Giữa năm 2019, 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức đầu tư công sẽ được khởi công xây dựng, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hình thành một tuyến đường bộ cao tốc hiện đại xuyên Việt hoàn chỉnh, kết nối hai đầu đất nước kéo dài từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh.
Dự án được chuẩn bị công phu, bài bản
Về tiến độ khởi công các dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo, đối với 3 dự án sử dụng vốn đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2), các ban quản lý dự án phải khẩn trương thực hiện tốt công tác GPMB, công đoạn tổ chức đấu thầu thi công. “Chậm nhất, tháng 6/2019, một số gói thầu của các dự án này phải được khởi công xây dựng”, Bộ trưởng thông tin.
Sau 44 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019), ngoài tuyến QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã được nâng cấp mở rộng trong giai đoạn 2012 - 2015, đến nay, Bộ GTVT mới triển khai một dự án lớn, có quy mô tầm cỡ quốc gia là đại dự án đầu tư xây dựng một số dự án đường bộ cao tốc phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Thế nhưng ít người biết, để có thể triển khai dự án này, Bộ GTVT đã phải giải trình rất nhiều lần trước Quốc hội và các cơ quan liên quan suốt nhiều năm.
Sau thời gian dài chuẩn bị bài bản, công phu của Bộ GTVT, đến ngày 22/11/2017, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 chính thức biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án với tỷ lệ 83,11% đại biểu tán thành. Theo đó, giai đoạn 2017 - 2020, Bộ GTVT sẽ ưu tiên xây dựng trước 654km cao tốc Bắc - Nam trên các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2.
Cụ thể, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Dự án được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2) và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT gồm: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Ông Bùi Quang Thái, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, chưa đầy một năm sau khi Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội về cao tốc Bắc - Nam được ban hành, cuối tháng 10/2018, toàn bộ 11 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư để tiến hành triển khai các bước tiếp theo.
“Hàng tháng, Bộ GTVT đều tiến hành họp kiểm điểm hai lần về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam để chấn chỉnh, đốc thúc các chủ đầu tư, ban QLDA trong việc đảm bảo đúng tiến độ của từng dự án thành phần”, ông Thái chia sẻ.
Bàn giao cọc GPMB, bắt đầu sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư
Liên quan đến tiến độ dự án, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD & CLCTGT) cho biết, đến nay 11 dự án cao tốc Bắc - Nam đã ký hợp đồng với các nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật. Trong đó, dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB và triển khai cắm xong cọc GPMB ngoài thực địa, đồng thời dự án đã bàn giao cho địa phương thực hiện công tác kiểm đếm, đo đạc.
“Dự án Cam Lộ - La Sơn đã hoàn thành cắm cọc GPMB trong tháng 3/2019”, ông Thành nói và cho biết, các dự án khác sẽ tiến hành triển khai cắm mốc ngay sau khi hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB được phê duyệt, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2019.
Về công tác thiết kế kỹ thuật của các dự án, theo ông Thành, dự án Cao Bồ - Mai Sơn sẽ hoàn thành thiết kế kỹ thuật trong tháng 5/2019, dự án Cam Lộ - La Sơn tháng 6/2019 và các dự án còn lại hoàn thành trong tháng 8 - 9/2019. “Riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 do tính chất đặc biệt, thời gian thiết kế kéo dài hơn, dự kiến tháng 11/2019 sẽ hoàn thành thiết kế kỹ thuật”, ông Thành nói.
Đề cập tới 8 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ PPP cho biết, các dự án này đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Bởi đây là các dự án nhóm A, thuộc lĩnh vực đường bộ, pháp luật Việt Nam không có quy định hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia thực hiện.
Hiện nay, Bộ GTVT đã hoàn thiện hồ sơ mời sơ tuyển và phát hành hồ sơ mời sơ tuyển trong tháng 4/2019, thời gian kết thúc (phê duyệt kết quả sơ tuyển) khoảng 20/8/2019.
Từ ngày 20/10/2019, Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư. Nhà đầu tư sẽ có tối thiểu 90 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu, thời gian đóng thầu khoảng 20/1/2020. Dự kiến, ngày 20/3/2020, các ban QLDA sẽ công khai kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của các dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP.
Khởi công 3 dự án đầu tư công giữa năm 2019
Dự án cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ GTVT. Hàng tháng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đều trực tiếp chủ trì ít nhất 2 cuộc họp liên quan đến tình hình triển khai dự án này với sự tham gia của tất cả các Thứ trưởng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan để chấn chỉnh, xử lý các tồn tại, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Mới nhất, tại cuộc họp vào cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo các ban QLDA, chủ đầu tư phải bàn giao toàn bộ cọc GPMB của các dự án cho các địa phương quản lý và thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. “Dự án của ban nào không xong, giám đốc ban đó phải chịu trách nhiệm”, đó là thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu ngành GTVT gửi đến những người có trách nhiệm cao nhất tại các ban quản lý dự án.
Đề cập đến công tác thiết kế kỹ thuật 11 dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo, chậm nhất trong tháng 9/2019 phải phê duyệt xong hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán của toàn bộ 11 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam. Đồng thời, Vụ PPP phải tham mưu để Bộ GTVT đề nghị cơ quan có thẩm quyền rút ngắn thời gian đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định, phấn đấu cuối tháng 12/2019 sẽ kết thúc thời gian lựa chọn nhà đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
“Dự kiến từ tháng 9/2019, Bộ GTVT sẽ triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án PPP”, ông Thái nói và cho biết, các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam dự kiến bắt đầu triển khai thi công vào đầu năm 2020, cơ bản hoàn thành vào năm 2021.
Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển quỹ đất, thu hút đầu tư
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông thông vận tải (TEDI) cho biết, sau khi các dự án cao tốc Bắc - Nam hoàn thành sẽ đem lại hiệu quả rất lớn đối với phát triển kinh tế của hành lang Bắc - Nam nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương phát triển nguồn quỹ đất dọc tuyến, nhằm thu hút các nhà đầu tư, xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, nhất là tại những khu vực tiếp giáp với đường cao tốc và các nút giao liên thông.
Theo ông Hà, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam khi xây dựng xong sẽ góp phần trực tiếp phát triển du lịch, thương mại của các địa phương nằm trong khu vực dự án đi qua. Thực tế, điều này đã được chứng minh khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác, khách du lịch đến Sa Pa tăng rất nhanh.
Bên cạnh đó, tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ kết nối chặt chẽ các thành phố lớn, các trung tâm tăng trưởng, các vùng kinh tế trọng điểm với các cảng biển cửa ngõ quốc tế, các CHK quốc tế, các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển với thời gian di chuyển hợp lý. Ngoài ra, tuyến cao tốc sẽ hỗ trợ một số đoạn tuyến trên QL1 trong trường hợp bị ngập lụt để đảm bảo lưu thông Bắc - Nam được thông suốt trong mọi hoàn cảnh…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận