Phía Nga cho rằng, Triều Tiên mong muốn đàm phántrực tiếp với Washington |
Khi vấn đề Triều Tiên đang rơi vào bế tắc, các lệnh trừng phạt không còn tác dụng, sức ép của Trung Quốc cũng không mang lại hiệu quả,
Bắc Kinh đẩy Bình Nhưỡng về gần Moscow?
Mới đây, trong nỗ lực để trở thành bên trung gian đầy quyền lực, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, bản thân Triều Tiên rất mong muốn tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với Washington và khẳng định Moscow sẵn sàng ủng hộ và khuyến khích điều này.
“Chúng tôi biết, trên hết, Triều Tiên muốn đàm phán với Mỹ về việc đảm bảo an ninh” - quan điểm của ông Lavrov được trích trong một thông báo do Bộ Ngoại giao Nga công bố. “Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ và giúp đỡ để khuyến khích các cuộc đàm phán như vậy”, ông Lavrov nói.
Trước thông báo này, trong một cuộc họp báo được tổ chức cuối tuần qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhận định, Bắc Kinh đánh giá cao đề nghị này của Moscow. “Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của các bên, bao gồm cả Nga để tổ chức các cuộc đàm phán tìm ra giải pháp hòa bình”, ông Cảnh nói.
Ông Cảnh tiếp tục nhắc lại lập trường của Trung Quốc rằng, chỉ có Triều Tiên và Mỹ có thể giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân vì họ là các bên trong cuộc xung đột trực tiếp. Theo ông Cảnh, Trung Quốc đã và đang hợp tác để đưa cả hai bên ngồi lại bàn đàm phán.
So với Trung Quốc, Nga không có mối quan hệ truyền thống sâu sắc với Triều Tiên. Vài năm trước, họ đóng vai trò không nhiều trong việc hòa giải khủng hoảng hạt nhân.
Tuy nhiên, gần đây, Thông tấn xã Nga Ria Novosti dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Igor Morgulov cho biết, Nga đã mở các kênh liên lạc với Triều Tiên và sẵn sàng sử dụng tầm ảnh hưởng của mình với Bình Nhưỡng.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, đây là dấu hiệu thể hiện Moscow đang tìm kiếm vai trò lớn hơn trong vấn đề Triều Tiên. Ông Wu Xinbao, học giả quan hệ quốc tế đến từ Đại học Phúc Đán, Thượng Hải cho biết, mối quan hệ lạnh nhạt giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã mở ra một cánh cửa cho Moscow để nước Nga tăng cường ảnh hưởng trong bế tắc về địa chính trị.
“Cả Trung Quốc và Mỹ đều đã hết lựa chọn với Triều Tiên”, ông Wu nói và nhấn mạnh: “Khi Triều Tiên tách dần ra khỏi Trung Quốc, họ đã tạo cơ hội cho Nga rút ngắn khoảng cách với Triều Tiên”.
Một dấu hiệu khác cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc với Triều Tiên đã trượt dốc là khi Bắc Kinh đưa ông Tống Đào, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc phái viên của ông Tập Cập Bình tới thăm Bình Nhưỡng hồi tháng trước. Đáng lẽ ông Tống phải được gặp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhân dịp này nhưng bất thành.
Nga âm thầm hỗ trợ kinh tế Triều Tiên
Mặt khác, dù Nga ủng hộ các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên hợp quốc với Triều Tiên nhưng họ vẫn âm thầm thúc đẩy phát triển kinh tế đối với Bình Nhưỡng khi trở thành một trong những nhà tài trợ lương thực lớn nhất cùng với Trung Quốc cho nước này.
Thương mại song phương giữa Nga và Triều Tiên trong quý đầu năm 2017 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước lên 31,4 triệu USD. Theo Moscow, sự tăng trưởng này chủ yếu là từ việc tăng cường xuất khẩu dầu.
Ông Zhang Liangui, chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc nhận định, việc Nga tăng cường các kết nối với Triều Tiên là “đáng giá”.
“Nga rõ ràng đang hình thành một lớp vỏ bảo vệ Triều Tiên bằng lập trường đồng cảm với chương trình hạt nhân của nước này”, ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Zhang, dù Trung Quốc và Nga đều ủng hộ kế hoạch “đóng băng để đóng băng” với Triều Tiên, có nghĩa là Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa để đổi lấy việc Washington và Seoul dừng các hoạt động quân sự nhưng Moscow không nhấn mạnh mục tiêu hướng đến phi hạt nhân hóa.
Với những nỗ lực cứu vớt tình hình, Trung Quốc đã phái Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trịnh Trạch Quang tới Mỹ để đảm nhiệm nhiệm vụ “chữa cháy” với hy vọng có thể tháo ngòi nổ căng thẳng về vấn đề Triều Tiên và thương mại.
Ông Trịnh Trạch Quang, từng được kỳ vọng trở thành Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan và Matt Pottinger - người đứng đầu Cục vấn đề Châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận