Hiện nay, Mỹ đang thực hiện nhiều cuộc tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông |
Phát biểu ở cuối Đối thoại Mỹ - Trung tại Bắc Kinh, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì tiếp tục ngang ngược tuyên bố Trung Quốc có quyền bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải trên Biển Đông. Trung Quốc hy vọng Mỹ nghiêm túc tuân thủ lời hứa không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ ổn đình và hòa bình trong khu vực. Ông Dương kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán.
Về phía mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định, Mỹ không đứng về phe nào trong mọi cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng Mỹ ủng hộ đàm phán và giải quyết bằng phương pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. Mặt khác, Mỹ bày tỏ lo ngại về những hành động đơn phương của bất cứ bên nào nhằm thay đổi hiện trạng trong khu vực.
Tại Đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc cũng tái khẳng định cam kết của hai chính phủ về việc tăng cường tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Trước đó, trong một diễn biến liên quan, để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, hãng tin Tân Hoa Xã, Trung Quốc dẫn phát biểu của Phó Thủ tướng Campuchia Hor Namhong sau buổi tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân, cho biết: "Tôi đã nói với phía Trung Quốc rằng những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Hoa Nam cần phải được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp".
Hơn nữa, đề cập tới nỗ lực đơn phương của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ở La Lay (Hà Lan) liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, ông Hor Namhong cho hay Bắc Kinh đủ cơ sở pháp lý để không chấp nhận và cũng không tham gia vụ kiện này.
Lời kêu gọi đàm phán song phương giữa các nước có tranh chấp trên Biển Đông của Phó Thủ tướng Campuchia đã đi ngược lại các tuyên bố chung của ASEAN cùng nhiều tổ chức khác và cộng đồng quốc tế. Mới đây nhất, tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh Châu Á (Shangri-La 2016), bà Bonnie Glaser - Cố vấn cấp cao về châu Á của Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) Bonnie Glaser cho rằng: “Có rất nhiều tài liệu Trung Quốc công bố về Biển Đông vốn không hoàn toàn là sự thật. Nên cần phải dựa vào các học giả và chính phủ các nước xem Trung Quốc có bóp méo sự thật hay không”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận