Hiện trường nơi xảy ra vụ xô xát giữa 2 làng Nhân Phúc và Thanh Nga năm 1992 |
Bản tự thú giả nêu những chi tiết không có thật; Tòa án xét xử nhưng không triệu tập và không cho 21 bị hại vào dự; Bị cáo không có mặt tại hiện trường và có bằng chứng ngoại phạm... là những sai sót làm sai lệch bản chất vụ án.
Đó là những sai sót nghiêm trọng được ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh chỉ ra sau khi dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu hồ sơ vụ án và đối chiếu với từng quy định trong các văn bản pháp luật.
Không ở hiện trường vẫn bị coi là hung thủ
Nghiên cứu hồ sơ vụ án, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cũng chỉ ra điểm vô lý: Khi cán bộ sỹ quan quân đội trực tiếp quản lý Trần Ngọc Thanh từ những ngày mới nhập ngũ xác nhận, Thanh không tự thú, khai báo gì nhưng hồ sơ sau khi bị dàn dựng, ép cung lại quy tội cho Thanh là viết bản tự thú trong đơn vị quân đội (?).
Bản tự thú giả được dàn dựng nêu một chi tiết rất vô lý cho rằng, Thanh tự thú khai “bố mất sớm, mẹ già yếu”, nhưng thực tế cho đến thời điểm hiện tại, bố Thanh là ông Trần Ngọc Thông vẫn còn sống và tiếp tục kêu oan cho con, còn mẹ Thanh khi ấy mới ngoài 40 tuổi nên không thể có chuyện già yếu… Thứ hai, trong khi xảy ra vụ xô xát, Thanh không có mặt ngoài hiện trường và có bằng chứng ngoại phạm nhưng không được tòa xem xét. Tại phiên xét xử công khai, nhiều người tố cáo bị ép cung, mớm cung, phải khai nhìn thấy Thanh có mặt tại hiện trường. Sau đó, chính những người này hủy bỏ lời khai và khẳng định, không thấy Thanh ở hiện trường, nhưng không được xem xét.
Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng đã ra quyết định khởi tố, truy nã một người làng Thanh Nga tên Trần Văn Cự về tội “Giết người” và “Tàng trữ vũ khí trái phép”, nhưng khi bắt được Cự lại chuyển tội danh thành “Gây rối trật tự công cộng”. Tòa án xét xử nhưng lại không triệu tập và không cho 21 người bị thương (bị hại) vào dự làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền của người bị hại, vi phạm nguyên tắc xét xử công khai… Trước và sau khi xét xử, Thanh đều kêu oan và khiếu nại với HĐXX về việc bị đe doạ, đánh đập khi hỏi cung khiến Thanh phải ký vào các bản do cán bộ điều tra viết sẵn, nhưng HĐXX hoàn toàn không xem xét đến các yếu tố này.
Có lý nào ném lựu đạn vào dân làng mình?
Với trường hợp của Trần Văn Vót, bà Khánh cho rằng, trong Bản án sơ thẩm số 37/HS/ST ngày 23, 24, 25, 26/2/1994 của TAND tỉnh Hà Nam và Bản án hình sự số 1030 ngày 25, 26, 27/8/1994 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao có nhiều tình tiết được dàn dựng dẫn tới việc kết án oan cho ông Vót.
Trần Ngọc Thanh sau khi ra tù vẫn khẳng định rằng, mình nhận tội do bị ép cung |
Bà Khánh cũng đặt câu hỏi về việc, vụ xô xát xảy ra giữa dân thôn Nhân Phúc và thôn Thanh Nga, trong khi đó, cả ông Vót và Thanh đều là người làng Nhân Phúc, vậy nếu ném lựu đạn thì đương nhiên hai người phải ném về phía làng Thanh Nga chứ vì sao lại ném về phía dân làng Nhân Phúc của mình?
Sau khi vụ việc xảy ra, tất cả những người bị hại và gia đình các bị hại đều cho rằng, hai người bị kết án không phải là hung thủ chính, vì vậy mà trong suốt 24 năm qua, họ vẫn một mực theo đuổi việc kêu oan cho các bị cáo. “Điển hình là cụ Trần Văn Điền (cha của nạn nhân đã chết Trần Hoa Việt) trong mấy chục năm qua đã không quản ngại đi khắp các nơi kêu oan cho những người bị cho là hung thủ giết con trai ông. Liệu có bao giờ có chuyện một người cha đi kêu oan cho những hung thủ thực sự giết con mình hay không?”, bà Khánh đặt câu hỏi.
Lo ông Vót chết trước khi được minh oan
Trước ĐB Trần Thị Quốc Khánh, GS.TS. Nguyễn Lân Dũng, nguyên ĐBQH các khóa X, XI, XII là người đầu tiên có đơn kiến nghị gửi các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đề nghị xem xét, làm rõ vụ án oan sai này. Tất cả những đơn kiến nghị GS. Nguyễn Lân Dũng gửi đi đều nhận được thư phản hồi của các lãnh đạo cấp cao, theo đó yêu cầu TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Công an xem xét, làm rõ vụ án. “Nhưng điều khiến tôi và dư luận vô cùng bức xúc, đó là chính các cơ quan có thẩm quyền nêu trên lại gần như im lặng hoàn toàn trước vụ việc, để người dân cứ mãi kêu oan trong vô vọng”, GS. Dũng nói.
Việc kết án oan đã đưa một cựu chiến binh có công với nước (ông Trần Văn Vót) và một thanh niên mới trưởng thành, vừa nhập ngũ (Trần Ngọc Thanh) vào vòng tù tội oan sai từ 15 năm đến mức chung thân trong suốt 24 năm. Vụ án cũng gây ra nhiều hậu quả đau khổ, mất mát to lớn đối với các gia đình có người bị kết án oan sai. Dư luận, nhân dân địa phương đang rất bất bình, hoang mang, mất lòng tin vào cơ quan pháp luật trong việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án này”.ĐBQH Trần ThịQuốc Khánh |
Ông cũng chia sẻ, trước đó, khi biết đến vụ án này, ông đã gặp vợ con và gia đình ông Trần Văn Vót rất nhiều lần, chứng kiến hoàn cảnh gia đình họ vô cùng khó khăn. Bản thân ông Vót ở trong tù bị bệnh lao kháng thuốc nặng nên sức khoẻ rất yếu, mắt mờ, tai điếc, thân hình cũng chỉ còn da bọc xương. Trước hoàn cảnh ấy, GS. Dũng đã viết các đơn thư khẩn cấp để yêu cầu làm rõ vụ án trước khi ông Vót chết vì bệnh tật.
“Mới đây, tôi có nghe việc TAND Tối cao sẽ có một cuộc họp để xem xét vụ án, nhưng cái tôi lo nhất là họ chỉ xem xét lại hồ sơ mà không cho điều tra lại, nếu thế thì các cơ quan tố tụng vẫn sẽ khẳng định, hồ sơ họ làm là đúng thôi. Họ nói, nếu ông Vót chịu nhận tội họ sẽ thả ra ngay, nhưng ông Vót nói với gia đình rằng, nếu ông chết thì mang xương về chôn, chứ ông không có tội thì sẽ không bao giờ nhận tội. Tôi lo nhất là ông Vót sẽ chết trước khi được minh oan”, GS. Dũng chia sẻ.
(Còn tiếp)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận