Các nhà báo Hong Kong biểu tình phản đối việc sa thải Tổng biên tập Ming Pao |
Một ngày đẹp trời tháng 4/2016, 11,5 triệu trang tài liệu của Công ty Luật Mossack Fonseca, được Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố. Khối lượng thông tin khổng lồ này chứa đựng những bí mật chưa từng công bố của các nhân vật quyền chức, nổi tiếng trên thế giới, làm rúng động truyền thông toàn cầu chỉ sau một đêm.
Nguồn tin tự bảo vệ mình
Câu chuyện bắt đầu vào một ngày cuối năm 2014, nguồn tin mật danh, lấy tên ảo là “John Doe” liên lạc với hai nhà báo của Đức Frederik Obermayer và Bastian Obermayer tiết lộ, đang nắm trong tay thông tin “siêu mật”. Đoạn hội thoại diễn ra như sau: “ Xin chào, đây là John Doe. Anh có hứng thú với tài liệu mật không? Nhà báo của tờ Suddeutsche Zeitung trả lời: “Rất quan tâm!”. “Anh có bao nhiêu thông tin?” - Zeitung hỏi. “Nhiều nhất từ trước tới nay” - nguồn tin đáp. Lượng tài liệu của Panama Paper nhiều hơn 2.000 lần tài liệu WikiLeaks một thời khiến thế giới rúng động.
E ngại cơ chế bảo vệ nguồn tin của thế giới vẫn còn lỏng lẻo, nguồn tin tự bảo vệ mình bằng cách ra điều kiện: Sẵn sàng cung cấp mọi thông tin nhưng yêu cầu mật danh hoàn toàn và phải tuân thủ biện pháp an ninh tối nghiêm. Vì “cuộc sống của chúng tôi đang gặp nguy hiểm, chúng tôi sẽ chỉ trao đổi qua tài liệu đã được mã hoá. Tuyệt đối không gặp mặt!”, nguồn tin nói.
Sau khi chốt thỏa thuận, nguồn tin và các nhà báo trao đổi qua nhiều kênh mã hóa khác nhau và liên tục được thay đổi. Mỗi lần hai bên tái thiết lập kết nối, họ trao đổi bằng mật mã: “Nay trời nóng không?” Và câu trả lời “Mặt trăng đang mưa” hoặc bất cứ câu nói vô nghĩa nào mà cả hai bên có thể xác minh rằng người kia đang sử dụng thiết bị”, nhà báo Obermaier nói. Cứ sau mỗi cuộc trao đổi, mọi lịch sử đều được xóa sạch.
Nguồn tin John Doe khẳng định, họ không phải là gián điệp hay nhân viên của bất cứ Chính phủ nào, chỉ là “thấy chuyện bất bình, chẳng tha”. “Nguồn tin cho rằng, Công ty Luật Mossack Fonseca đang làm công việc gây tổn hại tới toàn thế giới và muốn đặt dấu chấm hết cho hành vi đó. Đây là một trong những động cơ đưa họ tới quyết định tiết lộ tài liệu”, nhà báo Obermayer cho hay.
Sở dĩ John Doe đặt ra rất nhiều điều kiện bảo mật vì hậu quả của những người rò rỉ thông tin mật như Edward Snowden là bài học lớn. “Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều nhà hoạt động, người tiết lộ bí mật tại Mỹ và châu Âu bị hủy hoại cuộc sống vì họ đã đưa những việc làm sai trái ra ánh sáng. Điển hình, Edward Snowden đang bị kẹt tại Moscow, một khi trở về Mỹ sẽ bị truy tố theo luật chống gián điệp”.
John Doe nói: “Snowden xứng đáng được chào đón như một vị anh hùng và được trao tặng giải thưởng danh giá chứ không phải chịu cấm vận, trừng phạt như vậy.
Vài tuần trước khi các nhà báo liên lạc trực tiếp với đối tượng điều tra (bao gồm Mossack Fonseca), nhà báo Obermayer nhận được cảnh báo cuối từ nguồn tin: Hãy tiêu hủy điện thoại và ổ cứng laptop mà anh sử dụng để trao đổi từ đầu đến giờ. Đến nay, bản thân các nhà báo vẫn không biết nguồn tin đó thực sự là ai hay là những ai?
Sa thải tổng biên tập cùng ngày Tài liệu Panama được công bố
Sau khi được xem một phần dữ liệu, tờ báo Đức Suddeutsche Zeitung đã liên lạc với ICIJ - cơ quan từng hỗ trợ để công bố hàng loạt dữ liệu mật về thiên đường trốn thuế bao gồm vụ dữ liệu thiên đường trốn thuế ở nước ngoài năm 2013 và một số vụ điều tra khác vào năm 2015, tập trung vào các tài sản được ngân hàng HSBC (Thụy Điển) tài trợ. Sau đó, nhân viên ICIJ lập tức bay tới Munich để hợp tác với Zeitung. Số tài liệu được gửi thành nhiều lần. “Chúng tôi nhận từng phần, từng phần tài liệu một cho đến khi đủ 11,5 triệu”. Nhà báo Obermayer từ chối giải thích rõ cách nguồn tin gửi hàng trăm gigabyte và terabyte thông tin một lúc vì lý do an ninh.
Đã có nguồn tin trong tay, ICIJ huy động hàng trăm nhà báo điều tra từ khắp nơi trên thế giới, chung tay điều tra và xác minh thông tin. Đồng thời, ICIJ xây dựng một cơ chế tìm kiếm “hai lần bảo vệ” cho khối tài liệu khổng lồ. Họ chia sẻ đường link URL trang web thông qua email đã được mã hóa với hàng chục hãng tin lớn của thế giới như: BBC, The Guardian (Anh)… và hàng chục hãng tin nước ngoài khác.
Trang web này có cả hệ thống trao đổi thời gian thực, cho phép phóng viên có thể trao đổi bí quyết và tìm người phiên dịch tài liệu ra ngôn ngữ họ cần. “Nếu bạn cần tìm hiểu tài liệu tiếng Brasil, bạn có thể tìm ngay được một nhà báo người Brasil trên hệ thống để giúp đỡ”. Các hãng truyền thông cũng tổ chức các cuộc gặp mặt trực tiếp tại Washington ( Mỹ), Munich (Đức), London (Anh), Johannesburg (Nam Phi)… để trao đổi. “Tin đồn về một lượng lớn thông tin mật bị rò rỉ đang được lan truyền rộng, song tài liệu vẫn an toàn đến phút chót. Lúc đó, tôi vô cùng lo lắng”, Giám đốc ICIJ Gerard Ryle nói.
Khi được hỏi các nhà báo điều tra có lo sợ nguy hiểm không? Nhà báo Obermayer nói: “Chắc chắn là có rủi ro. Thử nghĩ xem, chúng tôi đã đưa tin về khối tài sản khổng lồ của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson… thì mức độ nguy hiểm đến mức nào? Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác”.
Việc các nhà báo điều tra lo ngại không phải không có căn cứ. Keung Kwok-yuen, Tổng biên tập tờ Ming Pao - một trong những tờ báo uy tín nhất của Hong Kong đã bị sa thải cùng ngày khi trang nhất của Ming Pao tràn ngập thông tin tiết lộ người nổi tiếng, quan chức và doanh nhân Hong Kong có tên trong Panama Papers. Ban quản lý Ming Pao cho biết, việc sa thải này nằm trong chương trình cắt giảm chi phí hoạt động của cơ quan. Song, lời giải thích này chỉ càng “đổ dầu vào ngọn lửa tức giận đang ngùn ngụt” của báo giới Hong Kong. Họ cáo buộc chủ sở hữu Ming Pao có ý đồ trả thù sau vụ công bố hàng loạt thông tin mật. “Ban quản lý Ming Pao nợ độc giả và cộng đồng một lời giải thích thỏa đáng”, thông báo chung của 8 tổ chức báo chí và công đoàn nhà báo Hong Kong nói.
Nếu bị lộ, liệu John Doe có được bảo vệ? Không phải ngẫu nhiên mà John Doe lại chọn một một tờ báo Đức để tiết lộ thông tin động trời này. Có lẽ nguồn tin đã tìm hiểu khá kỹ và xác định được các nhà báo Đức sẽ không bao giờ muốn tiết lộ nguồn tin. Bởi trên thực tế, các nhà báo và nguồn tin được luật pháp Đức bảo vệ. Tài liệu Panama bao gồm 11,5 triệu trang tài liệu của công ty luật nổi tiếng thế giới Mossack Fonseca, có trụ sở tại Panama cho biết, công ty này đã lách luật, thành lập “công ty ma” ở nước ngoài để che giấu tài sản cho nhiều quan chức cấp cao, người nổi tiếng, vận động viên thể thao… trên thế giới. Một số cái tên nổi bật được nhắc đến trong tài liệu: Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson, gia đình cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu Tổng thống Moammar Gaddafi, cha Thủ tướng Anh David Cameron, con gái cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng, con trai Thủ tướng Malaysia Najib Razak, diễn viên Thành Long, tuyển thủ Lionel Messi… Tài liệu này khiến nhiều nước trên thế giới đồng loạt mở cuộc điều tra tài chính như: Anh, Pháp, Đức, Mỹ… Chịu áp lực từ dư luận, Thủ tướng Iceland buộc phải từ chức còn Thủ tướng Anh David Cameron phải nhiều lần “đăng đàn” công bố tài sản cá nhân và giải thích tường tận với người dân. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận