Phải làm sao đóng trên tiền lương thực để có lương hưu cao hơn, bảo đảm đời sống tốt hơn |
Thay đổi chính sách đóng BHXH từ 1/1/2018
Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH cho biết, năm 2017, chúng ta đã thực hiện đóng bảo hiểm xã hội căn cứ theo mức lương + các khoản phụ cấp. Từ 1/1/2018, mức đóng bảo hiểm xã hội căn cứ vào 3 khoản: Mức lượng + phụ cấp + các khoản thu nhập bổ sung ổn định. Chính sách này nhằm giúp tránh trường hợp người lao động khi đi làm có thể có thu nhập tốt, nhưng khi nghỉ hưu thì mức lương hưu thấp, do mức đóng bảo hiểm xã hội của chúng ta thấp.
Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội, Quốc hội cũng cho biết: Các khoản bổ sung khác từ năm 2018 về cơ bản không có gì thay đổi lớn, có thể xuất hiện một số trường hợp doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty biến tiền lương thành phụ cấp có tính chất tiền lương thì phải tính toán. Còn lại, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh có thể hoàn toàn yên tâm, cho đến 1/1/2018, các khoản tiền lương và phụ cấp có tính chất lương để đóng BHXH đã được quy định trong năm 2017, cơ bản sẽ không có biến động lớn
Hiện nay, các doanh nghiệp và bản thân người lao động cho rằng mức đóng BHXH có tỷ trọng cao. Tỷ trọng cao là 22%, trong đó 14% là doanh nghiệp đóng, 8% là người lao động đóng. Nhưng hiện do đóng trên nền rất thấp, nên tiền lương hưu sau này lại thấp. Phải làm sao đóng trên tiền lương thực, thu nhập để có thể tích cho mai sau, khi về già, sẽ có lương hưu cao hơn, bảo đảm đời sống tốt hơn.
“Mức đóng BHXH bình quân hiện nay chỉ 4,3 triệu đồng/tháng/người, cao hơn một chút so với lương tối thiểu là 3,940 triệu đồng”, ông Quân cho biết.
Tuy nhiên chia sẻ về việc đến 1/1/2018, chính sách lương hưu đối phụ nữ bị thiệt. Ông Lợi cho hay: “Quan điểm của chúng tôi là không nên sửa luật mà điều chỉnh bằng cách đề nghị Bộ LĐTB&XH báo cáo Chính phủ, khi điều chỉnh lương cho người về hưu từ năm 2018 tăng 7%, không nên mang 7% đó tăng cho tất cả người về hưu. Chúng ta ưu tiên cho 3.000 lao động nêu trên để bù đắp thiệt thòi”.
Sẽ hình sự hóa trong xử lý vi phạm về BHXH
Ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, hiện nay chúng ta có khoảng hơn 600.000 doanh nghiệp, mới có khoảng 250.000 doanh nghiệp tham gia BHXH.
Theo ông Liệu, năm 2018, việc vi phạm hành vi đóng và hưởng được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự thể hiện tính nghiêm trọng của các hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm như chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp…, các hình thức xử lý có thể hình sự hóa phạt tù từ 1-5 năm tùy mức độ, hành vi vi phạm.
Theo ông Liệu, trong năm 2017, ngành BHXH đã quy định rõ về những trường hợp phải thanh tra đột xuất, có dấu hiệu như 3 tháng nợ đọng mà cơ quan BHXH đã 2 lần làm việc và thông báo. Tùy từng trường hợp cụ thể và mức độ, doanh nghiệp có khó khăn không, vẫn hoạt động bình thường hay cố tình trốn đóng? Doanh nghiệp có quyền khiếu nại. Đơn vị thực sự khó khăn thì theo quy định phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chúng tôi sẽ dừng đóng BHXH bắt buộc là 22% quỹ hưu trong 1 năm. Cơ quan quản lý địa phương xác định doanh nghiệp thực sự khó khăn thì nguyên tắc được dừng, quyền lợi vẫn được hưởng, nhưng hết 1 năm phải đóng cả gốc và không phải chịu lãi. Trên thực tế, dù đã có quy định rõ ràng nhưng khâu triển khai thường khó khăn, phức tạp.
Để việc xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN thực sự hiệu quả, theo ông Lợi, cần xây dựng Luật Tố tụng lao động để tất cả các mối quan hệ tranh chấp lao động sẽ đưa ra tòa. Trên thế giới đều thực hiện như vậy. Biện pháp hình sự hóa là công cụ cuối cùng. Chúng ta đi đến mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận