Chuyện dọc đường

Nhà đầu tư BOT như con thiêu thân

14/11/2018, 06:50

Công tác đầu tư hạ tầng giao thông đang trông cậy vào vai trò rất lớn của các nhà đầu tư tư nhân.

2

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư theo hình thức BOT - Ảnh: Khánh Linh

Đầu tư BOT giao thông thời gian qua là thời kỳ vừa làm, vừa thử nghiệm. Sắp tới, Quốc hội, Chính phủ cần phải có thêm nhiều giải pháp để tạo ra môi trường pháp lý tốt hơn, hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. 

Từ năm 2016 đến nay, ngân sách Nhà nước bố trí cho đầu tư hạ tầng giao thông rất khó khăn, có chăng vốn Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần giải phóng mặt bằng cho một số dự án và phục vụ công tác duy tu bảo dưỡng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đã đầu tư là chủ yếu. Tuy nhiên, bình quân mỗi năm số vốn ngân sách cũng chỉ cân đối được 7.000 - 8.000 tỷ đồng, chưa đáp ứng được 40% nhu cầu duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường bộ do Trung ương quản lý.

Công tác đầu tư hạ tầng giao thông đang phải trông cậy vào vai trò rất lớn của các nhà đầu tư tư nhân. Theo thống kê của Bộ GTVT, đến nay đã huy động được hơn 200.000 tỷ đồng từ vốn xã hội hóa để đầu tư hạ tầng giao thông, đây là con số rất ấn tượng, đóng góp rất lớn vào công cuộc phát triển KT-XH đất nước.

Cũng phải thừa nhận, thời gian qua, hình thức đầu tư BOT còn tồn tại bất cập, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là rủi ro về giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Nhận thức của xã hội lâu nay vẫn coi đó là những khoản phí đường bộ. Nếu xã hội không đồng thuận với phương pháp chuyển từ phí sang giá cung cấp dịch vụ hạ tầng, không chấp nhận việc sử dụng đường tốt hơn phải trả phí cao hơn, nhà đầu tư dựng trạm, một bộ phận người dân cứ phản đối, gây ra nhiều áp lực là rủi ro rất lớn, ảnh hưởng đến doanh thu, phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của các dự án thì không thể thu hút nhà đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng giao thông.

Vừa qua, nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, BOT phải nói là rất dũng cảm, bởi họ chẳng khác nào những con thiêu thân, cứ thấy việc là lao vào, bất chấp mọi rủi ro. Tôi cho rằng, đầu tư BOT giao thông thời gian qua là thời kỳ vừa làm, vừa thử nghiệm để dần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật. Sắp tới, Quốc hội, Chính phủ cần phải có thêm nhiều giải pháp để tạo ra môi trường pháp lý tốt hơn, hấp dẫn hơn, đừng để 5 - 10 năm nữa các nhà đầu tư BOT giao thông vẫn là những con thiêu thân.

Để làm được điều này, trước tiên, các cơ quan Nhà nước cần phải công khai, minh bạch từ các dự án quy hoạch đến mức giá sử dụng dịch vụ hạ tầng. Đồng thời, các bộ, ngành cần phải phối hợp chặt chẽ để tính toán lại định mức kinh tế xây dựng. Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất là cần sớm xây dựng và ban hành Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để giải quyết những vấn đề căn cơ, tạo môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia vào hạ tầng giao thông. 

Đinh Văn Nhã
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.