Hồi đầu năm nay, Hải quân Mỹ đã điều chiến hạm USS Curtis Wilbur tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép |
Chuẩn bị tuần tra tiếp gần đảo tranh chấp
Hải quân Mỹ đang có kế hoạch cho một cuộc tuần tra gần các đảo tranh chấp ở biển Đông vào đầu tháng này, theo Reuters ngày 2/4.
Hiện thời điểm cụ thể cuộc tuần tra vẫn chưa được thông báo và cũng chưa xác định liệu Hải quân Mỹ sẽ điều tàu nào tiến vào phạm vi 12 hải lý xung quanh một thực thể tranh chấp ở biển Đông. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán, đợt tuần tra mới sẽ được tiến hành gần khu vực Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hồi đầu tháng 3, Hải quân Mỹ đã điều tàu sân bay USS John C.Stennis và một số tàu chiến đến biển Đông.
Đây sẽ là cuộc tuần tra thứ ba trong một loạt các hành động thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông.
Thông tin trên được đưa ra 1 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân. Tại cuộc gặp này, ông Obama hối thúc Trung Quốc giải quyết hòa bình những tranh chấp trên biển với các nước láng giềng và duy trì hoạt động tự do đi lại trong khu vực.
Về phần mình, ông Tập Cận Bình tuyên bố không chấp nhận mọi hành vi dưới danh nghĩa tự do hàng hải vi phạm chủ quyền và gây tổn hại đến các lợi ích an ninh của nước này. Ông Tập cũng hy vọng Mỹ tôn trọng cam kết không đứng về bên nào và đóng một vai trò xây dựng trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.
Trước đó, lo ngại về việc Trung Quốc sẽ thiết lập vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) nếu Toà trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết bất lợi trong vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông; Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work cho biết, nước này sẽ không công nhận một vùng như vậy trên biển Đông như đã từng không công nhận ADIZ trên biển Hoa Đông năm 2013. Dự kiến, phán quyết của Toà trọng tài Thường trực sẽ được đưa ra trong vài tuần nữa.
Vạch trần bao biện
Mặc dù thế giới lên án rất nhiều các hành vi quân sự hoá trên các vùng biển tranh chấp ở biển Đông nhưng Trung Quốc vẫn luôn bao biện rằng: các hoạt động đó chỉ mang tính dân sự, như xây dựng hải đăng, căn cứ tìm kiếm và cứu hộ, những trạm nghiên cứu môi trường…
Tuy nhiên, bà Colin Willett - Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: Việc bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng cơ sở, bố trí tên lửa và chiến đấu cơ tại khu vực này đều không khớp với những lời tuyên bố trước đó rằng hoạt động của Trung Quốc là nhằm mục đích dân sự.
Ngoài ra, bà Willett phân tích: Mặc dù những nước có tranh chấp khác cũng bố trí lực lượng và vũ khí nhưng các hoạt động đó không thể so sánh với sự tăng cường quân đội của Trung Quốc trong 2 năm qua và vượt xa những gì các nước khác đã làm trong hàng chục năm qua.
Không những thế, bà Willett còn khẳng định công việc cứu trợ ngư dân, theo dõi môi trường, bảo vệ thường dân... hoàn toàn không cần đến những công trình như đường băng trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) và ở Trường Sa. Những đường băng kiểu đó là dùng cho máy bay chiến đấu chứ không phải dùng cho cứu trợ nhân đạo cũng như thiên tai.
Cuối tuần qua, hội thảo “Các động thái quân sự hóa biển Đông và những hậu quả” được tổ chức tại trường Đại học Harvard (Mỹ) nhằm khẳng định hướng giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế. Tại hội thảo này, các diễn giả đánh giá hiện trạng và tác động quân sự hóa đối với hòa bình và ổn định, cách thức phản ứng của các quốc gia liên quan và những tổ chức quốc tế.
Một số chuyên gia (như ông Lyle Goldstein thuộc trường Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, ông Harry Kazianis thuộc Trung tâm Lợi ích Quốc gia, ông Gregory Polling thuộc Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS)...) đều nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong việc góp phần đảm bảo an ninh an toàn hàng hải trên biển Đông - nơi có tuyến đường hàng hải trị giá hơn 5.300 tỉ USD/năm đi qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận