Quán “cóc” chiếm dụng vỉa hè (Đường Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội, chụp ngày 18/3) - Ảnh: Tạ Tôn |
Vì sao phải đấu thầu vỉa hè mà không để cho các nhà mặt phố thuê? Theo tôi, vì vỉa hè là của chung, đặc thù ở Hà Nội và TP.HCM có nhiều gia đình trong ngõ ngách nhỏ cũng có nhu cầu sử dụng vỉa hè. Vì vậy, cần phải đấu thầu và có hợp đồng cho thuê rõ ràng.
Chỉ cần cái bàn nước, mỗi tháng thu nhập cả chục triệu đồng
Mấy hôm nay, nghe dư luận xôn xao việc nhiều thành phố ra quân đòi lại vỉa hè và vấp phải sự phản đối kịch liệt của không ít người. Việc đó cũng là lẽ đương nhiên, bởi chỉ vài mét vuông vỉa hè cũng có thể khiến nhiều người hái ra tiền, duy trì thu nhập nuôi sống cả gia đình và có cả chuyện chính quyền phường sống nhờ thu phí vỉa hè nữa. Chỉ cần cái bàn nước nhỏ, thêm hộp thuốc lá bán trên vỉa hè, nhiều người thất nghiệp đã có thể kiếm đến hàng chục triệu đồng/tháng. Chưa hết, nhiều nhà hàng, quán xá cũng tận dụng triệt để đoạn vỉa hè trước cửa làm nơi để xe, bày bàn ghế cho khách ngồi ăn.
Trăm cái lợi như vậy nên khi bị dẹp bỏ, các chủ nhà hàng và người lấn chiếm vỉa hè phản đối cũng là điều dễ hiểu. Nhưng họ đâu hiểu chính họ đang lấy tài sản công làm của riêng và đẩy những người đi bộ phải đi xuống lòng đường chung với phương tiện cơ giới, gây nguy cơ bị TNGT.
Nay, các thành phố lớn quyết tâm lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, làm phong quang các tuyến phố, tôi rất ủng hộ. Chắc chắn khi thực hiện sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà mặt phố đang sử dụng vỉa hè. Và ai dám chắc sau khi kết thúc chiến dịch, các nhà mặt phố sẽ không tái lấn chiếm, nếu chính quyền địa phương làm ngơ? Lợi ích quá lớn chắc chắn sẽ khiến các gia đình mặt phố làm liều.
Muốn thuê phải đấu thầu
Vậy, để làm sao hài hòa được lợi ích của gia đình có nhu cầu sử dụng vỉa hè, đồng thời người đi bộ cũng có vỉa hè để đi, theo tôi cần giải quyết những vấn đề sau: Thứ nhất, đối với những vỉa hè có chiều rộng khoảng 2 - 3m, có thể đấu thầu cho thuê phía ngoài khoảng 1,2 - 1,5m. Phần diện tích còn lại sẽ để dành cho người đi bộ. Vì sao phải đấu thầu, mà không để cho các nhà mặt phố thuê? Vì vỉa hè là của chung. Đặc thù ở Hà Nội có nhiều gia đình trong ngõ, ngách nhỏ cũng có nhu cầu sử dụng vỉa hè. Vì vậy, cần phải đấu thầu và có hợp đồng cho thuê rõ ràng. Các điều khoản quy định cụ thể, người thuê chỉ được phép sử dụng trong phần diện tích ghi trong hợp đồng. Nếu lấn chiếm, công an phường sẽ phạt nặng. Người thuê cũng chỉ được phép sử dụng vỉa hè vào đúng mục đích để xe, không được dùng vỉa hè làm nơi bán hàng ăn gây mất vệ sinh và mất mỹ quan đô thị. Người thuê cũng không được phép cho thuê lại vỉa hè để ăn chênh lệch. Vì như thế, dễ dẫn đến hiện tượng bảo kê kiếm lời.
Vi phạm lần thứ nhất, lần thứ hai sẽ bị phạt hành chính. Vi phạm lần thứ ba sẽ bị chấm dứt hợp đồng và không còn quyền đấu thầu những lần sau nữa. Khi đã cho thuê vỉa hè và quan hệ theo hợp đồng kinh tế rõ ràng, Nhà nước sẽ có một khoản tái đầu tư hạ tầng cho chính khu vực đấy. Hơn nữa, người có nhu cầu sử dụng vỉa hè thực sẽ được lợi.
Thứ hai, đối với những đoạn vỉa hè quá hẹp không nên cho phép thuê, mà để dành cho người đi bộ. Các hộ kinh doanh, buôn bán buộc phải thu xếp chỗ để xe cho khách, có thể thiết kế lại tầng 1 làm nơi để xe và bày hàng trên tầng 2. Hoặc vài hộ kinh doanh góp tiền để thuê một ngôi nhà gần đấy làm nơi để xe. Cái này phải chấp nhận vì mục đích chung đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Tôi thiết nghĩ, hiện nay, thói quen người dân cứ ra khỏi nhà là đi xe máy do cơ sở hạ tầng cho người đi bộ bị chiếm dụng. Nay, khi có vỉa hè rộng, thoáng, sạch sẽ và an toàn, tôi tin chắc rằng, số lượng người đi bộ sẽ tăng lên. Tôi và rất nhiều người khác đều sẵn sàng đi bộ trong khoảng cách dưới 3km, vừa đỡ tiền xăng, vừa có thể tập thể dục, nếu có vỉa hè an toàn. Từ đó, lượng phương tiện cá nhân lưu thông trên đường sẽ giảm đi. Và giao thông sẽ bớt ùn tắc hơn. Đấy mới là lợi ích thiết thực nhất của việc đòi lại vỉa hè. |
|
Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận