Mỹ siết tiêu chuẩn khí thải tàu bay

13/08/2016, 13:14
image

ICAO hy vọng từ năm 2020 - 2040, tiêu chuẩn này sẽ giúp giảm lượng khí thải xuống hơn 650 triệu tấn.

Khí thải từ máy bay thương mại lớn chiê
Khí thải từ máy bay thương mại lớn chiếm 11% tổng lượng khí thải ngành giao thông toàn cầu

Tiêu chuẩn về khí thải máy bay của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) được cho là bước ngoặt trong lịch sử nhưng chưa chặt chẽ. Vì thế, buộc Mỹ phải tự nghiên cứu áp dụng quy định nghiêm ngặt hơn.

Thiết kế máy bay thay đổi vì quy chuẩn khí thải

Khí thải máy bay thương mại là một trong những tác nhân nghiêm trọng làm ô nhiễm môi trường như hiện tượng trái đất ấm lên, làm biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời đe dọa sức khỏe con người. Khí thải từ máy bay thương mại chiếm 11% tổng lượng khí thải ngành Giao thông toàn cầu. Dự tính, lượng khí thải này sẽ lên đến 50% cho tới năm 2050 vì nhu cầu di chuyển bằng máy bay gia tăng. Vì vậy, tháng 2 vừa rồi, lần đầu tiên, ICAO đưa ra tiêu chuẩn khí thải đối với máy bay thương mại. ICAO hy vọng từ năm 2020 - 2040, tiêu chuẩn này sẽ giúp giảm lượng khí thải xuống hơn 650 triệu tấn, tương đương lượng khí thải do 140 triệu xe máy thải ra/năm. Dự kiến, bộ tiêu chuẩn sẽ được thông qua vào tháng 3/2017.

Trang phân tích về hàng không Airspacemag đánh giá, quyết định của ICAO tiên liệu trước về kỷ nguyên mới của ngành Hàng không. Một khi được áp dụng đồng nghĩa máy bay mới sản xuất phải được thiết kế để sử dụng nhiên liệu tiết kiệm và hiệu quả nhất. Dự tính, tới năm 2028, khoảng 40% mẫu thiết kế máy bay hiện tại phải được cải tiến hoặc ngừng sản xuất vì quy chuẩn này. Những thay đổi này không nằm ở bên ngoài máy bay mà chủ yếu ở phần động cơ bên trong. Chẳng hạn kích thước cánh quạt động cơ, các bộ phận bên trong động cơ, độ nặng các bộ phận máy bay và khí động lực học.

Ngạc nhiên thay, động thái thắt chặt quy định khí thải do ICAO đưa ra đều nhận được ủng hộ nhiệt tình từ các hãng sản xuất máy bay. Có lẽ vì các tiêu chuẩn của ICAO ảnh hưởng không nhiều tới họ. Airspacemag chỉ ra, các dòng máy bay không đạt được tiêu chuẩn mới của ICAO phần lớn đều là các dòng máy bay nằm trong kế hoạch sẽ cắt giảm sản xuất. Mặc dù, các dòng sản phẩm của Airbus A320 và Boeing 737 đều không đạt chuẩn nhưng các thế hệ máy bay cải tiến A320neo và Boeing 737MAX thì có.

Chiếc A320neo đầu tiên vừa được đưa vào sử dụng, giúp giảm 15% khí thải, hướng tới giảm 20% trong năm 2020. Còn dòng máy bay 737MAX, dự kiến sẽ có mặt trên đường bay vào cuối năm 2017, sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu và khí thải tới 20% so với dòng 737. Bên cạnh đó, Boeing đang “thai nghén” dòng máy bay 777X, dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2020 với hy vọng là máy bay động cơ đôi lớn nhất và tiết kiệm nhiên liệu nhất.

Mặt khác, các thiết kế máy bay thân rộng hiện đang được sử dụng như Boeing 787 và Airbus A350 đều đạt chuẩn. Trong đó, Airbus A350 giúp giảm 25% lượng khí thải so với dòng máy bay trước nó. Kể cả khi Boeing và Airbus tiếp tục sản xuất các loại máy bay không đạt chuẩn thì đến thời điểm áp dụng quy định, họ có thể thay thế phụ tùng hoặc sửa chữa (chẳng hạn thay động cơ mới) để giảm lượng khí thải.

Tiêu chuẩn Mỹ chặt hơn ICAO

Mỹ, một trong 23 quốc gia thế giới chấp thuận áp tiêu chuẩn khí thải carbon toàn cầu đối với máy bay thương mại của ICAO đã và đang hợp tác với cơ quan môi trường để đưa ra tiêu chuẩn khí thải riêng, áp chặt cho đến khi lượng xả thải từ hàng không dân dụng không còn gây hại cho sức khỏe người dân Mỹ. Sở dĩ vậy, vì trong phạm vi Mỹ, lượng khí thải từ các máy bay thương mại chiếm khoảng 3% tổng lượng khí thải. Trên phạm vi toàn cầu, lượng khí thải của ngành Hàng không dân dụng nước này chiếm tới 29% tổng lượng khí thải của các hãng hàng không khác trên thế giới.

Ông Drew Kodjak, Giám đốc điều hành Hội đồng Quốc tế về giao thông sạch đánh giá, mặc dù quyết định của ICAO mang tính bước ngoặt, song các tiêu chuẩn do ICAO đề xuất chưa đủ để cắt giảm khí thải máy bay với tác động môi trường. Ông Kodjak cho rằng, tiêu chuẩn của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) khả năng “mạnh tay” hơn ICAO.

Một vài nhóm hoạt động môi trường cũng nhận định, tiêu chuẩn của ICAO còn yếu, chưa theo kịp tốc độ khí thải máy bay tăng cao chóng mặt, buộc Mỹ phải đẩy nhanh tiến trình, tự đưa ra quy chuẩn riêng nghiêm ngặt hơn. Ông Deborah Lapidus, Giám đốc chương trình Flying Clean - liên minh các nhóm môi trường cho biết: “EPA có quyền áp các quy chuẩn khí thải hàng không nội địa ngay lập tức.

Động thái này sẽ hình thành lộ trình cho tiêu chuẩn khí thải thế giới”. Bởi, là một trong những thị trường hàng không lớn nhất thế giới, khi Mỹ kiên quyết kiềm chế khí thải, đồng nghĩa các hãng hàng không toàn cầu có đường bay tới Mỹ đều phải tuân thủ. Do đó, ảnh hưởng từ Mỹ sẽ diễn ra trên diện rộng, nhiều hãng hàng không buộc phải nâng cấp, mua mới máy bay để đáp ứng yêu cầu, kéo theo các hãng sản xuất máy bay phải “chuyển mình” cho phù hợp nhu cầu.

Ông Christopher Grundler, Giám đốc Văn phòng Quản lý Chất lượng Không khí và Giao thông của EPA không bình luận về mức độ chặt chẽ, chỉ cho biết, cơ quan này sẽ phối hợp sát sao với các tổ chức quốc tế để vạch ra một tiêu chuẩn khí thải hàng không toàn cầu.

>>>Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.