Ông Trương Văn Phước |
Độc quyền nhưng chính sách phải minh bạch
Thưa ông, nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị định 24, chúng ta “được” và “mất” gì?
Cần nhớ lại rằng, thời điểm chúng ta bắt đầu thực hiện Nghị định 24, Việt Nam rơi vào bất ổn kinh tế vĩ mô, trong khi thế giới cũng đang khủng hoảng khiến thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái biến động lớn. Nghị định 24 ra đời đã thiết lập một khuôn khổ pháp lý để quản lý thị trường vàng: Chấm dứt huy động, cho vay; kiểm soát xuất nhập khẩu vàng; kiểm soát sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ... Và sau 5 năm thực hiện, đến nay, có thể nói, thị trường vàng, ngoại hối đã đạt được một số kết quả nhất định: Không còn biến động nhiều; tỷ giá hối đoái ổn định...
"Nếu người Việt Nam tin tưởng vào sức mạnh của đồng Việt Nam, vào giá trị đối nội, đối ngoại của đồng tiền này, thì người ta sẽ không tơ tưởng gì đến vàng, đến đồng ngoại tệ khác. Chúng ta phải biết, nền kinh tế của chúng ta, có những cơn ác mộng về lạm phát có lúc lên đến trên 700% vào những năm 1980. Song đến nay, đồng tiền Việt Nam đã và đang xác lập vị thế trong niềm tin của người dân. Đương nhiên, chúng ta cũng không nên lạm dụng lòng tin đó, mà phải tạo dựng một thị trường tài chính hoàn hảo để củng cố cho niềm tin đó vững chắc hơn. Và khi đó, người dân không phải đầu cơ vàng, ngoại tệ để mong có những cơn sốt trở lại". Ông Trương Văn Phước |
Tuy nhiên, thị trường trong 2 năm trở lại đây dấy lên câu chuyện: Vì sao chúng ta không xây dựng hành lang pháp lý để có thể huy động một nguồn lực trong dân rất lớn là vàng? Mặt khác, không mở cơ hội cho các tổ chức tín dụng (TCTD) kết nối với thị trường vàng thế giới thông qua hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản? Nhu cầu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp (DN) chế tác, kinh doanh, xuất khẩu rất cao, vậy có cách nào mở rộng nguồn cung cho họ... Và để xử lý những vấn đề này, cần phải sửa đổi Nghị định 24.
Theo ông có nên tiếp tục cấm các TCTD huy động, cho vay vàng hay mở có kiểm soát? Chúng ta nên làm như thế nào để huy động vàng trong dân, sử dụng nguồn lực này hiệu quả?
Thế giới xem vàng là một tài sản tài chính, giá cả theo cung - cầu và được niêm yết công khai, minh bạch. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải thêm một thời gian nữa để chúng ta có thể bỏ qua những ràng buộc mang tính chất hành chính như hiện nay với vàng và để thị trường này tự vận hành.
Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 xác định, Nhà nước sẽ độc quyền huy động vàng. Vấn đề đặt ra, là Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính có thể huy động hàng trăm tấn vàng trong dân dưới hình thức nào và sử dụng nguồn lực này ra sao? Theo tôi, nên để Bộ Tài chính phát hành trái phiếu, công trái về vàng - giống như chúng ta đã từng thực hiện những năm trước đây. Huy động rồi, chúng ta cũng không nhất thiết phải bán ra, mà có thể dùng nghiệp vụ tài chính để hoán đổi trên thị trường vàng thế giới như dùng thế chấp, cầm cố. Và nếu nguồn lực vàng trong dân của chúng ta được huy động tối đa (vài trăm tấn), chúng ta có thể cầm cố, vay được cả mấy chục tỷ USD.
NHNN có nhất thiết phải độc quyền huy động vàng cũng như độc quyền kinh doanh vàng tài khoản không? Bởi, nghiệp vụ này trước đây đã được nhiều TCTD thực hiện và họ ít nhiều có kinh nghiệm?
Cách nay 12 năm, NHNN đã cho một số TCTD, DN được kinh doanh vàng tài khoản, song trình độ quản lý và khả năng chống chọi với rủi ro của các tổ chức này còn nhiều bất cập nên 4-5 năm sau đó đã bị cấm.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 nói rằng, NHNN là cơ quan độc quyền kinh doanh vàng tài khoản, song tôi cảm nhận rằng như thế không có nghĩa NHNN nhảy vào kinh doanh. Nhưng điều đó cũng có nghĩa chúng ta chính thức thừa nhận nghiệp vụ này tồn tại, mở ra một cơ hội cho hoạt động này.
Chẳng hạn, thời gian đầu, chúng ta cho phép chỉ các ngân hàng thương mại (NHTM) được kinh doanh vàng tài khoản, vì sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý đến hàng trăm nghìn DN, hàng triệu người dân VN. Các NHTM phải kết nối với NHNN ở một trạng thái mở 100kg vàng mỗi ngày chẳng hạn. NHNN sẽ nắm được các hợp đồng với đối tác nước ngoài của họ, quản lý được rủi ro của họ.
Nay mai, trình độ phát triển của thị trường tài chính Việt Nam nâng lên, NHNN có thể cho phép các TCTD, DN, người dân kinh doanh vàng tài khoản và lúc đó chúng ta phải phát triển một thị trường vàng phát sinh với những công cụ bảo hiểm rủi ro.
Với những hoạt động kinh doanh đòi hỏi trình độ quản lý cao chúng ta hạn chế đã đành, song những nghiệp vụ đơn thuần như nhập khẩu, sản xuất vàng miếng mà vẫn do NHNN độc quyền, theo ông có hạn chế cơ hội kinh doanh?
Đó là một vấn đề. Trước đây, chúng ta đã cho phép các TCTD, DN nhập khẩu vàng miếng. Song thực tế, hoạt động này liên quan trực tiếp đến cung - cầu ngoại tệ. Mà liên quan đến ngoại tệ thì liên quan đến tỷ giá, liên quan đến kỳ vọng của thị trường về tỷ giá... Xét trong bối cảnh hiện nay, NHNN cứ phải độc quyền nhập khẩu vàng. Vì nếu không, với chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới, có thể đẩy cơn sốt ngoại tệ không đáng có và đó có thể là mầm mống tạo bất ổn kinh tế vĩ mô.
Vấn đề quan trọng, các chính sách của NHNN phải công khai, minh bạch và phải hạn chế đến mức tối thiểu các hình thức cấp phép. Cùng đó, chúng ta phải công bố các điều kiện: DN nào được tiếp cận vàng được nhập khẩu bởi NHNN, cách thức tiếp cận như thế nào để chi phí thấp nhất...
Thị trường vàng sau 5 năm thực hiện Nghị định 24 đến nay đã không còn biến động nhiều - Ảnh: Tạ Tôn |
Sợ rủi ro sẽ hạn chế nhiều cơ hội
Với một nền kinh tế thị trường và hội nhập, chúng ta phải chấp nhận cơ hội luôn đi kèm rủi ro. Quan điểm cái gì khó quản lý thì cấm, liệu còn phù hợp?
Kinh tế thị trường ở các nước như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đã phát triển mấy trăm năm, trong khi chúng ta còn non trẻ, nên phải hội nhập từng bước; lượng định doanh nghiệp, cá nhân tham gia thị trường chưa quán xuyến được thì tạm thời phải hạn chế phát triển ở một mức độ nào đó. Trong vài ba năm nữa, khi thị trường tài chính cũng như các thành viên phát triển hơn, chúng ta có thể đặt vấn đề đó một cách nghiêm túc trở lại.
Theo quy định, DN được huy động vốn kinh doanh nhưng nếu huy động vốn bằng vàng lại bị cấm. Vấn đề này nên được xử lý như thế nào để luật pháp không “đá” nhau và quan trọng hơn là không hạn chế cơ hội của DN, nhất là trong điều kiện nguồn cung vàng nguyên liệu thiếu hụt?
Khi NHNN yêu cầu các TCTD không được huy động vàng, thì chắc chắn các DN cũng không được huy động vàng và các cá nhân cũng vậy.
Dưới góc độ Luật Dân sự, chúng ta cho phép các các tổ chức, cá nhân có thể hùn hạp, góp vốn làm ăn với nhau, lời ăn lỗ chịu. Thì đây cũng là một vấn đề mà Bộ Tư pháp và NHNN cần làm việc chặt chẽ hơn để lựa chọn một phương án phù hợp, đảm bảo hai vấn đề: Thứ nhất không gây rủi ro khi các tổ chức, cá nhân huy động rất nhiều vàng giống như nước hoa Thanh Hương, Nguyễn Văn Mười Hai những năm trước. Nhưng mặt khác cũng phải đảm bảo cho các nhu cầu rất chính đáng, đem lại lợi ích cho DN, cho đất nước, đó là có thể tiếp cận nguyên liệu vàng để chế biến ra các vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ kinh doanh, xuất khẩu.
Sau một thời gian kéo gần chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới, khoảng cách này hiện nay lại rộng ra, vấn đề này có cách nào giải quyết? Bởi, khi thị trường phản ánh đúng cung - cầu, giá cả, người dân có thể thoải mái mua khi cần và bán khi muốn - ở mức giá hợp lý thì sẽ góp phần giảm tâm lý giữ vàng?
Chênh lệch giá vàng, bao nhiêu là vừa, bao nhiêu là quá, câu chuyện đó hết sức tương đối. Ta nói đến chênh lệch giá vàng, ta có nói đến chênh lệch văn minh của những nền kinh tế, văn hóa không? Cho nên, tất cả các quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa vẫn phải thiết lập hàng rào kỹ thuật để bảo vệ lợi thế quốc gia họ.
Tôi nghĩ rằng, Chính phủ 2 năm nay đã làm rất tốt trong kiến tạo môi trường, khuôn khổ pháp lý cho người dân, DN. Còn chênh lệch giá vàng, hãy để cho thị trường cảm nhận, quyết định, như lời của Lê-nin: “Hãy để người dân Xô Viết suy nghĩ trên cánh đồng lúa mỳ của mình”. Vấn đề, những người làm chính sách phải luôn luôn lắng nghe nhưng đừng lâu lâu mới hiểu.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận