2016 là một năm thế giới đầy những biến động bất ngờ |
2016 là một năm thế giới đầy những biến động bất ngờ: từ kết quả trưng cầu dân ý Anh ra khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) cho đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ… Song, đằng sau những biến động và bất ngờ là những tia hy vọng thế cục sẽ xoay chuyển đáng kể và tích cực cho một năm 2017 tươi sáng.
1. Bầu cử Mỹ:
Ông Donald Trump "lội ngược dòng" bầu cử, trở thành Tổng thống đắc cử của Mỹ |
Những thông tin xung quanh cuộc bầu cử Mỹ kéo dài suốt từ tháng 6/2015 đến cuối năm 2016, từ lúc tỷ phú Donald Trump tuyên bố tranh cử đến khi bất ngờ “lội ngược dòng” trở thành Tổng thống đắc cử.
Suốt chặng đường vận động, ông Donald Trump không ít lần gây sốc thế giới với những bình luận mạnh mẽ và gai góc. Một bất ngờ khác, bà Hillary Clinton cũng giành được sự ủng hộ trở thành nữ ứng viên đầu tiên, đại diện 1 chính đảng chạy đua tổng thống Mỹ và được đánh giá cao vì tác phong cũng như kinh nghiệm. Truyền thông Mỹ dẫn lời các chuyên gia phân tích, ý kiến cộng đồng phần lớn đều cho rằng ông Donald Trump không phù hợp với vị trí Tổng thống và đến 90% chắc chắn bà Hillary Clinton trở thành Tổng thống. Cuối cùng, kết quả bầu cử ngày 8/11 đã khiến cả thế giới “ngã ngửa”, khi ông Donald Trump đắc cử. Điều này một phần thể hiện mong muốn thay đổi cục diện chính trị và kinh tế đất nước đáng kể trong thẳm sâu phần lớn người dân Mỹ.
2. Brexit:
Khoảnh khắc Thủ tướng Anh David Cameron cùng gia đình thông báo từ chức sau kết quả trưng cầu dân ý Brexit |
Anh tổ chức trưng cầu dân ý về việc ra khỏi liên minh Châu Âu (Brexit) vào tháng 6, kéo theo cuộc cải tổ đáng kể về chính trị và tài chính. Kết quả phần lớn người dân ủng hộ ra khỏi Châu Âu khiến Thủ tướng David Cameron phải từ chức ngay sau đó, để lại nhiệm vụ đàm phán “lối ra” của nước Anh cho tân Thủ tướng Theresa May. Năm 2017 tiếp tục là năm bận rộn cho chính trường Anh để tiếp tục chi tiết hoá tiến trình rút khỏi Châu Âu.
3. Thảm sát đẫm máu nhất lịch sử hiện đại của Mỹ
Vụ thảm sát tại CLB đêm Pulse, bang Orlando khiến 49 người thiệt mạng |
Mỹ chứng kiến vụ thảm sát đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của nước này tại câu lạc bộ đêm dành cho người đồng tính Pulse, bang Orlando. Tay súng Omar Mateen xả súng giết hơn 49 người trong 3 giờ trước khi bị đội đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt. Trong khi vừa xả súng không ghê tay, Omar vừa tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo.
4. Quân chính phủ giành lại Aleppo (Syria):
Bức ảnh nói lên sự khốc liệt của chiến tranh Syria kéo dài gần 6 năm |
Cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm tại Syria đã có chuyển biến đáng kể khi quân đội của chính phủ Tổng thống Syria Bashar Assad, dưới sự hỗ trợ của Nga, giành lại thành phố trọng điểm Aleppo, mở đường hàng chục chuyến xe nhân đạo sơ tán người bị kẹt ở những nơi cạn kiệt điều kiện nhân đạo trong thành phố tới các khu vực lân cận, mở ra hy vọng đàm phán ngừng bắn, lập lại hoà bình tại đất nước đã rệu rã vì chiến tranh.
Việc đẩy lùi phe nổi dậy ra khỏi Aleppo được coi là bước ngoặt quan trọng trong cuộc nội chiến đẫm máu tại quốc gia Trung Đông này.
5. Các bậc kỳ tài qua đời
2016 là năm buồn đối với người dân tại Thái Lan và Cuba khi họ phải vĩnh biệt những bậc kỳ tài |
2016 là năm buồn đối với người dân tại Thái Lan và Cuba khi họ phải vĩnh biệt những bậc kỳ tài, từng hy sinh cuộc đời vì dân vì nước. Giữa tháng 10, Thái Lan tiễn biệt Quốc Vương Bhumibol Adulyadej - người vốn được coi là vị thánh trong lòng người dân.
Tiếp đó, cuối tháng 11, người dân Cuba đau xót vĩnh biệt vị lãnh tụ cách mạng Fidel Castro. Nhiều nước trên thế giới như Việt Nam, Venezuela, Triều Tiên… cử hành quốc tang tiễn đưa vị anh hùng của thế giới.
6. Căng thẳng trên Biển Đông và phán quyết của Toà trọng tài
Hình ảnh vệ tinh chứng minh Trung Quốc tăng cường bồi đắp trái phép trên Biển Đông |
Năm 2016 đánh dấu những chuyển biến khó lường trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc gia tăng các hoạt động như bồi đắp cải tạo, tăng cường quân sự các cấu trúc nhân tạo trên Biển Đông, nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền bao trùm lên 90% khu vực này, chồng lấn lên tuyên bố chủ quyền của nhiều nước.
Nếu như hơn nửa đầu năm quan hệ Trung – Philippines căng thẳng và lạnh nhạt vì vấn đề Biển Đông và việc Toà trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước LHQ về luật biển ra phán quyết vụ Manila kiện Bắc Kinh về Biển Đông, bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Thì, nửa cuối năm, sau khi Philippines đón tân Tổng thống Rodrigo Duterte, quan hệ Trung – Philippines bất ngờ chuyển hướng thân mật và hợp tác, khẳng định sẵn sàng đàm phán về tranh chấp trên Biển Đông.
7. Bán đảo Triều Tiên “dậy sóng”
Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 5 trên quy mô lớn nhất từ trước tới nay buộc Liên Hợp Quốc phải áp lệnh trừng phạt mạnh tay chưa từng có |
Hồi tháng 9, Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 5 trên quy mô lớn nhất từ trước tới nay buộc Liên Hợp Quốc phải áp lệnh trừng phạt mạnh tay chưa từng có và Hàn Quốc cùng đồng minh Mỹ quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc, bất chấp phản đối từ Trung Quốc.
Song, nội bộ Hàn Quốc lục đục vì bê bối bạn thân Tổng thống, có khả năng khiến bà Park Geun-hye phải từ chức trước khi mãn nhiệm và tổ chức bầu cử sớm. Bê bối chính trị này ảnh hưởng việc đàm phán và đẩy lùi thời gian triển khai THAAD tại Hàn Quốc.
Bê bối chính trị Hàn Quốc bắt nguồn từ việc bà Choi Soon-sil (bạn thân Tổng thống Park Geun-hye) bị nghi ngờ lợi dụng mối quan hệ với tổng thống để can thiệp vào các công việc chính phủ; gây sức ép lên các tập đoàn lớn phải ủng hộ hàng chục triệu USD cho 2 quỹ phi lợi nhuận do bà này đứng đầu.
Bà Choi đã bị bắt giữ và hàng loạt quan chức thân cận của Tổng thống Park phải từ chức hoặc bị sa thải, bắt giữ để phục vụ điều tra. Đỉnh điểm, ngày 19/12, Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị luận tội và bà Park đã bị đình chỉ chức vụ Tổng thống. Hiện Toà án Hiến pháp đang xem xét quyết định của Quốc hội trong 180 ngày, trong thời gian này, Thủ tướng giữ vai trò Tổng thống lâm thời.
8. Khủng hoảng tị nạn Châu Âu và hàng loạt các vụ tấn công khủng bố
Châu Âu đối mặt khủng hoảng tị nạn chưa từng có |
Hàng trăm nghìn người từ các vùng chiến sự, bất ổn, vượt đại dương và biên giới, bất chấp sinh mạng đổ về Châu Âu với hy vọng thay đổi cuộc đời, đẩy Châu Âu vào gánh nặng tị nạn. Châu Âu vừa phải lo san sẻ người tị nạn giữa các nước sao cho cân đối vừa lo siết chặt an ninh, phòng những kẻ cực đoan trà trộn trong dòng người tị nạn gây ra các vụ tấn công đẫm máu.
Tính đến tháng 12/2016, ít nhất 4.690 người tị nạn thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải trên đường tìm đến “miền đất hứa”, đưa 2016 trở thành năm ghi nhận số người thiệt mạng kỷ lục tại Địa Trung Hải.
Người dân tưởng niệm các nạn nhân trong vụ khủng bố tại Nice, Pháp khiến 86 người thiệt mạng |
Năm 2016, thế giới "quá quen tai" với từ khủng bố khi liên tiếp các vụ tấn công đẫm máu nổ ra khắp các nước. Đáng chú ý là các vụ tấn công dã man nhằm vào sân bay tại Brussels (Bỉ) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hay vụ xả súng đêm Quốc khánh Pháp tại Nice khiến 86 người thiệt mạng. Mới nhất là vụ tấn công bằng xe tải cỡ lớn vào chợ Giáng sinh đông đúc nhất ở thủ đô Berlin (Đức) khiến 12 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Phần lớn các vụ khủng bố, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đều đứng ra nhận trách nhiệm. Các vụ khủng bố tại Châu Âu khiến giới chức phải siết chặt an ninh và thu hẹp chính sách người tị nạn để đề phòng phiến quân khủng bố cực đoan trà trộn trong dòng người di cư.
9. Hàng loạt vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng:
Hiện trường vụ tai nạn máy bay chở đội bóng Brazil tại Colombia |
Thế giới chứng kiến các vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng như vụ rơi máy bay quân sự MS804 tại Ai Cập hồi tháng 5 khiến 65 người thiệt mạng; tai nạn máy bay chở khách của hãng hàng không Flydubai khiến 62 hành khách thiệt mạng tại thành phố Rostov-on-Don của Nga và vụ rơi máy bay chở đội bóng Brazil tại Colombia khiến 71 người tử nạn...
Các vụ máy bay rơi liên tiếp xảy ra liên miên trong khi cơ quan điều tra bế tắc trong cuộc điều tra nguyên nhân vụ máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích và chuẩn bị khép lại cuộc điều tra khi nguyên nhân vẫn còn là ẩn số.
10. Đại sứ Nga bị ám sát tại Thổ Nhĩ Kỳ
Bức ảnh hiện trường vụ ám sát Đại sứ khiến người xem phải lạnh người |
Cuối tháng 12, thế giới rúng động vì vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ vừa bắt đầu có dấu hiệu “ấm nóng” trở lại. Đáng chú ý, trước khi sát hại Đại sứ, kẻ ám sát mới 22 tuổi hét lên “Aleppo, báo thù” một cách đầy oán hận. Chi tiết này khiến thế giới e ngại, con đường xây dựng quan hệ Nga-Thổ còn đầy chông gai và chiến thắng của chính phủ Syria tại Aleppo chưa phải là dấu chấm hết để kết thúc nội chiến Syria.
Mặt khác, những kẻ khủng bố đang bị dồn vào chân tường tại Syria sẽ vùng lên nổi loạn. Điều quan trọng là phải vượt qua bất đồng và thống nhất lực lượng trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria và rộng hơn là Iraq và Trung Đông
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận