Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an Đặng Văn Hiếu phát biểu tại phiên họp tổ chiều 26/5 |
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, tại phiên thảo luận tổ chiều qua (26/5) về Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nhiều ĐBQH tán thành với định hướng tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình nhằm thể hiện rõ sự khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước.
Tội tham nhũng: Quy định nặng, xử nhẹ?
Xung quanh vấn đề hạn chế hình phạt tử hình, nhiều ý kiến tán thành với định hướng tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình ở cả ba phương diện: Giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình; quy định điều kiện chặt chẽ nhằm hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng hơn đối tượng bị kết án tử hình nhưng không phải thi hành án tử hình nhằm thể hiện rõ sự khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta.
Tuy nhiên, về giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình, đại biểu Lê Minh Trọng (Tây Ninh), Lê Minh Thông (Thanh Hoá) đề nghị chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với: Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, vì đây là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng và xét về ý nghĩa chính trị, chừng nào còn duy trì hình phạt tử hình thì không nên bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh này.
Với tội danh tham nhũng, ĐB Trần Văn Độ (An Giang) đặt vấn đề: “Chúng ta hay nói tử hình tội phạm tham nhũng để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Nhưng không phải cứ xử thật nặng là nghiêm minh. Nghiêm minh thể hiện ở chỗ quy định thế nào và áp dụng trong thực tế ra sao. Như tội tham ô, tham nhũng, hối lộ, chúng ta quy định phạt tử hình nhưng trên thực tế không tử hình được, không xử lý được bao nhiêu thì có nghiêm minh không? Tham ô 4, 5 tỷ trở lên thì tử hình nhưng ta tử hình được ai đâu? Chúng ta đang hiểu nhầm về tính nghiêm minh của pháp luật. Quy định thật nặng khi xử thật nhẹ thì tính nghiêm minh không có”, ĐB Độ nêu quan điểm.
Trong khi đó, ĐB Lê Minh Thông cũng băn khoăn: “Đối với tội phạm tham nhũng, tử hình rồi thì làm sao lấy được tài sản tham nhũng? Nếu anh tự nguyện bồi hoàn khắc phục hậu quả và hợp tác tích cực, hiệu quả thì có thể chuyển từ án tử hình sang chung thân, như vậy còn có cơ hội thu hồi tài sản mà tội phạm tham nhũng chiếm đoạt”.
Chỉ nên ghi âm, ghi hình hỏi cung những vụ trọng án
Đóng góp ý kiến, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an (ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng luật phải có những quy định phát huy dân chủ, quyền của công dân, nhưng không vì thế mà đưa ra những quy định hạn chế quyền của cơ quan tư pháp. “Giờ hạn chế quyền của các cơ quan tư pháp thì không thể chống lại thế lực thù địch. Ví dụ Dự thảo luật đưa ra quy định bị can, bị cáo có quyền im lặng, nếu quy định thế thì đời nào họ khai?
Rồi quy định bị can, bị cáo được đọc tài liệu, hồ sơ vụ án, vậy cho đọc vào lúc nào, đọc làm gì, như thế rất khó khăn cho cơ quan tư pháp. Hay như quy định ghi âm, ghi hình các cuộc hỏi cung, có nhất thiết cuộc nào cũng phải ghi âm không, ở những vùng miền núi khó khăn thì ghi làm sao được? Với những vụ án quan trọng thì tôi đồng ý ghi âm, ghi hình, như thế cũng tốt, tránh được nhiều thứ, nhưng vụ án bắt quả tang rồi thì cần gì ghi âm, ghi hình?”.
Cho rằng nên hạn chế án tử hình để vừa thể hiện tính nhân đạo, vừa đỡ tốn kém và cũng đỡ vất vả cho cơ quan tư pháp, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu cho biết, cơ bản đồng tình với 7 loại tội danh áp dụng bỏ án tử hình, tuy nhiên, đề nghị tiếp tục cân nhắc kỹ với ba tội như: Tội cướp giật gây hậu quả nghiêm trọng; Tội phá hoại công trình quan trọng gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và tội vận chuyển ma túy với số lượng lớn...
Cần hình sự hóa trách nhiệm pháp nhân
Cho ý kiến về vấn đề hình sự hóa trách nhiệm pháp nhân, ĐB Trần Văn Độ đặt vấn đề: “Nhân viên thực hiện mệnh lệnh của HĐQT thì tại sao cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự trong khi tập thể không bị gì? Trường hợp các giám đốc điều hành được thuê mà xử riêng trách nhiệm người này thì không công bằng”. Bên cạnh đó, theo ông Độ, Luật Xử phạt hành chính (phạt tiền, rút giấy phép…) không giải quyết được vấn đề. Xử lý hình sự pháp nhân là hướng đến cái lớn hơn, bảo đảm quyền lợi cho xã hội, cho người bị hại.
“Nếu quy trách nhiệm cho một người thì người bị truy cứu phải bồi thường, pháp nhân không phải bồi thường. Nhưng với vụ Vedan, Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa) gây thiệt hại cả nghìn tỷ thì cá nhân nào có đủ khả năng bồi thường cho người dân?”, ông Độ đặt vấn đề và nhận định, nếu xử lý bằng biện pháp hình sự đối với pháp nhân thì cơ quan Nhà nước có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại đó chứ không phải người dân. “Ví dụ xử hành chính thì tự người dân phải chứng minh, nhưng như vụ Vedan thì người dân chứng minh thế nào được? Kiện dân sự thì người kiện phải nộp án phí, như vụ Vedan có người phải nộp từ 50 - 100 triệu đồng. Dân không kiện vì không có tiền. Có một số người đồng ý nộp tiền với điều kiện Hội Nông dân hỗ trợ. Nhưng cuối cùng có kiện được đâu, sau đó Nhà nước phải thỏa thuận với công ty nhận hỗ trợ, rồi chia cho người dân các tỉnh chịu ảnh hưởng mà chẳng có pháp lý gì”.
Gắn trách nhiệm cho kiểm toán Sáng 26/5, Quốc hội đã nghe báo cáo và thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước. ĐB Nguyễn Đình Quyền (Đoàn Hà Nội) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, trong trường hợp đơn vị kiểm toán có dấu hiệu tội phạm, kiểm toán phải có nhiệm vụ chuyển giao tài liệu cho cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhằm làm tăng trách nhiệm của cơ quan kiểm toán. Theo ông Quyền, kiểm toán là tổ chức có thẩm quyền lớn nhưng lại không được quy định quyền hạn và nhiệm vụ rõ ràng đã khiến cơ quan này trở thành con “ngáo ộp”. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng, với một cơ quan có nhiệm vụ và quyền hạn lớn như kiểm toán, đi đến đâu cũng khiến các đơn vị e sợ thì cần thiết phải gắn trách nhiệm cho đơn vị này. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận