Làm báo cùng Giao thông

Nghịch lý hàng loạt trẻ mắc bệnh… xã hội

22/07/2017, 09:08

Nếu bệnh nhi bị lây nhiễm những căn bệnh có thể dẫn đến tử vong, thảm họa y tế này, ai gánh chịu?

10

Một trẻ mắc bệnh sùi mào gà đang được điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương - Ảnh: NLD

Phải đến khi BV Da liễu T.Ư chính thức báo cáo lên Bộ Y tế về việc gần 100 cháu nhỏ ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bị sùi mào gà - căn bệnh xã hội thường lây truyền qua đường tình dục - vào điều trị trong thời gian ngắn là rất bất thường, mọi người mới giật mình vì chất lượng chăm sóc sức khỏe cơ sở.

Bởi, theo hồ sơ của các bệnh nhi bị sùi mào gà điều trị tại BV Da liễu T.Ư, tất cả các cháu từng được can thiệp y tế tại phòng khám tư của bà Hoàng Thị Hiền ở thôn 5, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu.

Theo bà Đỗ Thị Mây, bà ngoại của cháu Đỗ Văn Đ. - bệnh nhi bị nặng nhất đang nằm điều trị tại BV Da liễu T.Ư thì ở quê bà, trẻ cứ bị bệnh là các gia đình mang đến bà Hiền điều trị, từ đau bụng đi ngoài đến ho hen, sốt nóng, cắt bao quy đầu… vì sợ ra bệnh viện sẽ mất ngày, mất buổi.

Khi chúng tôi hỏi vì sao nhiều trẻ ở Khoái Châu phải cắt/nong bao quy đầu thế, bà Mây cho biết: “Trẻ cứ đến khám là bà Hiền đều xem “chim” hộ và bảo phải nong hoặc cắt bao quy đầu, nếu không lớn lên bị u xơ tiền liệt tuyến, không có con. Vì thế, nhà nào cũng rất lo sợ nên đều đồng ý để bà Hiền xử lý”.

Vài năm trước, cháu nội bà Mây cũng từng được bà Hiền “chỉ định” cắt bao quy đầu, nhưng may không bị sao.

Ngày 20/7, PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó giám đốc BV Da liễu T.Ư cho biết, khi tiếp nhận điều trị cho trẻ, bệnh viện đã yêu cầu bố mẹ và người chăm sóc phải xét nghiệm để xem có sự lây truyền từ gia đình hay không, kết quả cho thấy bố mẹ các bệnh nhi đều khỏe mạnh.

Trong khi đó, các bé lại có điểm chung là từng can thiệp y tế ở phòng khám của bà Hiền. Như vậy, rất có thể các bé bị lây do các dụng cụ y tế không được vô khuẩn.

Vụ việc hàng chục cháu bị bệnh sùi mào gà bất ngờ làm lộ ra nhiều điều trong công tác quản lý ở cả ngành y tế địa phương lẫn chính quyền cơ sở. Một phòng khám tư không có giấy phép, dĩ nhiên không đủ các điều kiện để hoạt động, mà vẫn tồn tại nhiều năm như giữa chốn không người.

Mặc dù năm 2016, Phòng Y tế huyện Khoái Châu đã yêu cầu dừng hoạt động nhưng cơ sở này vẫn tiếp tục mà chẳng bị sao cho đến ngày vụ việc gần trăm bé bị sùi mào gà vỡ lở. Và đến tận ngày 17/7, khi báo chí lên tiếng, phòng khám mới chịu đóng cửa.

Việc truy mối liên quan giữa cơ sở này với nguồn lây của các cháu sẽ không dễ dàng, khi chứng từ sổ sách, dụng cụ y tế đều không được xử lý, quản lý đúng quy định. Nếu việc kiểm tra, xử lý được làm đúng, chắc chắn sẽ không có hậu quả đau lòng của hàng loạt gia đình như hôm nay. Không chỉ là sức khỏe hiện tại, mà còn là tương lai các bé, đặc biệt là sức khỏe tâm lý vì ảnh hưởng của căn bệnh không phải ngày một ngày hai.

Một câu hỏi được đặt ra là chất lượng của y tế công ở địa phương ra sao, khiến người dân đã không tìm đến khi con cái bị bệnh, mà lại đến phòng khám chui của bà Hiền? Chính vì vậy, số trẻ bị mắc bệnh sùi mào gà đông đến bất thường mà y tế cơ sở hoàn toàn không biết. Không hiểu các nhân viên trạm y tế xã theo dõi sức khỏe người dân kiểu gì? Rồi cháu bé nào đến khám cũng bị bà Hiền “chỉ định” là hẹp bao quy đầu trong suốt thời gian dài, mà y tế cơ sở không nắm được?

Nếu các bệnh nhi bị lây nhiễm những căn bệnh xã hội có thể dẫn đến tử vong, thì thảm họa y tế này, ai gánh chịu? 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.