Xã hội

Nén tâm nhang tri ân liệt sỹ “đi trước mở đường”

27/07/2018, 07:05

Với sứ mệnh “đi trước mở đường” nguy hiểm nhưng đầy vinh quang, hàng nghìn liệt sỹ ngành GTVT đã ngã xuống...

1

Thứ trưởng Lê Đình Thọ dẫn đầu đoàn công tác của ngành GTVT thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ TNXP tại nghĩa trang Truông Kè trên QL7 (thuộc xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) - Ảnh: Phúc Tuấn

Với sứ mệnh “đi trước mở đường” nguy hiểm nhưng đầy vinh quang, hàng nghìn liệt sỹ ngành GTVT đã ngã xuống trên các cung đường để bảo vệ mạch máu giao thông của Tổ quốc, nên GTVT cũng là ngành có nhiều nghĩa trang riêng nhất cả nước. 

Chữ “tình” nơi yên nghỉ của những anh hùng

Những ngày cuối tháng 7, đoàn công tác ngành GTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ dẫn đầu đã tổ chức hành trình về nguồn, tới thắp hương tri ân những liệt sỹ ngành GTVT hy sinh anh dũng đang nằm ở 12 nghĩa trang liệt sỹ dọc 5 tỉnh miền Trung. Điểm đầu tiên đoàn dừng chân đó là nghĩa trang Truông Kè nằm trên QL7 (thuộc xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Khu nghĩa trang cao vút trên sườn một ngọn đồi là nơi yên nghỉ của 545 anh hùng liệt sỹ hy sinh để bảo vệ tuyến đường này.

Đón đoàn, người quản trang già 76 tuổi, ông Hồ Sỹ Chước cho biết, ông đã gắn bó với công việc quản trang ở đây hơn 20 năm. Năm 1961, ông đi TNXP về, làm trong ngành GTVT và được giao nhiệm vụ thu thập danh sách những TNXP tham gia bảo vệ đường 7. Trong chiến tranh, đường 7 có vị trí rất quan trọng nối QL1 và đường Hồ Chí Minh nên thường xuyên bị địch bắn phá ác liệt. Với tinh thần “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, nhiều cán bộ, công nhân viên ngành GTVT đã ngã xuống để giữ vững mạch máu giao thông.

Nói về cuộc hành trình “về nguồn”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh: “Hiện nay, ngoài lực lượng quân đội, Công an, duy nhất chỉ có ngành GTVT xây dựng các nghĩa trang riêng để thờ tự các anh hùng liệt sỹ TNXP - đây là một việc làm hết sức ý nghĩa thể hiện sự quan tâm, biết ơn của thế hệ sau đối với các thế hệ trước. Và đặc biệt, các thế hệ mai sau phải ghi nhớ những công lao to lớn mà lớp cha anh đi trước đã để lại. Từ đó, tiếp tục gìn giữ và phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn, truyền thống yêu nước của dân tộc ta”.

“Tuổi già, còn tí sức dọn dẹp “nhà cửa” cho đồng đội để được gần gũi hơn. Năm nào cũng có nhiều đoàn về đây thắp hương, trong đó đoàn của ngành GTVT không bao giờ vắng mặt, nhất là dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ. Cả nước có rất nhiều nghĩa trang liệt sỹ nhưng để xây dựng nghĩa trang riêng cho các cán bộ công nhân viên ngành GTVT đã hy sinh khi làm nhiệm vụ là rất đáng quý trọng”, ông Chước chia sẻ.

Rời Truông Kè, đoàn tiếp tục băng qua những khúc đường quanh cua đến các nghĩa trang: Truông Bồn - nơi 13 TNXP thuộc tiểu đội cảm tử Đại đội TNXP 317 đã hy sinh vào ngày 31/10/1968 khi bảo vệ tuyến đường 15A; Ngã ba Đồng Lộc - nơi 10 nữ TNXP bị bom Mỹ vùi lấp khi đang làm nhiệm vụ ở giao điểm lửa QL15A và tỉnh lộ 2 Hà Tĩnh; Nghĩa trang Thọ Lộc - nơi lưu danh 563 phần mộ của các cán bộ, công nhân của Ban Xây dựng 67 (tiền thân của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CIENCO5); Hang Tám Cô - địa danh huyền thoại khi 8 TNXP hy sinh thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn, thông đường 20 Quyết Thắng phục vụ hàng chục nghìn xe pháo, bộ đội tiếp viện chiến trường miền Nam. Và còn nhiều lắm những anh hùng liệt sỹ, TNXP đang yên nghỉ ở nghĩa trang Trường Sơn; Nghĩa trang đường 9 và Thành cổ Quảng Trị. Tại mỗi địa danh, đoàn kính cẩn tri ân, tưởng nhớ đến những người đi trước đã hy sinh để bảo vệ mạch máu giao thông đất nước.

2

Đoàn công tác Bộ GTVT dâng hương, viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị)

Trong số 12 nghĩa trang đoàn đến viếng dịp này, có tới 6 nghĩa trang do Bộ GTVT và các đơn vị thuộc Bộ tự đứng ra quyên góp tiền xây dựng, số còn lại cũng được ngành góp sức rất lớn trong những lần trùng tu, tôn tạo. Đơn cử như Nghĩa trang Truông Kè được Sở GTVT Nghệ An đứng ra xây dựng năm 1993, tôn tạo năm 2014; Nghĩa trang liệt sỹ ngành GTVT ở Đồng Lộc do Sở GTVT Hà Tĩnh và CIENCO4 xây dựng, tôn tạo; Nghĩa trang Tân Ấp, Thọ Lộc, Vạn Ninh (Quảng Bình) do Ban Xây dựng 67 xây dựng, CIENCO5 tôn tạo… Riêng Báo Giao thông (trước kia là Báo Giao thông vận tải) cũng đứng ra kêu gọi xây dựng công trình cột biểu tượng ngành GTVT ở Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại vào những năm 80 của thế kỷ XX. Không chỉ xây dựng, tôn tạo, các đơn vị trong ngành GTVT còn tự đứng ra nhận trông nom, thờ tự các nghĩa trang của ngành.

Kể về quá trình xây dựng nghĩa trang liệt sỹ ngành GTVT, một lãnh đạo CIENCO5 cho hay: “Tiền thân của CIENCO5 là Ban Xây dựng công trình 67 trực thuộc Bộ GTVT được giao nhiệm vụ quản lý, chăm sóc 3 nghĩa trang gồm: Nghĩa trang Tân Ấp (xã Hướng Hóa, Tuyên Hóa), Nghĩa trang Vạn Ninh (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) và Nghĩa trang Thọ Lộc (xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) với 1.050 ngôi mộ của liệt sỹ TNXP đã hy sinh trong công cuộc mở đường vận lương, tải đạn ra chiến trường. Trước đây, những nghĩa trang này nhỏ và xuống cấp, CIENCO5 đã bỏ kinh phí và kêu gọi các đơn vị thành viên ủng hộ để đầu tư, tôn tạo lại. Sau này, dù đã cổ phần hóa nhưng kế thừa những giá trị truyền thống, hàng năm, các thế hệ lãnh đạo CIENCO5 vẫn chú trọng các hoạt động đầu tư, tu bổ các nghĩa trang, tri ân các liệt sỹ, thương binh ngành GTVT…

3

Quản trang Hồ Sỹ Chước đang chăm chút cho các phần mộ ở nghĩa trang Truông Kè

Chuyện tâm linh ở chốn linh thiêng

Tại địa danh huyền thoại Hang Tám Cô (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), sau khi dâng hương ở Đền thờ các anh hùng liệt sỹ đường 20 - Quyết Thắng, theo thông lệ đoàn sẽ đi qua một ngách nhỏ để đến thắp hương nơi cửa hang 8 TNXP hy sinh ngày 14/11/1972. Nhưng lần này cán bộ hướng dẫn đề nghị đoàn chỉ thắp hương ở lư hương chính bên ngoài mà không vào thắp hương bên trong. Nhiều người thấy lạ hỏi thì anh hướng dẫn viên tâm sự: “Trước đây các đoàn đến thăm vẫn đi sâu vào cửa hang thắp hương nhưng gần đây chúng tôi đề nghị tất cả thắp hương bên ngoài vì có lần cán bộ hướng dẫn được báo mộng không để khách thập phương thắp hương bên trong để không giẫm lên nơi các liệt sỹ vẫn đang yên nghỉ”.

Ông Lê Quốc Trương (em trai liệt sỹ TNXP Lê Thị Lương, một trong 8 TNXP hy sinh ở Hang Tám Cô) kể, vào năm 2010 - 2011, một đoàn khách ở xa về có cô hướng dẫn viên du lịch trẻ đi theo. Khi đến hang, cô hướng dẫn viên bỗng nhiên bị người âm nhập khóc lóc thảm thiết. Sau đó, cô hướng dẫn viên tự lấy bút viết ra một tờ giấy với nội dung: Hạn chế hương hỏa (tiền vàng mã). Nên tượng trưng. Tôi Lương. Thay mặt anh em đồng đội về nói ra những mong muốn. Hãy thể hiện lòng thành tâm, không nên cầu kỳ hình thức. Chúng ta nên noi theo gương Bác Hồ cần kiệm liêm chính” và ký tên “Lương”. “Đến khi người ta cho tôi xem bút ký tôi nhận ra đó đúng là chữ ký của chị tôi và nét chữ cũng giống nhau.

4

Ông Lê Quốc Trương cùng với bút ký của chị gái là liệt sỹ Lê Thị Lương đã hy sinh ở Hang Tám Cô

Cũng trong buổi hôm đó, cô hướng dẫn viên đã được chị tôi “nhập vào” chạy bộ vào một khu rừng và nằm xuống chỉ nơi một liệt sỹ là Nguyễn Thị Sặc hy sinh trước chị tôi mấy tháng. Khi đào lên xung quanh đó phát hiện bộ hài cốt nữ và được đưa về quê nhà. Khi xét nghiệm ADN, gia đình đã nhận đúng người thân của mình”, ông Trương kể tiếp.

Ông Trần Sáng Tỏ (75 tuổi) đã 13 năm làm quản trang tại nghĩa trang Vạn Ninh kể, có những câu chuyện trùng lặp đến lạ kỳ. “Có lần tôi chứng kiến, khi một gia đình quê ở Nam Định đến nghĩa trang Vạn Ninh vừa thắp hương cho các liệt sỹ ở đây, cũng vừa là đi tìm mộ thân nhân mình. Bỗng dưng có một cô gái trẻ của gia đình đó có những hành động kỳ quặc, chạy đi chạy lại trong khu mộ và dừng lại ở ngôi mộ số 49 không đề tên ai. Cô gái ngồi xuống và cầm viên gạch vẽ một số ký hiệu chỉ rằng người nhà đang nằm ở đây. Sau đó, người nhà làm thủ tục khai quật ngôi mộ đó lên và xác định đó đúng là liệt sỹ mà gia đình đi tìm bao năm nay”, ông Tỏ kể. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.