Thế giới

Năm 2018, Thế giới sẽ đối mặt với thách thức gì?

01/01/2018, 06:15

Thế giới vào năm 2018 phải đối mặt với hàng loạt thách thức và những rủi ro tiềm ẩn sau đây.

2018

Năm 2018, thế giới sẽ phải đối mặt với 5 thách thức

Trang CGTN của Trung Quốc đã tổng kết một số thách thức toàn cầu trong năm 2018. Liệu những vụ tấn công mạng có làm tê liệt cơ sở hạ tầng quan trọng, biến đổi khí hậu sẽ tàn phá nhiều quốc gia, sự bất ổn về khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, các cuộc tấn công khủng bố có những hình thức mới hay thậm chí cả những mối đe đọa không lường trước được sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới?

Nguy cơ các cuộc tấn công mạng

Theo các chuyên gia, các vụ tấn công mạng nhằm vào các tổ chức chính phủ và tống tiền sẽ tiếp tục và thậm chí sẽ tăng lên vào năm 2018, khiến các chính phủ, các tập đoàn và cơ sở tư nhân có nguy cơ bị rủi ro.

Việc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 đã phơi bày mức độ mà các vụ tấn công mạng có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và chính trị.  Các chuyên gia cho rằng, có thể sẽ lặp lại các vụ tấn công vào các cơ sở dữ liệu trong  cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, hoặc chuỗi các cuộc thăm dò khác trên khắp thế giới vào năm 2018.

Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng cũng có thể gặp rủi ro khi các "nhà đầu tư" chính phủ và phi chính phủ đua nhau xây dựng khả năng chiến tranh thông tin.

Để chống lại các mối đe dọa như vậy, các quốc gia sẽ cần phải thiết lập các liên minh an ninh mạng để giúp đỡ lẫn nhau. Các công ty và người dùng cá nhân có thể sẽ trở thành mục tiêu của tin tặc, cũng như các vi rut tống tiền (ransomware) như Wannacry.

Nhiều cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào các lỗ hổng bảo mật đã dẫn đến ảnh hưởng dữ liệu nghiêm trọng của hàng triệu người. Năm 2018 có thể là năm mà các cá nhân và các công ty bỏ mật khẩu an ninh đơn để mã hóa và xác thực nhiều lớp, các chuyên gia cho biết.

Tấn công khủng bố

Cảnh sát New York

Cảnh sát New York tăng cường an ninh tuần tra khắp các tuyến phố đông người

Theo các chuyên gia, năm 2018 sẽ là năm mà các mối đe dọa khủng bố từ các phần tử Hồi giáo cực đoan sẽ tiếp tục tăng cao, dù sự sụp đổ của IS ở cả Iraq và Syria năm 2017 và sự giảm đáng kể số vụ khủng bố trên toàn thế giới.

Theo công ty tư vấn rủi ro toàn cầu Control Risks, những vụ tấn công khủng bố năm 2017 vẫn còn chỉ dấu nhiều bất ổn. Nhiều quốc gia phải gánh chịu tình trạng khủng bố tăng lên do các biến động xung đột và tình trạng đối kháng của các nhóm chiến binh.

Năm 2018, các phần tử cực đoan Hồi giáo, các nhóm nổi dậy và du kích cánh tả sẽ vẫn sẽ tạo nguy cơ bạo lực khủng bố ở hầu hết các quốc gia. Và nhiều cá nhân bị ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng cực đang lan truyền trên mạng cũng như các hoạt động ngày càng mở rộng phạm vi của các nhóm nổi dậy.

Khủng hoảng kinh tế?

Suy thoái kinh tế xảy ra trong chu kỳ 10-12 năm, do đó một thảm họa không lường trước được, ví dụ như sự sụp đổ của thị trường tài chính khổng lồ, có thể làm suy thoái kinh tế vào năm 2018?

Một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế thế giới đã vươn tới mức tăng trưởng 3,6% (theo dự báo của IMF). Tỷ lệ thất nghiệp thấp ở các nước phát triển, các nền kinh tế đang phát triển và thị trường tài chính đang có nhiều tín hiệu vui.

Tuy nhiên, mức nợ ở các nền kinh tế lớn là cao hơn trong giai đoạn trước khủng hoảng và thị trường đang tăng mạnh một phần do các biện pháp kích thích tiền tệ sau cuộc khủng hoảng. Và ở nhiều nước, sự hồi phục chỉ làm tăng bất bình đẳng về thu nhập, làm tăng lực lượng ủng hộ chủ nghĩa biệt lập, dân túy.

Khi thay đổi chính sách kinh tế và tài chính, hậu quả không mong muốn có thể nảy sinh. Các mối quan tâm hàng đầu xoay quanh: Sự mất giá của các loại tiền tệ; Những cuộc chiến thương mại do Hoa Kỳ gây ra; những thay đổi cơ bản trong chính sách tiền tệ từ ngân hàng Trung ương mới; các vấn đề mới ở khu vực đồng euro; biến động giá dầu; và việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu.

Nguy cơ chiến tranh Hạt nhân

Triều Tiên tên lửa 3 2017 tập trận

Triều Tiên bắn tên lửa trong một cuộc tập trận hồi tháng 3/2017

Những vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân mới, ngày càng gia tăng về công nghệ của Triều Tiên, khiến nhiều chuyên gia lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và sẽ gây ảnh hưởng toàn cầu bởi mức độ phá hủy của các vũ khí hạt nhân.

Năm 2017, Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 mạnh mẽ nhất và tiến hành phóng tên lửa mạnh nhất từ trước đến nay, có khả năng tấn công lục địa Mỹ. Triều Tiên cũng tuyên bố các lệnh trừng phạt mới của Liên hợp quốc là "hành động chiến tranh" và đã cam đoan đáp trả bằng "một mức giá nặng nề" cho tất cả những người ủng hộ động thái này.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên liên tục leo thang trong thời gian vừa qua khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump liên tục đưa ra những lời tuyên bố đầy mạnh mẽ và hiếu chiến với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un; còn Triều Tiên tuyên bố kiên quyết không từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này. Triều Tiên cho rằng, chương trình này là để bảo vệ quốc gia trước nguy cơ tấn công từ Hoa Kỳ và tuyên bố là một “cường quốc hạt nhân” có trách nhiệm.

Chinh vì vậy, các chuyên gia lo ngại những căng thẳng này sẽ ngày càng gia tăng dẫn tới chiến tranh trong tương lai. Trong bối cảnh các cuộc tập trận chung liên tục của Mỹ và Hàn Quốc, Nhật Bản làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, thì Trung Quốc và Nga đã cố gắng làm dịu đi những căng thẳng và kêu gọi Mỹ- Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán. Liên hợp quốc cũng kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán sáu bên, bị đình trệ từ năm 2009.

Các thảm họa thiên nhiên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

bão Tembin

Bão Tembin gây lũ lụt ở Philippines khiến 240 người chết, hàng chục nghìn người phải sơ tán

Băng tan và mực nước biểb đã tăng cao nhất trong hơn 2.000 năm qua. Thời tiết cực đoan như lũ lụt và hạn hán do biến đổi khí hậy gây ra đã tàn phá nhiều nơi trên thế giới, cướp đi hàng chục nghìn sinh mạng năm 2017.

Năm 2018, các quốc gia sẽ vẫn tiếp tục các nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại biến đổi khí hậu, bất chấp việc Mỹ rút khỏi hiệp định COP21 về biến đổi khí hậu tại Paris.

Theo các chuyên gia, xu hướng toàn cầu đối với năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục trong năm 2018, bao gồm cả ở Mỹ. Và với nỗ lực của Trung Quốc và Ấn Độ để chuyển từ năng lượng than sang năng lượng tái tạo, hy vọng sẽ tiếp tục giảm lượng khí thải carbon và bảo vệ môi trường toàn cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.