 điểm trong khuôn viên, địa điểm kinh doanh…
Còn ông Lê Hồng Việt, Phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho hay, trong 9 tháng đầu năm, đã phát hiện và xử lý 2.672 vụ vi phạm về kinh doanh vận tải hành khách, phạt tiền gần 3,7 tỷ đồng. Qua công tác kiểm tra, Thanh tra Sở còn phát hiện hầu hết các đơn vị kinh doanh đều có vi phạm về người điều hành hoạt động vận tải.
Trả lời nhiều ý kiến chất vấn về hai bến cóc đối diện Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), ông Lê Hồng Việt cho biết, hai nơi này chỉ được cấp phép giữ xe nhưng vẫn hoạt động như bến bãi đón trả khách. Lực lượng TTGT đã nhiều lần bắt quả tang, xử phạt hành chính và có văn bản đề nghị UBND phường 26, Q. Bình Thạnh rút giấy phép nhưng địa phương không thực hiện. Chính vì thế 2 bến cóc này vẫn hoạt động đến hôm nay...
Cũng theo ông Việt, TTGT đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cắm biển báo cấm dừng đỗ trên đường Mai Chí Thọ, Q.2 để xóa bến cóc nhưng cũng bị chính quyền địa phương từ chối với lý do đường rộng, việc đỗ xe không gây cản trở giao thông…
Chống xe dù, bến cóc cần có “bộ ba”
Hiến kế dẹp xe dù, bến cóc, ông Lê Trung Tính cho biết: trước đây khi tham dự hội nghị do Báo Giao thông tổ chức, ông đã đề xuất trách nhiệm là của “bộ ba” gồm Sở GTVT, Công an TP và Chủ tịch UBND các quận, huyện. Theo ông, nên công bố thành lập ban chuyên trách về xe dù, bến cóc để tiếp nhận phản ánh của người dân, kịp thời tổ chức kiểm tra, xử lý. Phải liên tục làm vì xe dù, bến cóc biến tướng. “Xe Thanh Quý chạy tuyến Tiền Giang - Bến xe Miền Tây nhưng lại chạy vào tận Thuận Kiều Plaza, bệnh viện Chợ Rẫy, cứ vài ba chục phút/chuyến”, ông Tính lấy ví dụ và cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra xử lý mạnh tay hơn mới hy vọng tạo được sự công bằng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính...
“Đơn cử đường Lê Hồng Phong, Trần Phú không cho phép nhưng hằng ngày xe 2 tầng, xe 50 chỗ dừng đỗ đón khách ầm ầm vẫn không bị xử lý. “Còn tôi vừa ghé ô tô 4 chỗ vào đón người thân lập tức bị lực lượng TTGT ập đến lập biên bản...”, ông Tính bức xúc.
Về việc vì sao nhà xe Thành Bưởi và nhiều nhà xe khác cố tình lách luật, liên tục đón trả khách như xe khách tuyến cố định ngay trong nội đô mà chưa bị xử lý dứt điểm, ông Lê Hồng Việt cho hay, Thanh tra Sở đã phối hợp với CSGT để xử lý rất nhiều trường hợp. Xe lớn vào trung tâm là xe phù hiệu hợp đồng. Khi kiểm tra các phương tiện này, nếu không có địa chỉ ghi trong hợp đồng thì mới xử lý được. “Xe hợp đồng hiện nay rất phổ biến mà điều kiện để được là xe hợp đồng cũng tương đối dễ dàng. Chúng tôi kiến nghị, đối với xe hợp đồng, nếu có đủ điều kiện thì chuyển sang du lịch lữ hành, còn không đủ thì nên vào bến. Còn về bến cóc, hiện nay UBND các quận, huyện phải xử lý việc thành lập bến bãi trái quy định. Đối với xe Thành Bưởi đã di dời, họ đón khách ở trụ sở nhưng hoạt động đúng theo quy định hiện hành nên không xử lý được…”, ông Việt lý giải.
Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM đặt vấn đề, chống xe dù, bến cóc có nên thiết lập vành đai để hạn chế xe trên 12 chỗ vào nội đô? Có cấm các xe đón khách tại trụ sở không? Phải sửa quy định thì mới làm được.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ VN, theo quy định, trước khi lăn bánh, xe chạy hợp đồng phải cung cấp cho Sở GTVT lộ trình, số lượng khách trên xe. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, đối chiếu và nếu không khớp báo cáo với Sở thì sẽ xử lý được. Còn đại diện Vụ Vận tải cho biết, Vụ đang đưa vào Dự thảo sửa đổi nghị định về việc không được đón khách tại trụ sở của các hãng vận chuyển để dẹp xe dù, bến cóc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận