ĐB Nguyễn Minh Sơn lo ngại với bộ máy hành chính cồng kềnh, ngân sách dù có là “nồi cơm Thạch Sanh” cũng khó bao bọc nổi |
Sáng nay (30/10), Quốc hội thảo luận Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Lượng công chức quá lớn
ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu tình trạng văn bản quy phạm pháp luận về nội dung chuyên môn “lấn sân” văn bản quy định tổ chức bộ máy, thành lập một loạt tổ chức bộ máy mới từ Trung ương đến địa phương.
Dẫn ví dụ Nghị định 55 của Chính phủ về thành lập các tổ chức pháp chế, nữ đại biểu chỉ rõ các Bộ ngành đã thành lập Cục pháp chế, còn ở cấp tỉnh, thành thành lập tới 291 phòng pháp chế với tổng biên chế kiêm nhiệm và chuyên trách lên đến hàng nghìn người.
“Tôi không nói việc thành lập cơ quan trên là sai, tuy nhiên, cách thức thành lập như vậy không kiểm soát được tổng thể tổ chức bộ máy hành chính, gián tiếp tăng đầu mối, tăng biên chế” – nữ ĐBQH phân tích.
ĐB chỉ ra, qua báo cáo của Chính thì hiện nay chỉ có 2/22 vụ không tổ chức phòng trong vụ. Hiện nay số phòng trong Vụ tuy giảm nhưng còn 681 phòng, trung bình mỗi vụ có 4 phòng, có vụ đến 7 phòng. Điều này tạo tầng nấc, khó phối hợp trong giải quyết công việc cũng như gây nên tình trạng số lượng lãnh đạo nhiều hơn công chức.
Phân tích về nguyên nhân của việc biên chế phình to, ĐB Phương Hoa lưu ý việc bộ ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm về tinh giản biên chế, đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu chưa cao.
“Đề nghị xử lý nghiêm người đứng đầu làm không đúng quy định, không đạt mục tiêu về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy” – nữ ĐB đề nghị.
ĐB tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương nhắc lại, ông từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ vì sao său 5 năm thực hiện nhưng biên chế không giảm, cục, vụ, viện vẫn tăng lên; nhiều Bộ có số lượng Thứ trưởng vượt quá quy định, gây gánh nặng tiền lương. “Bộ trưởng có nêu một giải trình là “quýt làm cam chịu”- ông Nguyễn Ngọc Phương cho biết.
“Trung ương làm được thì tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được, cấp xã phường và sở ngành cũng thế, từ đó cấp phó tăng nhanh, không chỉ cơ quan Nhà nước mà cả cơ quan Đảng, thậm chí có phòng ban lãnh đạo không nhân viên nhưng trong thời gian dài không cơ quan nào bị nhắc nhở, phê bình” – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình băn khoăn và cho biết chưa có quy định cụ thể nào ràng buộc như bao nhiêu biên chế thì có cấp phó, điều kiện thế nào thành lập được vụ, viện...
“Cơ cấu tổ chức tạo nên một số lượng cán bộ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Hiện nay có 31/63 tỉnh, thành sử dụng vượt hàng nghìn biên chế. So với nhiều nước thì công chức chúng ta quá lớn!” – ông dẫn chứng và kiến nghị cần có lộ trình tinh giản biên chế, có những bộ phận phải giảm ngay số lượng cấp phó. Còn về sáp nhập đầu mối thì phải cẩn thận vì chúng ta đã có bài học trong việc “nhập – tách”. Cùng với đó là có chế tài xử lý nghiêm sai phạm, tránh nể nang.
Ngân sách không bao bọc nổi bộ máy
ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đánh giá chất lượng đội ngũ làm việc trong bộ máy hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu. “Với hơn 2 triệu cán bộ công chức, viên chức trong số 8 triệu người ăn lương, hằng năm ngân sách phải chi lượng tiền lớn để trả lương nhưng hiệu quả làm việc chưa cao”, ông nhận xét.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) lo ngại với bộ máy hành chính cồng kềnh, ngân sách dù có là “nồi cơm Thạch Sanh” cũng khó bao bọc nổi. Tuy nhiên, theo ông, không đơn thuần tăng đầu mối là tăng biên chế, hay nhập tổ chức sẽ giúp giảm người ăn lương.
"Việc tách hay nhập phải phụ thuộc vào tình hình thực tế. Vấn đề là tính toán tổng thể để tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy với tinh thần không khoan nhượng", ông nói.
Nữ ĐB Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thuý nêu tình trạng cấp trên ôm đồm, bao biện còn cấp dưới đùn đẩy công việc dẫn tới “quá tải, ách tắc, thắt cổ chai”.
Theo nữ ĐBQH, thói quen xin ý kiến cấp trên làm chính quyền T.Ư quá tải, vấn đề phát sinh ở cơ sở chậm giải quyết, xử lý; cơ chế xin cho làm phát sinh tệ nạn tham nhũng; quy định trách nhiệm không rõ ràng, mỗi khi phát sinh khuyết điểm là cấp dưới đổ lên trên và ngược lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận