Mỹ cấm mang các thiết bị điện tử cỡ lớn hơn điện thoại lên máy bay |
Có lợi cho an toàn bay
Theo hãng tin Fox News, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc mở rộng lệnh cấm các thiết bị điện tử đối với các chuyến bay xuất phát từ châu Âu vì nhận thấy quy định này rất có lợi cho việc đảm bảo an toàn bay.
PV Chris Johnston của The Guardian dẫn lời giới chức Anh cho biết, nhà chức trách đồng cấp phía Mỹ đang xem xét khả năng mở rộng lệnh cấm mang các thiết bị điện tử lớn hơn điện thoại lên cabin các chuyến bay trực tiếp tới Mỹ xuất phát từ châu Âu.
Lệnh cấm có thể được mở rộng, bao trùm cả Anh, theo The Guardian. Fox New dẫn lời đại diện Cơ quan An toàn Giao thông Mỹ (TSA) không xác nhận tính chính xác thông tin này nhưng cho biết, “hiện chưa có gì thay đổi đối với lệnh cấm thiết bị điện tử”. “Chúng tôi đang tiếp tục đánh giá hướng chỉ đạo đảm bảo an ninh dựa trên các thông tin tình báo và thay đổi bổ sung khi đó là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho hành khách. Xu hướng này có thể được áp dụng hay không sẽ tùy tình hình”, đại diện TSA cho biết.
Trước đó, trong phiên điều trần Quốc hội diễn ra ngày 4/5, Thư ký An ninh nội địa John Kelly từng nhắc tới việc mở rộng lệnh cấm. “Chúng tôi có thể sẽ mở rộng lệnh cấm ra nhiều sân bay trong tương lai không xa”, ông Kelly nói.
Nếu lệnh cấm được mở rộng, các sân bay tại châu Âu cùng các hãng hàng không hoạt động tại đây cũng phải thực hiện thủ tục an ninh tương tự như 10 sân bay ở 8 nước thuộc khu vực Trung Đông, Bắc Phi và 9 hãng hàng không hoạt động tại đây đang phải tuân thủ.
Theo đó, quy định này yêu cầu hành khách đặt tất cả đồ điện tử có kích thước lớn hơn điện thoại di động vào trong vali ký gửi và không đưa lên máy bay. Những thiết bị này bao gồm máy tính xách tay (laptop), máy tính bảng, máy đọc sách, máy chơi game cầm tay, các thiết bị chơi game lớn hơn điện thoại thông minh và máy in du lịch…
Nguy cơ khủng bố cao hơn vụ 11/9
Vụ khủng bố 11/9 trong quá khứ vẫn là nỗi ám ảnh lớn đối vói an ninh quốc gia của Mỹ |
Sở dĩ Chính phủ Mỹ tính tới khả năng này vì, theo một quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Donald Trump: “Thông tin tình báo cho thấy, các nhóm khủng bố đang nhắm hàng không thương mại làm mục tiêu tấn công. Chúng không ngừng cải tiến, tìm những phương án tinh vi để che giấu và thực hiện các vụ tấn công khủng bố man rợ, trong đó có nhồi nhét các thiết bị nổ trong thiết bị điện tử thông thường”.
Tháng 5/2017, hãng tin Fox News dẫn lời một quan chức cấp cao Hạ viện Mỹ cho biết, rất nhiều thông tin tình báo chính xác cho thấy, có nhiều “mối đe dọ sắp xảy ra” buộc Chính phủ Tổng thống Trump phải đi đến quyết định cấm các thiết bị điện tử cỡ lớn trong hành lý xách tay trên máy bay vào Mỹ.
“Các nguồn tin tình báo cụ thể và đáng tin cậy cho thấy, có mối đe dọa sắp xảy ra đối với ngành hàng không Mỹ”, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Mỹ Mike McCaul cho hay. Ông đánh giá, “Chính phủ đã thực hiện hành động rất có trách nhiệm để bảo vệ an toàn của người dân”.
Dữ liệu do các nhà điều tra Quốc hội Mỹ thực hiện cũng cho kết quả, 6 năm kể từ khi Biệt đội SEAL 6 của Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tại Pakistan, mối đe dọa khủng bố với nước Mỹ vẫn chưa giảm, tồn tại khả năng cao có thể xảy ra cuộc tấn công do khủng bố trực tiếp chỉ đạo hoặc khiêu khích nhắm vào dân thường.
Ủy ban An ninh nội địa Mỹ đã triệt phá thành công khoảng 198 âm mưu khủng bố có liên quan tới Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) nhằm vào phương Tây; Trong đó, riêng năm 2017 đã có 21 vụ. “Theo tôi, việc tiêu diệt Osama bin Laden không chấm dứt cuộc chiến chống khủng bố. Thực tế, số âm mưu tấn công nhằm vào phương Tây tăng cao hơn kể từ khi Osama bin Laden bị tiêu diệt so với thời điểm kể từ khi xảy ra vụ 11/9”, ông McCaul nhận định.
Tuy nhiên, bản thân lệnh cấm từ tháng 3 đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận, giới chuyên gia và các hãng hàng không bị ảnh hưởng. Do đó, nếu mở rộng lệnh cấm trên quy mô lớn hơn nữa, chắc chắn, chính quyền ông Trump phải đối mặt với làn sóng phản đối mạnh hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận