Tư vấn cho người đến làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp |
Chỉ 1,1% có nhu cầu đào tạo nghề
Đây là tháng thứ hai chị Xuân Hương (trú tại Nam Thăng Long, Hà Nội) đến Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội khai báo để nhận trợ cấp TN. Chị Hương cho biết, sau 6 tháng nghỉ thai sản, quay lại cơ quan cũ, vị trí của chị đã có người thay thế. Với hơn 4 năm làm kế toán cho công ty Nokia, đều đặn đóng BHTN, chị Hương được hưởng 6 tháng trợ cấp TN, mỗi tháng 2 triệu đồng. “Tôi không cần hỗ trợ học nghề vì đã có bằng cấp đầy đủ. Đằng nào cũng TN, con còn nhỏ nên tôi hưởng hết chế độ bảo hiểm TN rồi tìm việc mới”, chị Hương chia sẻ.
Còn với chị Thùy Linh (SN 1991, nguyên là nhân viên cho lãnh sự Mỹ), sau hai năm công tác, vì lãnh sự cơ cấu, sắp xếp lại nhân sự, nên người mới như chị Linh bị nghỉ việc. Ba tháng trợ cấp với 6 triệu đồng/tháng là số tiền chị được hưởng từ quỹ bảo hiểm TN. “Em không muốn học nghề. Em cũng đã nộp đơn xin việc nhưng Trung tâm chưa giới thiệu việc làm mới cho em”, chị Linh nói.
"Từ tháng 10/2014, Hà Nội bắt đầu áp dụng mức trợ cấp học nghề mới, tăng gấp ba lần so với trước đây, hy vọng sẽ thu hút người lao động TN tham gia học để có điều kiện tốt hơn trong chuyển đổi nghề, kiếm việc làm”. Bà Đậu Thị Hiền Trưởng phòng Đào tạo nghề Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở LĐ,TB&XH Hà Nội) |
Theo bà Nguyễn Kim Hoa, Trưởng phòng Bảo hiểm TN, Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở LĐ, TB&XH Hà Nội), tỷ lệ người hưởng trợ cấp TN đang gia tăng trong bốn năm trở lại đây. Nếu năm 2009 có khoảng 4 nghìn người hưởng trợ cấp TN thì đến năm 2011 là 14 nghìn người, năm 2013 là 27 nghìn người và 11 tháng năm 2014 là 30 nghìn người.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 4,6% người TN tham gia hỗ trợ học nghề hoặc tìm được việc qua giới thiệu của Trung tâm. Như 11 tháng qua, có hơn 30 nghìn người hưởng trợ cấp TN nhưng Trung tâm chỉ giới thiệu thành công việc làm cho 1.100 người và đào tạo lại nghề cho 340 người.
“Hầu hết người TN chỉ muốn nhận tiền trợ cấp và rất ít quan tâm đến giới thiệu việc làm miễn phí hoặc được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi việc làm”, bà Hoa cho biết.
Bà Đậu Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo nghề của Trung tâm thì cho rằng, việc người TN ít lựa chọn đào tạo nghề một phần là do giai đoạn trước, tiền trợ cấp cho học nghề rất thấp, học viên thường phải đóng bù. Bên cạnh đó, các ngành nghề đào tạo chủ yếu hợp với lao động phổ thông, như nấu ăn, pha chế đồ uống, sửa chữa xe máy, tin học văn phòng...
Sẽ không được nhận trợ cấp một lần
Từ đầu năm đến nay, trong tổng số 30.128 người được hưởng trợ cấp TN, có 21.628 người ở độ tuổi từ 24 – 45; 3.604 người trên 45 tuổi, còn lại là dưới 24 tuổi. 1.155 người được hưởng trợ cấp ở mức từ 6-9 triệu đồng/tháng và 1.388 người nhận trợ cấp hơn 9 triệu đồng/tháng.
Theo quy định hiện hành, người TN được hưởng trợ cấp khi đã đóng bảo hiểm TN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi TN, đã đăng ký TN với tổ chức BHXH, chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký TN… Trong thời gian hưởng trợ cấp, người TN có việc làm mới hoặc đi nghĩa vụ quân sự sẽ được giải quyết trợ cấp một lần (nhận nốt phần trợ cấp của những tháng còn lại).
Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc bảo hiểm TN chỉ bù đắp về thu nhập trong thời gian không có việc làm, tránh tình trạng bắt tay giữa DN và người lao động để trục lợi, từ 1/1/2015, khi Luật Việc làm chính thức có hiệu lực, người lao động ngay khi có việc làm mới sẽ không được nhận trợ cấp TN một lần nữa. Số tháng được hưởng bảo hiểm TN còn lại sẽ được bảo lưu thời gian đóng, để cộng dồn vào thời gian công tác sau này.
Ngoài ra, các Trung tâm giới thiệu việc làm cũng sẽ làm tốt hơn vai trò cầu nối giữa người TN với các DN có nhu cầu tuyển dụng, để người TN sớm có thể trở lại thị trường lao động.
Vũ Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận