Thời sự

Nghiêm túc cấm biển đến khi bão tan

26/12/2017, 08:50

Đây là tinh thần chỉ đạo được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra khi kiểm tra công tác ứng phó bão Tembin.

4

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác ứng phó bão số 16 tại biển Bạc Liêu - Ảnh: Gia Minh

Lãnh đạo các tỉnh không được chủ quan

Đánh giá cao công tác chủ động ứng phó với bão số 16 của tỉnh Bạc Liêu, tuy nhiên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu không được chủ quan, trong đó bảo đảm tính mạng người dân là ưu tiên số 1 và khi bão vào, những nơi người dân cần giúp đỡ phải cử lực lượng hỗ trợ ngay.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra công tác ứng phó với bão Tembin tại cửa biển Sông Đốc, thị trấn Trần Văn Thời (Cà Mau) và sau đó có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau.

“Tôi đề nghị tiếp tục quyết liệt giữ nguyên tinh thần không chủ quan, chủ động, không để xảy ra điều bất ngờ. Chúng ta phải chủ động trên mọi tình huống về phương tiện, lực lượng nhằm chỉ huy ứng phó mọi tình huống. Mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, tài sản cho Nhà nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc cấm biển báo hiệu trên biển cho đến khi bão tan. Đồng thời, rà soát lại việc tránh trú của tàu trên biển của các địa phương khác nói chung, Cà Mau nói riêng.

Đối với các hộ dân sinh sống ven biển, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh cần phải sơ tán triệt để, đưa đến nơi an toàn và đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó và tìm kiếm cứu nạn cùng các Bộ, ngành, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lực lượng vũ trang và quân đội phải giữ vai trò nồng cốt, chủ lực sẵn sàng ứng phó hỗ trợ địa phương, giúp đỡ người dân. Song song đó, các đơn vị cần tiếp tục theo dõi kỹ diễn biến của bão.

Nhiều tàu không vào bờ tránh bão vì sợ thuyền viên bỏ trốn

Chiều 25/12, ông Mai Văn Huỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, sau thời gian vận động cùng sự kiên quyết của lực lượng chức năng, tất cả 18 tàu thuyền neo đậu ngoài khơi cửa biển Xẻo Nhàu (huyện An Minh, Kiên Giang) đã chịu vào bờ tránh bão. 

Theo các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang, trưa cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã phát hiện các tàu này vẫn neo đậu ngoài khơi và đã đến vận động. Tuy nhiên, các chủ tàu viện nhiều lý do, không chịu vào khiến các cơ quan chức năng phải tính tới phương án cưỡng chế, kéo tàu vào bên trong cảng cá Xẻo Nhàu neo đậu. Tương tự, tại huyện đảo Kiên Hải, nhiều tàu cá ở khác tỉnh khác cũng neo đậu ngoài khơi bất chấp sự cảnh báo của các cơ quan chức năng. Trước tình trạng này, trưa cùng ngày, lực lượng công an, biên phòng phải dùng tàu chuyên dụng ra tận nơi thuyết phục, yêu cầu các chủ tàu vào nơi neo đậu và đưa toàn bộ ngư phủ lên bờ đảm bảo an toàn… 

Còn tại Bến Tre, Đồn biên phòng Hàm Luông, Hải đội Biên phòng 2 (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bến Tre) phối hợp Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Bến Tre đi kiểm tra và phát hiện hơn 120 tàu, ghe đánh cá đang neo đậu giữa sông Hàm Luông và khu vực gần bờ. Ngay sau đó, đoàn kiểm tra đã vận động, giải thích và yêu cầu các chủ tàu đưa phương tiện vào bờ trú bão. 

Theo giải thích của các chủ tàu này, nguyên nhân họ ngại đưa tàu vào bờ là lo sợ thuyền viên trốn bởi trước đó, các thuyền viên này đã nhận tiền cọc của các chủ tàu trước khi xuất bến đi đánh bắt dài ngày.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, lúc 18h tối 25/12 tại một số khu vực của TP HCM có mưa rải rác, mưa vừa; khu vực Q.9 và Q.2 mưa bắt đầu nặng hạt.

Tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau mưa trên diện rộng. Đặc biệt, tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang mưa lớn.

Lúc 18h30 cùng ngày, trao đổi với PV qua điện thoại, một lãnh đạo huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, gió đang mạnh cấp 7-8 và có mưa nặng hạt. Lượng khách du lịch đang kẹt tại Côn Đảo được chính quyền địa phương bố trí ở những nơi an toàn.

T.Bình - H.Ngân

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.