Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tiếp tục trả lời chất vấn của các ĐBQH sáng 17/11 |
Sáng 17/11, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH.
Trả lời ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) về 3 tỷ USD "có đúng là chuyển tiền ra nước ngoài mua nhà hay không?", Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng không có cơ sở nào cho thấy đây là con số chuyển tiền mua nhà ở Mỹ. Ông cho biết, người Việt Nam định cư ở Mỹ nhưng chưa có quốc tịch Mỹ thì được tính là người Việt Nam.
Theo ông, hiện có 43 dự án bất động sản đầu tư ra nước ngoài, trong đó 17 dự án đầu tư vào Mỹ, chiếm 1/3 vốn đầu tư ra nước ngoài.
Thống đốc cho biết NHNN đã có cơ chế kiểm soát đầy đủ chuyển tiền ra nước ngoài, xử phạt hành chính trong chính sách vi phạm chuyển tiền ra nước ngoài...
Nợ xấu của ngư dân vay đóng tàu đang gia tăng
ĐB Nguyễn Hồng Vân. |
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) về tình hình triển khai Nghị định 67 cho ngư dân vay vốn đóng, nâng cấp tàu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết các ngân hàng thương mại đã ký cho vay đóng mới hơn 1.000 tàu, dư nợ đạt 9.300 tỷ đồng. 93% hồ sơ vay vốn của các chủ tàu đã được giải quyết. UBND các tỉnh, thành đã phê duyệt đóng mới 1.000 tàu.
Tuy nhiên, hiện nợ xấu đang có xu hướng gia tăng do nhiều chủ tàu không có nguồn thu trả nợ. Ông Hưng thông tin hiện có khoảng 50 khoản vay dư nợ trên 600 tỷ đồng đã quá hạn, 16 khoản vay đã thành nợ xấu.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Hưng là do tàu đóng mới không đảm bảo chất lượng, chủ tàu không đủ khả năng tiếp tục đóng mới, khai thác (do sức khỏe yếu hoặc qua đời, chưa có thủ tục chuyển nhượng tàu)... . Ngoài ra, một số nguyên nhân khách quan như kết quả khai thác hải sản cũng ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng trả nợ của chủ tàu, thời gian hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm còn tương đối ngắn, gây khó khăn cho ngân hàng.
Không để xảy ra đổ vỡ, mất kiểm soát
ĐB Tô Thị Bích Châu |
Đánh giá chính sách cho phép phá sản ngân hàng là biện pháp cần thiết trong nền kinh tế thị trường, tuy nhiên, ĐB Tô Thị Bích Châu (TP HCM) băn khoăn về mức chi trả rủi ro 75 triệu đồng. “Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khách hàng biết được mức độ rủi ro của từng ngân hàng khi đem tiền đi gửi? Phải chăng cứ đem tiền gửi vào các ông lớn thì sẽ yên tâm?", bà Vân chất vấn.
Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, trong bất cứ trường hợp nào thì các phương án xử lý các tổ chức tín dụng đều phải đảm bảo mục tiêu đầu tiên là an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, không để xảy ra tình trạng đổ vỡ, mất kiểm soát.
"Chúng tôi cũng đã kiến nghị ở dự thảo luật trình Quốc hội là trong tình huống đặc biệt cũng đều phải đảm bảo mục tiêu là đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống.
Thời gian tới, cùng với tăng cường cơ cấu lại và thanh tra, giám sát các ngân hàng thì chất lượng hoạt động của hệ thống sẽ đảm bảo mục tiêu an toàn và ổn định hơn", ông Hưng thông tin.
Theo ông, NHNN có các công cụ khác nhau để đánh giá thực trạng, kiểm soát tình hình để đảm bảo không có những đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. “Chúng tôi yêu cầu các tổ chức tín dụng phải công khai, minh bạch hoạt động của mình thông qua việc niêm yết trên thị trường vốn, thị trường chứng khoán, hàng năm công bố báo cáo kiểm toán. Đây là các thông tin phục vụ cho hoạt động của ngân hàng cũng như nhu cầu của nhà đầu tư, người gửi tiền", Thống đốc Ngân hàng khẳng định.
Không dùng ngân sách xử lý ngân hàng yếu kém
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) về Nghị định 100/2015 về cho vay nhà ở xã hội, ông Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 25 hướng dẫn thực hiện và chỉ định 4 ngân hàng cho vay.
Ông thừa nhận, đúng là đến nay việc cho vay chưa thực hiện được do ngân sách Nhà nước khó khăn. Hiện mới có Ngân hàng chính sách xã hội được bố trí 1.200 tỷ đồng được cho vay, còn 4 ngân hàng thương mại còn lại chưa được cấp vốn. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang chờ Bộ KH&ĐT bố trí vốn, nhưng trước mắt năm 2018 Ngân hàng chính sách sẽ tự huy động 500 tỷ đồng để cho vay. Ông đề nghị Bộ KH&ĐT khẩn trương bố trí vốn cho Ngân hàng chính sách để triển khai chương trình này.
Giải đáp chất vấn của ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) về xử lý ngân hàng yếu kém, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định đã có nhiều biện pháp xử lý ngân hàng bắt buộc và các biện pháp này không sử dụng trực tiếp ngân sách Nhà nước. NHNN đã và sẽ thực hiện nhiều giải pháp, một trong số đó là hoàn thiện khung khổ pháp lý. "Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi các tổ chức tín dụng sẽ giúp NHNN có cơ sở xử lý vấn đề này tốt hơn", ông nói.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trong điều kiện đặc thù Việt Nam, phát triển thị trường vốn chưa có bước tiến mạnh, vì thế vốn nền kinh tế dựa nhiều vào ngân hàng, nên quá trình cơ cấu lại các ngân hàng chưa đạt yêu cầu.
Một nguyên nhân nữa được ông Hưng chỉ ra là do năng lực quản trị điều hành các tổ chức tín dụng còn hạn chế.
Theo đó, trong đề án tái cơ cấu ngân hàng tới đây sẽ đưa ra 6 nhóm giải pháp, trong đó tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý; tăng cường thanh tra giám sát, cảnh báo sớm... Thống đốc NHNN hy vọng những giải pháp này sẽ giúp quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nhanh hơn, xử lý nợ xấu tốt hơn.
Về chính sách cho vay với học sinh, sinh viên, ông Hưng cho biết hiện đã có 3,5 triệu học sinh, sinh viên được vay, tổng mức cho vay 15.600 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ. Từ đầu năm 2017 đến nay đã có 7 lần điều chỉnh mức vay, từ giữa tháng 6 đến nay là 1,5 triệu đồng một tháng/sinh viên nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
"Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, việc cho vay ở mức này đã là rất cố gắng, nhưng tới đây sẽ nâng mức cho vay lên cao hơn, tuỳ thuộc vào ngân sách Nhà nước", ông Hưng nói.
Gian lận trong thanh toán thẻ đang gia tăng đáng lo ngại
Trước chất vấn của nữ ĐB tỉnh Hoà Bình Bạch Thị Hương Thuỷ về tình trạng gian lận liên quan thanh toán điện tử, thanh toán thẻ thì NHNN xử lý thế nào để đảm bảo quyền lợi khách hàng và an ninh an toàn thanh toán, Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận, hành vi gian lận trong thanh toán thẻ đang gia tăng đáng lo ngại tại Việt Nam và các nước.
Theo thống kê, tổng hành vi gian lận trong thanh toán thẻ là hơn 21 tỷ USD, bình quân 100 USD giao dịch thẻ thì thiệt lại là 7 cent, tương đương 0,07%. Mức thiệt hại của Việt Nam chỉ bằng một phần ba mức bình quân thế giới. "Nhưng đúng là hiện tượng này đang có chiều hướng gia tăng", Thống đốc nói.
Ông đưa ra các nguyên nhân, trong đó có phần do bảo mật của ngân hàng có lỗ hổng, người dùng không bảo mật tốt thông tin cá nhân; đơn vị chấp nhận thẻ còn lỗ hổng trong bảo mật thông tin.
"Cá biệt có tổ chức chấp nhận thẻ thông đồng với kẻ xấu, thực hiện gian lận, chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ", ông cho biết.
Vì thế Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, quy định pháp lý từ an ninh an toàn, chuyển hệ thống từ thẻ từ sang thẻ chip để bảo mật hệ thống cao hơn; tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống thẻ...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận