Làm báo cùng Giao thông

Nhà báo rất cần kỹ năng thoát hiểm

16/06/2017, 07:18

Phóng viên cần có kỹ năng thoát hiểm, ghi nhớ đặc điểm đối tượng để hỗ trợ công tác điều tra.

12

Máy quay của nhóm phóng viên VTV bị một người đàn ông đâm hỏng khi nhóm này đi xác minh tình trạng lấn chiếm đất công ao hồ - Ảnh: VTV

Để có những trang viết sống động, chứa đựng sự thật, hàng ngày đều có những nhà báo lăn xả vào cuộc sống, điều tra hiện trường, đối mặt với nguy hiểm…

Và cũng như tất yếu của cuộc sống đang ngày càng khó bóc tách các mối quan hệ chằng chịt, khó xác định trắng - đen, tỷ lệ nhà báo bị hành hung cũng ngày một gia tăng.

trung ta dao trung hieu

Trung tá Đào Trung Hiếu 

Mỗi lần như vậy, đồng loạt các cơ quan truyền thông vào cuộc, phỏng vấn đồng nghiệp - trong trường hợp này là người bị hại, phỏng vấn cơ quan công an, hội nhà báo, các đại biểu Quốc hội… Rất nhiều đại diện các tổ chức, cơ quan lên tiếng đòi xử nghiêm người cản trở hoạt động báo chí, hành hung phóng viên.

Nhưng nếu tôi không nhầm, rất ít vụ tìm ra được thủ phạm hoặc thủ phạm bị xử lý nghiêm minh.

Những tưởng qua nhiều vụ việc, anh em báo chí đã rút kinh nghiệm, đã chuẩn bị kiến thức và kỹ năng để có thể hoàn thành sứ mệnh của mình an toàn nhất có thể.

Cho đến hôm xảy ra sự việc nhóm phóng viên VTV bị một người đàn ông lao xe vào người, đâm hỏng máy ghi hình trị giá tiền tỷ ở Sóc Sơn, tôi đã bất ngờ khi có rất nhiều đồng nghiệp báo chí cho rằng hành vi của người đàn ông này là “Chống người thi hành công vụ”.

Trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn trao đổi nghiệp vụ, không ít nhà báo lên tiếng ủng hộ quyết định khởi tố của Công an huyện Sóc Sơn, cho rằng đối tượng hành hung nhà báo đã vi phạm Bộ luật Hình sự với tội danh “Chống người thi hành công vụ”.

Đó là một nhận thức hết sức sai lầm. Trong Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước thì: “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án hoặc người khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính”.

Khởi tố vụ phóng viên báo chí bị tấn công không thể quy cho đối tượng hành hung tội “Chống người thi hành công vụ”. Hoạt động công vụ chỉ là hoạt động của công chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong công tác quản lý Nhà nước, tố tụng, thi hành án. Công vụ là hoạt động do cán bộ, công chức nhân danh Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, của xã hội và được pháp luật bảo vệ.

Thực ra, trước khi Luật Báo chí 2016 được thông qua, câu chuyện này cũng đã được tranh luận và kết luận thấu đáo.

Nhà báo tác nghiệp cũng nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội, nhưng không nhân danh Nhà nước, không đại diện cho Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ của mình mà hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Do vậy, không thể coi hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ.

Về cơ chế bảo vệ nhà báo, phóng viên, Luật Báo chí 2016 quy định: “Nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Ngoài ra, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự cũng đã quy định hình thức xử phạt đối với những hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp như hành hung hay làm thiệt hại tài sản của nhà báo; Nghị định 159/2013/NĐ-CP đã quy định mức xử phạt hành chính cụ thể trong hoạt động báo chí.

Điều cần nói ở đây không phải là việc hiểu lầm về sứ mệnh của nhà báo, điều đáng lo hơn là với sự ngộ nhận ấy, nhiều phóng viên khi nhập vai điều tra sẽ luôn nghĩ mình đang thi hành công vụ, nghĩ mình ở thế thượng phong và không chuẩn bị cho mình những kỹ năng cần thiết để phòng vệ khi gặp nguy hiểm.

Theo tôi, Hội Nhà báo nên mở các lớp kỹ năng ứng xử, võ thuật cho phóng viên, nhất là những phóng viên điều tra. Điều này rất hữu ích. Trong tình huống đang tác nghiệp bị đối tượng tấn công, phóng viên cần xác định ưu tiên hàng đầu là bảo toàn tính mạng, bảo toàn vật chứng và bảo vệ nguồn tin.

Hãy tìm cách thoát ra những rắc rối ngay khi sự việc có dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng của mình và người khác. Hãy nhớ, điện báo công an giúp đỡ khi cần thiết. Phóng viên cần có kỹ năng ghi nhớ đặc điểm đối tượng để phục vụ công tác điều tra. Nếu có hình ảnh, clip ghi lại sự việc thì bạn đã không chỉ đảm bảo được an toàn cho mình mà còn hoàn thành tốt sứ mạng đi tìm sự thật của nghề báo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.