Thế giới

Nga, Mỹ đối đầu tại Liên hợp quốc về xung đột Syria

12/04/2018, 06:16

Vụ tấn công nghi ngờ bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma cuối tuần qua đã đẩy cuộc xung đột tại Syria...

26

Quân chính phủ Syria tiến sát tới thị trấn Douma

Vụ tấn công nghi ngờ bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma cuối tuần qua đã đẩy cuộc xung đột tại Syria trở lại vị trí đứng đầu trên chính trường quốc tế, đưa Washington và Moscow đối đầu với nhau một lần nữa...

Khẩu chiến vì Syria

Trên mặt trận ngoại giao, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) ngày 10/4 đã không chấp thuận ba dự thảo Nghị quyết liên quan tới các cuộc tấn công vũ khí hóa học ở Syria. Nga đã phủ quyết văn bản đề nghị của Mỹ, trong khi hai nghị quyết được soạn thảo bởi Nga đã không đạt được 9 phiếu bầu tối thiểu.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho biết, quyết định của Washington khi đưa ra quyết nghị có thể là màn mở đầu cho cuộc tấn công của phương Tây vào nước Cộng hòa Hồi giáo Syria. Ông Nebenzia cảnh báo Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ “cuộc tấn công quân sự bất hợp pháp” nào mà nước này thực hiện. “Tôi một lần nữa yêu cầu Mỹ kiềm chế kế hoạch mà Washington đang phát triển nhằm vào Syria”, Reuters dẫn lời vị Đại sứ Nga nói sau khi Hội đồng Bảo an LHQ không chấp thuận dự thảo nghị quyết của Moscow về vụ tấn công nghi ngờ sử dụng vũ khí hoá học ở Syria.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nói trước Hội đồng Bảo an rằng việc thông qua nghị quyết rút gọn của Mỹ là điều tối thiểu các quốc gia thành viên có thể làm. “Lịch sử sẽ ghi nhận rằng, vào ngày này, Nga đã chọn bảo vệ “quái vật” thay vì cuộc sống của người Syria”, bà Haley nói.

Các nhà lãnh đạo phương Tây cũng nói rằng, họ đã đồng ý cùng nhau nhắm mục tiêu vào những người chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công nghi là dùng vũ khí hóa học ở Douma.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ ba cho biết, bất kỳ cuộc tấn công nào sẽ không nhằm vào các đồng minh của Chính phủ Syria hay bất cứ ai cụ thể, nhưng sẽ nhằm vào các cơ sở vũ khí hoá học tại nước này.

Theo một nhóm cứu trợ ở Syria, có ít nhất 60 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương trong vụ tấn công hôm 7/4 vừa qua tại thị trấn Douma. Các bác sĩ và nhân chứng đã nói rằng, các nạn nhân có các triệu chứng ngộ độc, có thể là do một tác nhân thần kinh và một số báo cáo nói rằng có mùi khí clo.

Bằng chứng vũ khí hóa học

Bất chấp việc quốc tế đánh giá thương vong trong các cuộc tấn công vũ khí hoá học ở Syria chỉ là con số quá nhỏ so với hàng trăm nghìn chiến binh và thường dân thiệt mạng kể từ cuộc nội chiến kéo dài hơn 7 năm tại quốc gia Trung Đông này, việc sử dụng vũ khí bị cấm cũng vẫn là “ngòi nổ” bùng phát các cuộc tấn công mới nhằm vào Syria.

Vì thế, Chính phủ Syria và Nga đã yêu cầu Tổ chức cấm vũ khí hoá học OPCW “khám phá sự thật đằng sau các cáo buộc rằng, một số nước phương Tây đã cố tình tạo dựng và tung ra để biện minh cho những ý định hung hăng của họ”, theo hãng tin SANA.

Nga tuyên bố bắn hạ tên lửa Mỹ tấn công Syria

Đại diện ngoại giao Nga tại Lebanon Alexander Zasypkin cảnh báo: “Quân đội Nga có quyền bắn hạ các tên lửa và phá hủy các thiết bị phóng tên lửa trong trường hợp Mỹ tấn công Syria”, theo RT ngày 11/4.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Washington đe doạ một “phản ứng mạnh mẽ” chống lại Syria liên quan đến cáo buộc một vụ tấn công vũ khí hóa học ở thị trấn Douma, vùng ngoại ô Thủ đô Damascus.

Tổ chức OPCW có trụ sở ở Hague cho biết, Syria đã được yêu cầu thực hiện các thoả thuận cần thiết cho việc triển khai một đội điều tra. Nhóm chuyên viên điều tra sẽ được triển khai tới Syria sớm nhằm xác định xem vũ khí bị cấm có được sử dụng không hay chỉ là đổ lỗi.

Trong khi đó, Pháp và Anh đang thảo luận với chính quyền ông Trump về cách ứng phó với vụ tấn công tại Douma. Cả hai cường quốc này đều nhấn mạnh rằng vẫn cần phải xác minh rõ có vũ khí hóa học được sử dụng tại Douma hay không trước khi hành động.

Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin châu Âu cho biết, các chính phủ châu Âu đang đợi OPCW tiến hành điều tra và để có thêm bằng chứng pháp lý từ vụ tấn công đang gây bất bình tại nhiều nước. Bất kỳ kế hoạch nào của Washington và các đồng minh, kể cả hành động quân sự chắc chắn sẽ bị hoãn lại cho đến khi có kết quả điều tra.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 10/4, ông Trump đã hủy chuyến đi dự kiến ​​tới Nam Mỹ cuối tuần này để tập trung vào các phản ứng đối với Syria. Tuyên bố này của Nhà Trắng được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Trump cảnh báo về phản ứng mạnh mẽ và nhanh chóng khi chứng minh có cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria.

Động thái mới từ Washington là triển khai 2 tàu khu trục, 1 nhóm tấn công tàu sân bay được trang bị tối tân mang tới vùng biển phía Đông Địa Trung Hải, áp sát lãnh thổ Syria.

Thêm vào đó, việc cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu Eurocontrol, ngày 11/4 cảnh báo các hãng hàng không nên thận trọng khi thiết lập các chặng bay qua ở vùng phía Đông Địa Trung Hải do có khả năng các cuộc không kích vào Syria trong những ngày tới, đã khiến dư luận càng thêm quan ngại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.