Chất lượng sống

Ngôi chùa không sư và khởi nguồn lời Bác dạy Công an nhân dân

17/03/2018, 07:09

6 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh răn dạy về tư cách người Công an cách mệnh cách đây 70 năm...

18

Các cán bộ chiến sĩ báo công dâng Bác tại Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân

“Địa chỉ đỏ” của nhiều cán bộ cách mạng

Những ngày đầu Xuân Mậu Tuất, chúng tôi tìm về chùa Tứ Giáp, thôn Chùa Nguộn, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, nơi khởi nguồn, ghi dấu sự kiện lịch sử khi Thiếu tướng Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII (nay là các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh) tiếp nhận lá thư của Bác Hồ, trong đó Người dạy 6 điều về tư cách người CAND vào ngày 11/3/1948.

Đây là ngôi chùa đặc biệt vì không có nhà sư. Người trông nom, hương khói cho ngôi chùa hàng ngày là cụ từ Nguyễn Đức Cư năm nay đã 83 tuổi cùng với một “ban quản lý” với những cán bộ địa phương đã về hưu.

Dẫn chúng tôi vào chùa, cụ Nguyễn Đức Cư kể lại, năm 1947, chùa Tứ Giáp bị thực dân Pháp bắn phá nhiều lần. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, một số lãnh đạo cấp cao của Trung ương, tỉnh Bắc Giang như đồng chí Hà Thị Quế, Nguyễn Trọng Tỉnh... thường xuyên về chùa để tổ chức các buổi mít tinh tuyên truyền cách mạng, in ấn tài liệu, hội họp bàn kế đánh giặc. Công an Khu XII cũng về đây đặt trụ sở làm việc.

Ngày 11/3, tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ có 6 điều dạy CAND, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, biểu dương Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã khẩn trương xây dựng và khánh thành Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy CAND đúng dịp kỷ niệm ngay tại địa danh lịch sử, nơi lần đầu tiên lực lượng CAND đón nhận 6 điều Bác Hồ dạy. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, lực lượng CAND không ngừng sáng tạo, đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”.

Cụ Cư kể: “Hồi ấy, bố tôi là Nguyễn Văn Ứng khi đó là cán bộ xã. Ông thường xuyên đến chùa, nhưng tôi không biết ông làm gì và ở đây có những ai. Ông chỉ dặn nếu có ai hỏi đều phải im lặng hoặc trả lời không biết. Chúng tôi cứ thế mà thực hiện. Mãi sau này khi lớn lên, được bố kể, tôi mới biết ngôi chùa là nơi nuôi giấu cán bộ Cách mạng và nơi khởi nguồn 6 điều Bác Hồ dạy CAND”.

Tiếp tục dẫn chúng tôi vào nơi thờ Phật, cụ Cư tỉ mẩn chỉ cho chúng tôi những vết tích chiến tranh còn hằn sâu trên những cây cột trong chùa sau khi bị địch oanh tạc nhiều lần.

Cụ Cư cho biết thêm, vùng đất này trước đây là vùng đất tự do, thưa dân, xung quanh là núi đồi và cây cối um tùm. Phía sau chùa có lối thoát lên rừng… nên ngôi chùa là “địa chỉ đỏ” của nhiều cán bộ hoạt động Cách mạng.

“Tại ngôi chùa này, tờ báo Bạn dân - nội san của Công an Khu XII được ra đời. Khi số báo đầu tiên còn thơm mùi mực, Thiếu tướng Hoàng Mai đã gửi báo tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và chỉ ít ngày sau, Bác Hồ gửi thư trở lại, trong thư có 6 nội dung nói về “Tư cách người Công an cách mệnh”. Lời dạy của Bác Hồ ngay sau đó đã được in trên Báo Bạn dân và được lan tỏa trong toàn bộ cán bộ, chiến sỹ của lực lượng CAND”, cụ Cư kể.

Trong thư của Bác có đoạn viết: “…Trên báo cần làm cho anh chị em Công an nhận rõ, Công an ta là Công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào dân thì làm việc gì cũng xong”.

Nội dung thư đã nêu bật sáu nội dung về “Tư cách người Công an Cách mệnh”: Đối với tự mình: Phải cần kiệm liêm chính; Đối với đồng sự: Phải thân ái giúp đỡ; Đối với Chính phủ: Phải tuyệt đối trung thành; Đối với nhân dân: Phải kính trọng lễ phép; Đối với công việc: Phải tận tụy; Đối với địch: Phải cương quyết khôn khéo.

Kể về lịch sử địa phương, bà Dương Thị Lương (69 tuổi, người trong ban quản lý chùa) cho biết: “Theo lời các cụ trong làng, những năm kháng chiến chống Pháp, làng chùa Nguộn có nhiều người lạ về sống cùng dân và giúp đỡ bà con cày cấy nhưng lại có nhiều hoạt động bí mật. Họ mặc thường phục, xây dựng các “ụ trú” ngay trong sân vườn.

Cũng theo lời các cụ, thời điểm cách mạng, những đứa trẻ nhà ở sát chùa Tứ Giáp thường xuyên lân la đến chùa. Phong trào cách mạng ở địa phương hồi đó rất mạnh, nhiều người được tham gia vào Đội Thiếu niên Cành Sung. Chiều Mạc Tư Khoa, Anh Kim Đồng… là những bài hát mà các cụ trong làng được các cán bộ công an dạy cho.

Thấm nhuần ý nghĩa lịch sử lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với CAND, người dân thị trấn Nhã Nam bằng những hành động thiết thực đã góp phần tô thắm thêm giá trị, tư tưởng của Người trong việc thực hiện nếp sống văn hóa dân cư. Năm 2010, người dân thôn Tiến Trại, thị trấn Nhã Nam thông qua chính quyền địa phương đã quyên góp tiền của, công sức, cùng chung tay xây dựng Nhà thờ Bác Hồ ngay trong thôn (cách chùa Tứ Giáp khoảng 500m) để tưởng nhớ công lao to lớn của Người.

19

Chùa Tứ Giáp

“Đất mẹ” thành biểu tượng lịch sử

Nhằm tôn vinh sự quan tâm, tình cảm đặc biệt của Bác dành cho lực lượng CAND và phát huy giá trị giáo dục tư tưởng cách mạng cho thế hệ sau, Bộ Công an đã quyết định xây dựng Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy CAND tại thôn Chùa Nguộn, thị trấn Nhã Nam. Tháng 8/2017, công trình chính thức được động thổ và thi công.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng thôn Chùa Nguộn cho biết: “Vị trí đất xây dựng khu lưu niệm có tổng diện tích 3ha là đất ruộng và đất thổ cư với 5 hộ gia đình sinh sống. Sau khi nhận được thông tin dự án xây dựng Khu lưu niệm 6 điều Bác hồ dạy CAND, các hộ gia đình có đất trong dự án dù chưa có chỗ ở đã tự động di dời để phục vụ công trình. Với người dân nơi đây, mỗi ngày được nhìn thấy tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là vinh dự, niềm tự hào to lớn.

Theo ông Trường, thôn cũng đã sẵn sàng phá bỏ nhà văn hóa để giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công dù chưa có đất để xây dựng nhà văn hóa mới. Tuy nhiên, khi công trình hoàn thiện, không chỉ là nơi lưu niệm, tôn vinh giá trị cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho con em địa phương.

20

Cụ Nguyễn Đức Cư

Anh Tuấn, thôn Cầu Thượng, thị trấn Nhã Nam đã tham gia công việc tại công trường gần 3 tháng nay phấn khởi cho biết, vợ chồng anh cùng bà con trong thôn và các thôn lân cận đều tình nguyện tham gia làm việc tại công trường. Từ 20 tháng Chạp đến nay, vợ chồng anh thức dậy từ 4h sáng và thường kết thúc công việc vào 20h hàng ngày. Nhà gần, đi khoảng hơn 200m là đến công trường nên vợ chồng anh thường là người đến sớm nhất và về muộn nhất.

“Được tham gia thi công công trình ý nghĩa tại quê hương nên tôi và bà con trong thị trấn Nhã Nam rất hào hứng. Hầu hết các tốp thợ đều cảm nhận được ý nghĩa của công trình, họ đều cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc của mình”, anh Tuấn cho hay.

Một người thợ cũng chia sẻ: “Gắn bó với công trình 4 tháng nay, hôm nay phải chuẩn bị đồ nghề để về quê Bình Định cũng thấy lưu luyến. Hy vọng với những viên đá ốp sân của khu lưu niệm do chính tay chúng tôi làm nên sẽ luôn bền vững và góp phần tô đẹp cho biểu tượng lịch sử”.

Sau 7 tháng thi công, quang cảnh, cảnh vật khu tưởng niệm đã cơ bản hoàn thành. Tượng Bác Hồ sừng sững với thần thái, phong cách giản dị, gần gũi được làm bằng chất liệu đồng nổi bật giữa khu lưu niệm. Phía sau tượng Bác là tấm phù điêu dài 50m, được làm bằng đá xanh Thanh Hóa, chạm khắc tỉ mỉ, mang kiểu dáng của 9 ngọn núi cách điệu, gợi sự liên tưởng về một căn cứ địa cách mạng hùng vĩ. Trải dài khu lưu niệm là sân hành lễ, nhà trưng bày, nhà quản lý đón tiếp, trạm điện, bãi để xe, đường vào khu lưu niệm, hạng mục cây xanh, hồ nước…

Chiêm ngưỡng khu lưu niệm, bà Nguyễn Thị Canh, thị trấn Nhã Nam xúc động: “Không ngờ mảnh đất quê nghèo lại có khu tưởng niệm Bác Hồ trang trọng, đẹp đẽ thế này. Cội nguồn cách mạng đã được tô điểm, quan tâm tức để giáo dục cho con cháu sau này”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.