Viên đạn xuyên qua cửa kính, găm thẳng vào đầu con trai người tài xế. Cậu bé vô tội qua đời trên đường đi cấp cứu.
Năm tồi tệ nhất về bạo lực súng đạn trên đường
Tại Mỹ, tình trạng xả súng gây chết người chỉ vì vài chuyện bức xúc trên đường đang tiếp diễn với tần suất dày hơn trong vài năm gần đây.
Cảnh sát bang California tại hiện trường vụ xả súng khiến bé trai 6 tuổi thiệt mạng, nguyên nhân cũng chỉ bởi cãi vã trên đường. Ảnh: Los Angeles Times
Như vụ một người đàn ông ở Tulsa, Oklahoma rút súng bắn liên tiếp vào xe đối diện vì cãi vã trong lúc chờ đèn đỏ.
Hay vụ một phụ nữ lái xe chở cún cưng đi chơi cuối cùng lại bắn và làm bị thương một người khác tại thành phố Oklahoma.
Trước đây, bức xúc khi tham gia giao thông, người ta cùng lắm là chửi thề hoặc giơ ngón tay giữa để thể hiện tức giận rồi lại tiếp tục lái xe đi nhưng nay họ thẳng thừng rút súng và bắn vào người đối diện.
Ông Sylvester Turner, Thị trưởng thành phố Houston, bang Texas
Bên cạnh đó, còn có một cặp đôi người Los Angeles, bang California chuẩn bị hầu tòa vì xả súng vào ô tô khác trong giờ cao điểm buổi sáng khiến một bé trai 6 tuổi đang trên đường tới lớp thiệt mạng…
Những sự việc như vậy xuất hiện nhan nhản tại Mỹ, nổi bật nhất là tại bang Texas, khi lượng dân số mang theo súng bên người ngày càng gia tăng.
Nhận thấy xu hướng này, Phòng Cảnh sát Dallas - một thành phố thuộc bang Texas thời gian gần đây mới bắt đầu thực hiện theo dõi số vụ xả súng vì lý do bức xúc trên đường. Kết quả cho thấy thực trạng đáng báo động: Có 45 người bị thương và 11 người thiệt mạng.
Tại thành phố Austin, bang Texas, năm ngoái, cảnh sát cũng ghi nhận 160 vụ tài xế chĩa súng và xả súng vào người tham gia giao thông. Riêng trong năm nay, có khoảng 15 vụ xả súng, 3 người bị tấn công.
Các nhà tội phạm học lưu ý rằng, hiện nay chưa có thông tin chính xác về động cơ đằng sau các vụ xả súng do va chạm trên đường vì còn thiếu dữ liệu thống kê.
Hầu hết các cơ quan cảnh sát của Mỹ đều không thu thập thông tin về các vụ việc này và cũng không có dữ liệu thống kê liên bang.
Hiện tại chỉ có một khảo sát do nhóm kiểm soát súng đạn mang tên “Everytown for Gun Safety” thực hiện.
Nhóm đã thu thập thông tin từ tổ chức phi lợi nhuận Gun Violence Archive và lập báo cáo cho thấy, năm 2021 có hơn 500 người bị thương hoặc thiệt mạng chỉ vì “tức giận trên đường”, tăng cao so với con số 300 người trong năm 2019, đánh dấu 2021 là năm “tồi tệ nhất” về bạo lực súng đạn trên đường.
Bà Sarah Burd-Sharps, Giám đốc cao cấp phụ trách nghiên cứu của nhóm “Everytown for Gun Safety” nhận định, chỉ ở Mỹ mới có chuyện cứ 17 giờ lại có 1 người bị thương hoặc thiệt mạng chỉ vì… tranh cãi giao thông.
Cũng theo nghiên cứu này, Texas là bang chiếm ¼ số vụ xả súng chết người do mâu thuẫn giao thông trong đó có 33 người thiệt mạng, tăng gần gấp đôi so với năm 2019.
Lái xe được phép mang theo súng
Ông Paul Castro, người cha mất con sau vụ cãi vã vì mâu thuẫn giao thông Ảnh: New York Times
Một phần nguyên nhân là bởi, tại bang Texas, từ năm 2007, lái xe được phép mang theo súng mà không cần mang theo giấy phép, theo luật bảo vệ người lái xe của Texas.
Năm ngoái, một luật mới được ban hành còn cho phép hầu hết người Texas mang theo súng ngắn ở nơi công cộng mà không cần giấy phép.
Hơn nữa, trên mạng xã hội Mỹ nhan nhản các video huấn luyện cung cấp bí kíp để mang theo và sử dụng súng trong ô tô.
Ông Christina Smith, Điều tra viên thuộc Phòng Cảnh sát Dallas đang điều tra các vụ xả súng vì mâu thuẫn giao thông cho biết, các loại súng được sử dụng trong những mâu thuẫn trên đường tại Dallas đều là loại được sở hữu hợp pháp.
Các trường hợp trên cũng bộc lộ một vấn đề khác trong quản lý của cảnh sát đó là hầu hết các sự việc đều xảy ra trên những đoạn đường thiếu vắng camera giám sát.
Ông Greg Fremin, Cảnh sát trưởng đã nghỉ hưu, hiện là một nhà nghiên cứu về tội phạm học tại Đại học Sam Houston cho biết: “Thật không may, xu hướng này gia tăng nghiêm trọng”.
Đa phần các trường hợp, cảnh sát rất khó điều tra vì diễn biến sự việc rất nhanh, ít khi có người chứng kiến, nhìn tận mắt biển số xe hoặc hình dáng phương tiện. Người bị hại thường quá sốc hoặc quá đau nên không còn tâm trí để ý những thông tin như vậy.
Qua thu thập dữ liệu, điều tra viên Christina Smith của Phòng cảnh sát Dallas nhận thấy, hầu hết các vụ việc xảy ra vào buổi chiều ở khung giờ cao điểm, khi người người tan sở, vội vã về nhà nên tâm lý dễ nóng giận hơn.
Cha của cậu bé thiệt mạng oan vì vụ xả súng tại Houston được nhắc tới ở trên - ông Paul Castro đã chia sẻ câu chuyện của mình với mong muốn truyền đi thông điệp: “Mọi người hãy nói chuyện với chồng, anh trai, con trai của mình và hỏi họ xem - Liệu việc trữ súng trên ô tô có cần thiết hay không?”.
Vì sao Mỹ cho phép người dân sử dụng súng?
Có rất nhiều lý do liên quan tới việc Mỹ cho phép người dân sử dụng súng. Trước hết, quyền sở hữu súng đạn được quy định trong Hiến pháp Mỹ. Các nhà lập quốc của Mỹ cho rằng, việc người dân sở hữu vũ khí là cần thiết để bảo vệ nước Mỹ trước những kẻ xâm lược ngoại bang, trong bối cảnh nước Mỹ vừa thoát khỏi ách thống trị của Anh.
Thời điểm đó, các lãnh đạo Mỹ đã từng phải huy động những lực lượng bán dân sự để đánh bại sự cai trị của Anh và giành độc lập.
Nhiều người Mỹ, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, vẫn cho rằng, việc người dân sở hữu vũ khí là một biện pháp ngăn chặn thế lực xâm lược bên ngoài.
Một lý do khác là do lịch sử canh phòng của Mỹ và tự vệ trước tội phạm. Trước kia, các bang của nước Mỹ thưa dân sinh sống. Theo các nhà sử học, ở một số khu vực thưa dân như vậy, đồn cảnh sát gần nhất cũng cách rất xa khu vực dân cư sinh sống vì vậy người dân cần vũ khí để bảo vệ đất đai và gia đình. Hơn nữa hoạt động săn bắn làm thực phẩm đã «ăn sâu bám rễ» vào văn hóa người Mỹ hàng trăm năm qua.
Còn một lý do khác có thể giải thích cho vấn đề này đó là ý thức về sự tự do cá nhân của người Mỹ. Có đến 91% người sở hữu súng theo Đảng Cộng hòa nói rằng, việc sở hữu súng là quyền tự do cá nhân của họ.
Một thống kê do Viện Nghiên cứu quốc tế và phát triển có trụ sở tại thành phố Geneve (Thụy Sĩ) thực hiện, đã chỉ ra mặc dù nước Mỹ chỉ chiếm 4% dân số thế giới nhưng họ lại sở hữu tới 40% số lượng súng đạn trên toàn cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận