Hạ tầng

Nhà nước thiệt lớn khi làm đường đô thị: Lợi vào túi tư nhân

21/12/2016, 21:26
image

Nhà nước phải chi nhiều tiền giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án giao thông đô thị (GTĐT)...

17

Đường Trường Chinh (Hà Nội)

>>> Nhà nước "tặng" hàng tỷ USD cho tư nhân khi mở đường 

Trong khi đó, nhiều hộ dân không nằm trong phạm vi GPMB lại trúng lớn khi nhà trong hẻm sau một đêm bỗng án ngữ ngay mặt tiền những tuyến đường mới, có giá đất hàng trăm triệu đồng/m2.

Dân phải di dời chịu thiệt, nhà nước gặp khó khi GPMB

Ví dụ như tại dự án đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết, tuyến đường dài 2,5km được khởi công tháng 10/2013 (chi phí GPMB lên tới 2.022 tỷ đồng) nhưng đến nay vẫn tồn tại nhiều vướng mắc liên quan đến công tác GPMB. Nguyên nhân chính là do nhiều hộ dân chưa đồng thuận với giá đất đền bù.

Theo ông Tường, đến nay, toàn bộ phần mặt bằng của dự án trên địa phận quận Thanh Xuân đã được giải tỏa xong. Riêng với địa bàn quận Đống Đa vẫn còn vướng 286 hộ dân thuộc các phường: Ngã Tư Sở, Khương Thượng và Phương Mai chưa di dời giải tỏa do các hộ dân chưa đồng thuận với giá đền bù.

“Theo bảng giá đất do thành phố quy định, với vị trí 1 đường Trường Chinh đoạn Tôn Thất Tùng - Ngã Tư Vọng là 83 triệu đồng/m2 (đoạn này không có vị trí 2 và vị trí 3), đối với đường Giải Phóng, vị trí 1 là 64 triệu đồng/m2, vị trí 3: 30,24 triệu đồng/m2 (không có vị trí 2)”, ông Tường thông tin.

Tương tự, các dự án giao thông tại TP.HCM dù giá đền bù GPMB cao nhưng người dân cho rằng chưa sát giá thị trường và thường xuyên gây trở ngại. Cụ thể, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội với chiều dài 15,7km, gồm 16 làn xe được khởi công từ tháng 4/2010 nhưng đến nay vẫn đang vướng GPMB. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 2.516 tỷ đồng, nhưng do thời gian GPMB kéo dài nên phải điều chỉnh tổng mức lên 4.905 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Đức, Phó trưởng ban bồi thường GPMB quận 9 cho biết: “Địa bàn quận 9 còn 44 hộ chưa bàn giao mặt bằng, chủ yếu là ở phường Tân Phú và Long Bình. Nhiều hộ dân không đồng ý nhận tiền bồi thường nên kế hoạch mới chậm trễ”.

Theo Khu QLĐT đô thị số 2 (chủ đầu tư đoạn địa phận tỉnh Bình Dương), hiện Bình Dương còn 178 hộ chưa giải tỏa với kinh phí bồi thường 1.410 tỷ đồng. “Việc xây dựng đơn giá gặp khó khăn do tư vấn thẩm định giá khảo sát không nhận được sự hợp tác của người dân, số liệu mua bán đất qua công chứng không chính xác, khi họp dân thông qua đơn giá không được đồng tình, phải lập lại nhiều lần. Trước đó, đơn giá đất đền bù giai đoạn 1 là 14,6 triệu/m2 (đất thổ cư). Hiện nay, đơn giá được thẩm định thời điểm tháng 11/2016, giá đất là 20,2 triệu đồng/m2 (đất thổ cư). Đền bù theo giá này thì người dân mới chịu giao mặt bằng”, đại diện Khu QLĐT đô thị số 2 cho biết.

Xem thêm video:

Dự án hoàn thành, chênh lệch giá đất vào túi người dưng

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trong khi ngân sách Nhà nước phải chi rất nhiều tiền phục vụ công tác GPMB để làm các con đường trong nội đô, người dân trong diện di dời giải tỏa cũng chẳng được lợi do giá đền bù đất chưa sát với giá thị trường, không ít hộ dân không nằm trong diện GPMB lại được hưởng lợi khi nhà trong ngõ, hẻm nghiễm nhiên được án ngữ trên mặt tiền những tuyến đường to đẹp, khang trang sau khi được mở rộng, có giá hàng trăm triệu đồng/m2. Cụ thể, đối với tuyến đường các đoạn tuyến đường Trường Chinh đã được mở rộng, trên website các sàn giao dịch bất động sản, nhiều căn nhà với diện tích 50-60m2, mặt tiền 4-5m đang được rao bán với mức giá trung bình 18-20 tỷ đồng/căn, trung bình 300-400 triệu đồng/m2; Nhà mặt tiền trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (Q. Cầu Giấy) cũng được rao bán với mức trung bình 350 triệu đồng/m2 (giá đền bù cao nhất cho các hộ dân để GPMB của dự án là 75 triệu đồng/m2)…

Liên quan đến giá đất đền bù GPMB, trao đổi với Báo Giao thông, bà Ngô Thị Thu Hương, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 2 (Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội) cho biết, giá đất bồi thường GPMB các dự án giao thông trên địa bàn Hà Nội được áp dụng trên cơ sở khung giá đất do UBND TP ban hành. “Mỗi tuyến đường có một bảng giá riêng. Trên cùng một tuyến đường tùy từng vị trí, địa điểm lại có các mức giá đền bù khác nhau”, bà Hương nói và cho rằng, thực tế hiện nay, giá đất đền bù GPMB cho các dự án giao thông nội đô mới chỉ ở mức tiệm cận chứ chưa thể ngang bằng với giá thị trường, gây khó khăn trong công tác GPMB.

Đình Quang

“Vấn đề chênh lệch giá đất trước và sau GPMB đã được thành phố tính đến từ lâu nhưng với điều kiện thực tế của TP Hà Nội chưa thể thực hiện được, bởi ngay từ năm 2006, khi xây dựng tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, ngoài phần mặt bằng theo chỉ giới phê duyệt, thành phố có chủ trương mở rộng thêm mỗi bên thêm 50m để bán đấu giá phần đất mặt đường để tạo thêm nguồn ngân sách phục vụ công tác GPMB và hỗ trợ quyền lợi cho các hộ dân thuộc diện di dời, giải tỏa. Tuy nhiên, những hộ dân trong diện GPMB mở rộng kịch liệt phản đối nên không thể thực hiện được phương án này”, ông Phạm Đình Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội chia sẻ.

Tại TP.HCM, đại diện Khu QLĐT đô thị số 1 cho biết, thời điểm 2003 khi thực hiện dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, Phú Nhuận), lúc đó giá đền bù cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng đã rất cao. Cụ thể, giá đền bù giải tỏa toàn phần có tái định cư của đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa là 30 triệu đồng/m2; giải tỏa toàn phần không tái định cư là 36 triệu đồng/m2.

Theo tìm hiểu của PV, sau 6 năm khi tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa được thông xe, giá nhà đất khu vực này đã tăng vọt. Cụ thể, ở đường Nguyễn Văn Trỗi, giá nhà mặt tiền trung bình từ 250-300 triệu/m2, thậm chí một số vị trí đắc địa lên đến 400 triệu/m2.

Tương tự, đối dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, trên địa bàn Q.Tân Bình, đơn giá bồi thường GPMB năm 2008 đối với đường mặt tiền đường Hồng Hà là 32 triệu đồng/m2, mặt tiền đường Yên Thế là 30 triệu đồng/m2 (trong hẻm cấp 1, vị trí 3 là 15 triệu đồng/m2); mặt tiền đường Bạch Đằng 1 là 30 triệu đồng/m2 (hẻm cấp 1, cấp 2 là 16 triệu đồng/m2)... Đến thời điểm hiện tại, sau khi tuyến đường của dự án hoàn thành, giá đất thị trường hiện nay tăng đột biến. Cụ thể, tại nhà 34 đường Hồng Hà (quận Tân Bình) mặt đường 30m (đối diện đoàn bay Vietnam Airlines) đang rao bán với giá 150 triệu đồng/m2. Cũng trên tuyến đường này, nhiều chủ hộ cũng đang rao bán nhà với giá 165 triệu đồng/m2. Nếu giá trị chênh lệch địa tô sau khi Nhà nước làm đường không vào túi tư nhân mà Nhà nước thu được vào ngân sách thì số tiền này là rất lớn, có thể sử dụng đầu tư mở rộng các tuyến đường khác... 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.