Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng cho phép Nhật hoàng Akihito thoái vị vào năm 2018. |
Có Nhật hoàng mới vào năm 2019
Dự kiến, trong phiên họp Quốc hội được tổ chức vào cuối tháng này, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ đệ trình lên Quốc hội dự luật cho phép Nhật hoàng Akihito thoái vị sớm và coi đây là trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từ chối cung cấp cụ thể khung thời gian. Theo ông Suga, hội đồng 6 thành viên (5 học giả và 1 giám đốc điều hành tổ chức kinh doanh) do Chính phủ bổ nhiệm đang bàn bạc, tập trung tìm cách giảm gánh nặng với Nhật hoàng và sẽ ra thông báo đề xuất về vấn đề cho phép Nhật hoàng thoái vị vào ngày 23/1.
Trước đó, ngày 16/1, Chủ tịch và Phó chủ tịch Hạ viện, Thượng viện sẽ tổ chức cuộc họp do Ủy ban Giám sát Hạ viện chủ trì để bàn phương án xử lý dự luật đặc biệt. Sau đó, sẽ tổ chức họp báo, công bố quan điểm cũng như cách thức để hòa hợp các ý kiến tranh cãi xung quanh khả năng Nhật hoàng thoái vị.
Xem thêm video:
Hiện nay, ý kiến và quan điểm của các đảng chính trị đang chia rẽ. Trong khi, Chính phủ Nhật muốn cho phép Nhật hoàng thoái vị như một trường hợp ngoại lệ và ban thành luật đặc biệt để tránh tiền lệ làm nảy sinh các vấn đề như cho phép nữ giới kế vị hoặc thiếu người kế vị. Còn Đảng Dân chủ - chính đảng đối lập khẳng định, cần xem xét và sửa đổi Luật Nhật hoàng và tạo ra hệ thống vĩnh viễn thay vì đưa ra luật ngoại lệ.
Bước sang thời kỳ mới
Với kịch bản Nhật hoàng thoái vị vào năm 2018, theo luật, khi đón tân Nhật hoàng, Nhật Bản sẽ bước vào thời kỳ mới với niên hiệu mới từ đầu năm 2019.
Một nguồn tin giấu tên giải thích việc Chính phủ chọn năm 2018 là hạn định cho việc thoái vị và chuyển sang thời kỳ mới vào năm 2019. Hiện nay, Nhật Bản đang ở thời kỳ Heisei, mang nghĩa “Bình Thành”, khởi đầu khi Nhật hoàng Akihito, kế vị cha, lên ngôi từ ngày 8/1/1989. Năm 2018 đánh dấu năm Heisei thứ 30. Sở dĩ, Nhật Bản chọn 2019 là năm thay đổi thời kỳ vương triều vì sẽ hạn chế tác động của việc thay đổi niên hiệu với cuộc sống người dân. Thực tế, ngay sau báo chí đăng tải thông tin trên, cổ phiếu của các công ty trong lĩnh vực in ấn (đòi hỏi phải quan tâm tới niên hiệu mới) đều tăng vọt; Chẳng hạn, cổ phiếu Công ty Nozaki Insatsu Shigyo tăng 32,8% trong sáng 11/1 nhưng đều giảm ngay trong trưa cùng ngày.
Vấn đề thoái vị của Nhật hoàng bắt đầu rộ lên từ tháng 8 năm ngoái khi Nhật hoàng Akihito bất ngờ có thông báo qua truyền hình hiếm có, bày tỏ lo ngại rằng vì tuổi cao sức yếu, khiến khó có thể làm tròn các nhiệm vụ ở cương vị Nhật hoàng. Mặc dù Nhật hoàng không nắm quyền hành chính trị nhưng được coi là biểu tượng của đất nước và sự đoàn kết của người dân và luật pháp hiện nay không cho phép Nhật hoàng thoái vị.
Các cuộc khảo sát ý kiến cộng đồng đều cho thấy, người dân ủng hộ việc Nhật hoàng thoái vị nhưng Chính phủ bảo thủ của ông Abe cho rằng, nếu cho phép Nhật hoàng thoái vị, một số chính trị gia theo chủ nghĩa tự do trong Quốc hội sẽ lợi dụng cơ hội này để đưa phụ nữ trở thành Nhật hoàng.
Đầu tháng 3, Nhật hoàng thăm Việt Nam Mới đây, hãng Kyodo dẫn nguồn tin từ Hoàng gia Nhật cho biết, Nhật hoàng Akihito, 83 tuổi và Hoàng hậu Michiko, 82 tuổi dự kiến sẽ thăm Việt Nam vào khoảng đầu tháng 3/2017. Theo nguồn tin từ Hoàng gia Nhật, chuyến thăm có thể kéo dài 5 ngày và đây là lần đầu tiên Nhật hoàng thăm Việt Nam. Dự kiến, Nhật hoàng và Hoàng hậu sẽ tham dự nhiều sự kiện ở Hà Nội và thăm Cố đô Huế. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể khi tháng 8/2016, khi Nhật hoàng cho biết do tuổi cao sức yếu nên ông lo sẽ không thể hoàn thành mọi nhiệm vụ của người đứng đầu Hoàng gia. |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận