Ngày 23/1, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nâng cấp thông báo đi lại lên mức 4 với Ukraine, trong đó có nội dung: “Không đi tới Ukraine vì mối đe dọa hành động quân sự từ Nga tăng cao và vấn đề Covid-19”.
Trong thông báo, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh tất cả người Mỹ tại Ukraine sẽ rời nước này sớm nhất có thể.
“Ngày 23/1/2022, Bộ Ngoại giao cho phép nhân viên Mỹ (tuyển dụng trực tiếp) tự nguyện rời đi và các thành viên gia đình tại Đại sứ quán Mỹ ở Ukraine về nước do mối đe dọa hành động quân sự từ Nga ngày càng gia tăng. Đồng thời, công dân Mỹ tại Ukraine nên cân nhắc rời khỏi nước này, sử dụng các lựa chọn vận tải có sẵn của tư nhân hoặc thương mại”, theo nội dung thông báo.
Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine. Ảnh - Reuters
"Nhiều báo cáo cho thấy Nga có kế hoạch hành động quân sự đáng kể đối với Ukraine và nhấn mạnh những điều kiện an ninh hiện nay là không thể dự đoán và có thể diễn biến xấu nhanh chóng”, cũng trong thông báo Bộ ngoại giao.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phát đi khuyến cáo không đi lại tới Nga, dẫn “căng thẳng dọc biên giới giữa Nga-Ukraine".
Thông báo có nội dung: “Không đi tới Nga vì căng thẳng đang diễn ra dọc biên giới với Ukraine, nguy cơ ảnh hưởng tới công dân Mỹ, khả năng (có giới hạn) của Đại sứ quán Mỹ trong việc hỗ trợ công dân Mỹ tại Nga, tình hình Covid-19 và các quy định nhập cảnh liên quan, khủng bố, sự quấy rối của giới chức an ninh chính phủ Nga và hoạt động thực thi pháp luật độc đoán ở sở tại”.
Song, hãng tin Sputnik dẫn lời một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Đại sứ quán Mỹ tại Nga vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, không gián đoạn.
Mặt khác, theo quan chức này, Mỹ vẫn mong muốn tìm kiếm giải pháp ngoại giao đối với khủng hoảng Ukraine, nhấn mạnh các khuyến cáo trên chỉ là biện pháp “dự phòng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận