Tàu sân bay John C. Stennis được Hải quân Mỹ triển khai trên biển Philippines |
- Trung Quốc đưa tàu hải dương hiện đại vào hoạt động:
Ngày 19/6 theo giờ Việt Nam, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ) cho biết, Hải quân nước này đã triển khai hai tàu sân bay ra khu vực phía Tây Thái Bình Dương, tham gia tập trận và tuần tra, theo New York Times.
Hoạt động của các tàu Mỹ diễn ra ở phía Đông Philippines, không ở sát biển Đông nhưng ở khoảng cách gần, một phát ngôn viên của Hạm đội cho biết. Hai siêu tàu sân bay lớp Nimitz - USS Ronald Reagan và USS John C. Stennis cùng các tàu hộ tống đã thực hiện hoạt động giám sát hàng hải và hàng không trên biển Philippines từ ngày 18/6. Cuộc tập trận lần này có sự tham gia của gần 12.000 thủy thủ, 140 máy bay và 6 tàu chiến nhỏ hơn. “Số tàu chiến và máy bay này được triển khai thành hai nhóm tấn công, thực hiện hoạt động phối hợp trên vùng biển quốc tế.
Đây là hoạt động nhằm chứng minh khả năng có một không hai của Mỹ trong việc điều hành nhiều nhóm tấn công trong cự ly gần”, thông báo cho biết. Ngoài ra, “trên biển, các nhóm tấn công này cùng lúc thực hiện các cuộc tập trận phòng không, do thám trên biển, hỗ trợ, huấn luyện chiến đấu phòng không, tấn công tầm xa, các cuộc tập trận, thao diễn khác”, theo thông báo.
Cũng trong tuần trước, Mỹ đã điều 4 chiến đấu cơ cùng 120 quân nhân đến căn cứ không quân Clark tại Philippines nhằm giúp Manila huấn luyện phi công.
Động thái trên được cho là phô trương lực lượng từ phía Mỹ trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) chuẩn bị ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Trao đổi với New York Times, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, thông điệp của Mỹ muốn gửi gắm thông qua cuộc tập trận là không thể nhầm lẫn. Mới đây, tờ Manilatimes của Philippines trích một nguồn tin cho biết, PCA sẽ ra phán quyết vào ngày 7/7 tới.
Để chuẩn bị cho thời điểm này, các quan chức ngoại giao cấp cao cùng đội ngũ chuyên gia về chính sách ngoại giao đang tổ chức nhiều cuộc họp tại Bộ Ngoại giao (DFA), vạch ra chiến lược cho Philippines khi Tòa ra phán quyết. Dự kiến, phản ứng của Bắc Kinh sau phán quyết của PCA là không chấp nhận và không tuân thủ.
Trong một diễn biến khác, hôm qua, báo giới Hong Kong đưa tin, tàu khảo sát khoa học tổng hợp hải dương Xiang Yang Hong 01 vừa được bàn giao cho Viện Nghiên cứu Hải dương số 1 thuộc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc để đưa vào sử dụng.
Chiếc tàu này sử dụng động cơ điện, thân dài 99,8m, rộng 17,8m, lượng giãn nước 4.980 tấn, hành trình liên tục đạt 15.000 hải lý. Ngoài ra, Xiang Yang Hong 01 được trang bị hệ thống thăm dò nước biển, hệ thống thăm dò khí hậu, hệ thống thăm dò đáy biển, hệ thống thăm dò biển sâu và hệ thống thông tin cảm ứng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận