Thế giới

Mỹ đang kích động cơn giận dữ của Triều Tiên?

22/11/2017, 07:45

Hoa Kỳ tiếp tục giáng một đòn mạnh nhằm vào Triều Tiên sau khi tuyên bố đưa quốc gia Đông Bắc Á...

24

Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức cấp cao khi tuyên bố đưa Triều Tiên vào “danh sách đen”

Hoa Kỳ tiếp tục giáng một đòn mạnh nhằm vào Triều Tiên sau khi tuyên bố đưa quốc gia Đông Bắc Á vào danh sách “các quốc gia bảo trợ khủng bố”. Động thái mới nhất của Washington dù được các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc ủng hộ nhưng sẽ kích động cơn giận dữ và những hành động khó đoán của Bình Nhưỡng.

Sức ép Mỹ sẽ chưa dừng lại

Hôm 20/11 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chính thức tuyên bố đưa Triều Tiên trở lại danh sách “Các quốc gia tài trợ khủng bố” bất chấp thực tế hiện nay chưa thể làm rõ trắng - đen vai trò của Triều Tiên trong vụ ám sát ông Kim Jong-nam (anh trai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) xảy ra vào tháng 2 vừa qua tại một sân bay ở Malaysia.

Trong khi đưa ra tuyên bố mới nhất, Tổng thống Trump cho rằng, việc xác định các chứng cứ, cáo buộc để đưa Triều Tiên vào “danh sách đen” đã diễn ra quá chậm chạp, Thông tấn Mỹ AP cho hay.

Ông chủ Nhà Trắng cũng cảnh báo rằng, ngoài việc bị liệt vào những nước thù địch của Mỹ, sắp tới Triều Tiên sẽ còn phải gánh chịu thêm một làn sóng trừng phạt mới đã được sắp xếp trong chiến dịch gia tăng sức ép tối đa nhằm buộc Bình Nhưỡng phải chấm dứt các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân vốn được Hoa Kỳ coi là mối đe dọa nguy hiểm.

Như vậy, sau tuyên bố từ Washington, Triều Tiên sẽ cùng với Iran, Sudan, Syria nằm trong “danh sách đen” của Mỹ. Trước đó, vào năm 1988, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã từng đưa Triều Tiên vào danh sách “Các quốc gia bảo trợ khủng bố” sau khi nước này tiến hành một vụ đánh bom nhằm vào hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc khiến 115 người thiệt mạng.

Đến năm 2008, theo một điều luật được ký vào ngày 2/8 cùng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ sau thời gian 90 ngày cân nhắc đã đề xuất để Triều Tiên được đưa ra khỏi “danh sách đen” này.

Việc đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách “Các quốc gia bảo trợ khủng bố” vào năm 2008 được chấp thuận sau khi Bình Nhưỡng đồng ý tham gia các cuộc đàm phán quốc tế nhằm chấm dứt các tham vọng hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, cho đến nay việc đàm phán, nhượng bộ theo ông Donald Trump, vẫn không đem lại hiệu quả gì và quyết định đưa Triều Tiên trở lại “danh sách đen” phải được thực hiện lại.

Sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Rex Tillerson nói rằng, việc đưa Triều Tiên trở lại “danh sách đen” vào ngày 20/11 là một “động thái mang tính biểu tượng rất cao” của chính quyền Washington trong quyết tâm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Rex Tillerson cho hay, hiện đã có những báo cáo và đánh giá của nhiều cơ quan tình báo cho biết Triều Tiên đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thiếu hụt nhiên liệu, thất thu từ nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh và giao thương quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định rằng, vụ ám sát ông Kim Jong-nam (anh cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong-un) tại Malaysia vào tháng 2 vừa qua là một trong những lý do thôi thúc chính quyền Washington đưa Triều Tiên quay trở lại danh sách cùng với các nước như: Iran, Sudan và Syria.

Gây khó khăn nhưng khó khuất phục

Chính quyền Hàn Quốc và Nhật Bản đã có những phản ứng đầu tiên sau tuyên bố trừng phạt mới nhất nhằm vào Triều Tiên của ông Donald Trump. Cả hai quốc gia láng giềng của Triều Tiên cơ bản đều ủng hộ quyết định của đồng minh Mỹ.

Đáng chú ý, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh hành động của Mỹ và cho rằng, đây là biện pháp tốt để tiếp tục gia tăng sức ép nhằm buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa và vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, dù Triều Tiên chưa chính thức có phản ứng nào với hành động của Hoa Kỳ nhưng gần như chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ đưa ra những phản ứng dữ dội, đanh thép và không hề sợ hãi. Chỉ trong hai ngày qua, Triều Tiên cũng đã đưa ra hàng loạt thông điệp mạnh mẽ trong đó cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt, gia tăng áp lực nhằm vào nước này của Mỹ và các đồng minh chỉ làm cho tinh thần lao động và chiến đấu của người dân Triều Tiên tăng cao hơn.

Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng nhiều lần tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ tham gia đàm phán để chấm dứt các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân vì Triều Tiên đã xem đây là chiến lược sống còn để có thể yên tâm phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Một số chuyên gia cũng đã bày tỏ quan ngại với quyết định đưa Triều Tiên trở lại danh sác “Các quốc gia bảo trợ khủng bố” trong bối cảnh hiện nay. AP dẫn lời ông Evans Revere, cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Triều Tiên sẵn sàng “chơi đến cùng và bầm dập” với ông Donald Trump. Chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ nhanh chóng đưa ra phản ứng, có thể sẽ nhiều cảm xúc vì ngay mới đây thôi báo Rodong Sinmum đã coi nhà lãnh đạo Mỹ là tội phạm và tuyên bố tử hình ông Trump”.

Một số nhà phân tích khác cũng nhận định rằng Triều Tiên có thể sẽ hành động vì trừng phạt của Hoa Kỳ là lý do tốt để họ ngay lập tức tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí. Vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa mới nhất mà nước này bắn qua lãnh thổ Nhật Bản mới được Triều Tiên thực hiện cách đây có hơn 2 tháng.

Theo phỏng đoán của AP, trong những ngày tới, chính quyền Mỹ có thể tiến hành các bước đi tiếp theo đó là công bố những hạn chế mới nhằm vào nhiều ngân hàng Trung Quốc có liên quan đến hoạt động chuyển tiền của Triều Tiên trên quy mô toàn cầu. Nhưng AP cho rằng, những động thái như vậy cũng có thể sẽ “làm phiền” Trung Quốc, nước đã đồng ý giúp ông Trump gia tăng áp lực kinh tế để buộc Bình Nhưỡng phải thay đổi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.