Kết nối hiệu quả hệ thống cảng biển và đường cao tốc sẽ giúp giảm thời gian vận chuyển, thông quan nhanh, giảm chi phí... từ đó tăng sức cạnh tranh của hàng hóa (Bốc xếp hàng tại cảng Hải Phòng) - Ảnh: Tạ Tôn |
2018 là năm thứ hai nước ta đạt tăng trưởng tốt hơn mong đợi: Tăng trưởng GDP khoảng 7%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát không quá 4%, kim ngạch xuất khẩu tới ngưỡng 240 tỷ USD, du lịch thu hút 15 triệu lượt khách… PV Báo Giao thông có cuộc trò chuyện với TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH&ĐT và các chuyên gia, nhìn lại năm 2018 và dự báo năm 2019.
Theo TS. Lưu Bích Hồ, các chỉ tiêu năm nay thực hiện được đã toàn diện hơn, nhưng xét chi tiết thì nền tảng tăng trưởng của nền kinh tế vẫn chưa vững chắc. Do đó, 2019 phải tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện.
TS. Lưu Bích Hồ |
Thưa ông, cơ sở nào để ông đưa ra nhận xét nền tảng tăng trưởng chưa vững chắc?
Tôi lấy ví dụ, trong kim ngạch xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI vẫn chiếm quá lớn. Hay ngân sách đã cân bằng hơn, bớt bội chi nhưng chưa phải ta đã giải quyết được vấn đề nợ đang rất lớn. Nợ trung hạn năm 2019 có thể sẽ nhích lên và nợ gốc đến hạn trả sẽ tăng khá trong mấy năm tới. Hay lĩnh vực tài chính ngân hàng, giữ tỷ giá ổn định là tốt nhưng cải cách hệ thống phải theo tiêu chí của thế giới trong khi hệ thống trong nước còn nhiều vấn đề…
Do đó, phải tái cơ cấu một cách thực chất hơn, tập trung hơn cho nông nghiệp, trong đó thể chế về quyền sử dụng đất phải đổi mới mạnh hơn. Những nền tảng cơ cấu trong từng ngành phải nhấn mạnh các yếu tố chất lượng, hiệu quả, bền vững, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay vì dựa chủ yếu vào vốn, trên bề rộng và số lượng.
Từng ngành phải xác định mũi nhọn ra sao, thưa ông?
Về từng ngành, quan trọng nhất hiện nay phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Tuy nông nghiệp không bằng du lịch, dịch vụ nhưng nó là căn cơ và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống đông đảo người nông dân.
"Các bộ ngành bây giờ cần làm thực chất, tránh bệnh thành tích và hình thức. Thách thức lớn nhất sắp tới vẫn là cải cách bộ máy, đào tạo và sử dụng con người, sử dụng vốn tốt hơn, sắp xếp bộ máy tốt hơn chứ động lực xin - cho, bôi trơn nay hết rồi. Tôi nghĩ Nhà nước nào thì thể chế đó, bộ máy nào thì sự vận hành đó. Và kết quả vận hành của bộ máy đó đều gắn chặt với người đứng đầu. " TS. Lưu Bích Hồ |
Năm nay, giá gạo xuất khẩu tốt và cao hơn Thái Lan, chủ yếu nhờ chất lượng gạo của ta tốt lên. Ngành nông nghiệp phải chú trọng về giống hơn nữa, áp dụng khoa học công nghệ, tổ chức chuỗi sản xuất tốt hơn, đồng thời giải quyết vấn đề tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, đặc biệt lưu ý biến đổi khí hậu. Người ta vẫn thấy nông dân trồng được nhiều lúa và tăng xuất khẩu nông sản, nhưng các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI, hưởng lợi từ thành quả của nông dân còn nhiều quá.
Còn với ngành công nghiệp, cái khó nhất là làm sao cho công nghiệp chế biến chế tạo và các ngành công nghiệp khác trong nước nâng tỷ lệ cao hơn mức hiện nay trong tương quan với khối FDI. Năm nay, tỷ trọng xuất khẩu của khối FDI vẫn tăng, chiếm 75%. Nếu Samsung rút hay không tăng trưởng thêm thì làm thế nào? Do đó, phải đưa công nghiệp nội địa thay vào. Vấn đề công nghiệp hỗ trợ cũng nói nhiều rồi nhưng vẫn chưa có được nguồn lực và chính sách hỗ trợ cần thiết để thực hiện, cứ như hiện nay khó có sức bật mới.
Với ngành công nghiệp, theo tôi vẫn phải đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, tận dụng các hiệp định thương mại như CPTPP và chuẩn bị cho EVFTA, thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Mũi nhọn của công nghiệp vẫn phải nhấn mạnh công nghiệp chế biến chế tạo, rồi tới công nghiệp công nghệ cao, điện tử, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, vật liệu mới; đồng thời tiếp tục hạn chế tỷ phần khai khoáng và xuất khẩu khoáng sản thô.
Với ngành dịch vụ, có hai vấn đề là đẩy mạnh hơn du lịch và phát triển logistics. Vừa qua ta đã có chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững, trong đó du lịch biển là ưu tiên số 1 nên phải nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch biển như khách sạn, nhà hàng, đường sá, nhân lực chất lượng cao, thêm sản phẩm và nâng cao văn hóa dịch vụ để khách du lịch tăng mức chi tiêu, tạo giá trị gia tăng mới.
Với logistics, các ngành, trong đó có GTVT, phải quyết tâm hạ bớt chi phí. Phải quy hoạch một cách tổng thể, ví dụ chúng ta đã chú trọng đường bộ, đường thuỷ, hàng không thì nay phải liên kết lại. Chẳng hạn như kết nối hệ thống cảng biển với đường cao tốc để giảm thời gian vận chuyển, thông quan nhanh, bớt thủ tục và điện tử hóa việc thực hiện thủ tục... Giảm thời gian là giảm chi phí. Hay vấn đề dịch vụ giao thông công cộng, không thể để lủng củng mãi, phải cố gắng quản lý và vận hành tốt hơn, các hãng taxi phải tìm cách vươn lên theo công nghệ mới, hình thức như Grab phải được thừa nhận bằng thể chế, phải quản lý và đánh thuế được để doanh nghiệp yên tâm làm ăn…
Lắp ráp xe tại Nhà máy ô tô Nissan Việt Nam - Ảnh: K.Linh |
Đối với ngành GTVT, theo ông nên đầu tư thế nào, gọi vốn ra sao trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn?
Vốn cho hạ tầng GTVT rất lớn nhưng ta không thể dựa nhiều vào ngân sách mà chủ yếu từ hai nguồn đi vay hoặc kêu gọi đầu tư trong nước. Nếu đi vay thì phải thấu triệt quan điểm hiệu quả và trả được nợ.
Do đó, phải xã hội hoá thông qua các phương thức như BOT, PPP. Muốn vậy, phải có cơ chế phù hợp hơn, bắt đầu từ việc quy hoạch và thiết kế công trình một cách thông minh. Nếu cứ quy hoạch không hợp lý, rồi quản lý không tốt thì lại sinh ra lãng phí. Ví dụ, các tuyến đường vành đai Hà Nội làm tới bao giờ, vốn đâu; đường bộ cao tốc chất lượng ra sao, còn đường sắt cao tốc giai đoạn tới như thế nào; hay như cảng Sóc Trăng được đề xuất cần tính toán chi phí sao cho khả thi và đỡ lãng phí...
Hiện, ngành GTVT đang có hai vấn đề quan trọng là tham mưu chiến lược quy hoạch và tổ chức thực hiện. Bây giờ các cục, vụ, viện cần tìm cách tham mưu tốt hơn cho ngành. Tư vấn nước ngoài nhiều nhưng nhiều khi không hiểu tình hình cụ thể bằng các viện trong nước. Còn về tổ chức thực hiện phải chọn ưu tiên, không thể làm nhiều thứ một lúc như vừa qua được. Nên phải tập trung vào dự án cần ưu tiên và cốt tử phải sử dụng vốn hiệu quả…
Còn vấn đề thể chế thì sao, thưa ông?
Thể chế vẫn là mũi nhọn trong năm 2019. Trong năm qua chúng ta đã ban hành 16 luật, 149 nghị định liên quan trực tiếp đến kinh tế - nhiều nhất trong mấy năm qua. Nhưng chúng ta còn nợ nhiều chương trình làm luật và văn bản dưới luật nên phải tiếp tục làm, làm có chất lượng hơn và thực thi để luật đi vào cuộc sống.
Theo tôi, cái khó nhất trong thể chế là bộ máy. Bộ máy, con người không đổi mới không thể có chuyển biến tích cực, đột phá. Cứ trên nóng, dưới lạnh là không được. Một năm giảm hơn 5 nghìn biên chế trong khi hiện cả nước có gần 30 vạn biên chế mà muốn giảm 1/3 thì giảm tới bao giờ mới đạt. Bộ máy ấy đè nặng vào hệ thống quản lý quản trị làm giảm hiệu lực hiệu quả. Nên vấn đề là có dám quyết liệt tinh giản biên chế không? Nhiều nơi không giảm được còn phình ra rất vô lý. Do đó, muốn có đột phá mạnh về thể chế phải chuyển biến ở bộ máy.
Năm qua, thuật ngữ cách mạng công nghiệp 4.0 được nhắc tới rất nhiều nhưng dường như chúng ta mới dừng ở mức độ mon men?
Cách mạng công nghiệp 4.0 nói nhiều nhưng làm sao để không xa vời mà phải thực tế hơn. Rất nhiều cái chúng ta có thể làm tốt nếu áp dụng công nghệ thông tin như đề án Chính phủ điện tử, cần làm cả chính quyền địa phương điện tử... sẽ giảm được nhiều chi phí và hiệu lực hiệu quả cao hơn. Chi phí đó để đầu tư cho hạ tầng, cho chất lượng nguồn nhân lực. Một năm chúng ta mới đầu tư có 1,8 tỷ USD cho nghiên cứu phát triển, trong khi các nước như Mỹ là 476,5 tỷ USD, Trung Quốc 376,5 tỷ USD, Hàn Quốc 73,2 tỷ USD, Singapore 10,1 tỷ USD, Malaysia 9,7 tỷ USD, Thái Lan 5,2 tỷ USD, Indonesia 2,1 tỷ USD (số liệu của Diễn đàn kinh tế thế giới, năm 2018, tính theo USD-PPP). Nếu không đầu tư mạnh và thiết thực thì làm sao có cách mạng công nghiệp 4.0.
Cảm ơn ông!
Nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thuý:
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương:
Kim ngạch xuất khẩu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã đạt tới 8 tỷ USD, cho thấy hàng hóa đi vào chất lượng thay vì chiều rộng như trước. Ngoài ra, Việt Nam cũng được ghi nhận là nước đầu tư du lịch mạnh nhất thế giới trong năm 2018 và thu hút được 15 triệu lượng khách quốc tế, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Đây là động lực mà Tổng cục Thống kê đánh giá là còn khai thác được trong thời gian tới. TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng:
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng viện Nghiên cứu - Phát triển kinh doanh:
|
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận