Nhà văn Nguyễn Đình Chính, đàn ông chỉ là thằng hách - xằng thôi |
Sau những tranh luận ồn ào về vai trò của đàn ông và phụ nữ, đặc biệt là sau nhận xét gây sốc về đàn ông Việt của chồng ca sỹ Mai Khôi, nhà văn Nguyễn Đình Chính đã chia sẻ những suy nghĩ riêng của ông với Báo Giao thông về người phụ nữ Việt Nam hiện nay.
Năm nào Việt Nam cũng có ít nhất hai ngày dành để tôn vinh phụ nữ, nhiều người đùa đó là ngày phụ nữ vùng lên giành nữ quyền. Anh nghĩ thế nào về quyền của người phụ nữ trong xã hội ngày nay?
Phụ nữ đừng bao giờ nghĩ rằng mình kém, phải giành lại nữ quyền. Sao lại có những ngày gọi là phụ nữ vùng lên? Tôi thấy một năm có 365 ngày thì 360 ngày là dành cho phụ nữ rồi, còn 5 ngày còn lại cho cánh đàn ông giãy giụa ấy.
Ý anh là đàn ông chịu bất công hơn phụ nữ sao?
Phụ nữ Việt Nam hay nhẫn nhịn, tự cảm giác mình có địa vị thấp hơn, thang bậc thấp hơn, cái này là do suy nghĩ thôi.
Còn phụ nữ, họ hơn đàn ông rất nhiều. Đơn giản chỉ nói về mặt tâm sinh lý, trong người đàn ông vẫn có một nửa đàn bà, còn trong người đàn bà không hề có một nửa đàn ông.
Như việc tạo ra một con người, đứa bé trong bụng mẹ thì nó đương nhiên ảnh hưởng từ mẹ nhiều hơn, thế thì ai có quyền cao hơn? Mấy bức tượng lớn trên thế giới như tượng Nữ thần tự do, tượng Nữ thần công lý,… tất cả đều là phụ nữ chứ có phải đàn ông đâu.
Vậy mới nói lịch sử đấu tranh trong xã hội của loài người thực chất là sự đấu tranh của đàn ông để giành lại quyền của mình.
Thế mà tôi thấy nhiều người mặc định suy nghĩ phụ nữ hay đòi hỏi, phụ thuộc?
Có nhiều kiểu phụ nữ, đàn ông cũng vậy thôi nhưng nhìn chung tôi thấy phụ nữ vẫn là nền tảng của xã hội, họ đóng góp cho gia đình, cho xã hội rất nhiều. Vừa kiếm tiền, vừa chăm sóc, giáo dục con cái.
Có nhà văn từng nói: Tất cả những thằng đàn ông thành đạt về quyền lực, tiền bạc, danh vọng đều bước trên lưng những người đàn bà đã âm thầm sống cùng với họ.
Nhà văn Nguyễn Đình Chính và người bạn thân thiết Bàng Sĩ Nguyên trong một cuộc trò chuyện phiếm về đàn bà |
Điều gì ở phụ nữ thời nay khiến anh thích hơn trước?
Thứ nhất, phụ nữ hiện nay có tính tự lập, cái đó khiến họ được kính trọng. Thứ hai, họ làm gì cũng được vì có tính kiên trì và luôn có tấm lòng bao dung. Còn đàn ông hiện nay thì không rõ tại sao mà cái tham sân si rất lớn, tức là cái tôi rất to, rồi ích kỉ lạ lùng. Đã thế lại hay cả thèm chóng chán, thích thì làm, không thích thì thôi nên không tới nhiều thứ.
Mà tôi thấy phụ nữ bây giờ khác ngày xưa nhiều lắm. Gương mặt phụ nữ xưa đôn hậu và rất đầy đặn, trong khi phụ nữ bây giờ mắt cứ long lanh, long lanh. Gương mặt phụ nữ hiện đại linh hoạt hơn, vì họ thông minh và nhiều tri thức hơn.
Cái đẹp phụ nữ ngày xưa sâu sắc, để lại ấn tượng ghê gớm lắm chứ không như bây giờ. Phụ nữ bây giờ quyến rũ hơn, nhưng không để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
Ở tuổi này, cách anh nhìn phụ nữ đã khác nhiều so với khi còn trẻ?
Nói thật là hồi trẻ tôi coi thường phụ nữ lắm, cũng nghĩ họ chẳng làm được tích sự gì cả mà chỉ như sợi dây leo bám vào đàn ông. Nhưng thời gian qua đi, có thêm nhiều vốn sống và tri thức, tôi mới ngẫm ra rằng phụ nữ cực kỳ quan trọng.
Thế còn quan điểm “càng nhiều phụ nữ được tôn vinh thì xã hội càng trì trệ bảo thủ”, anh nghĩ sao?
Ôi giời, tôi thấy chẳng cần mấy cái khẩu hiệu kiểu như “giỏi việc nước, đảm việc nhà” hay “phụ nữ ba đảm đang” thì phụ nữ vẫn phải đảm đang, vẫn phải làm việc đấy chứ. Mà trì trệ bảo thủ là thế nào?
Phụ nữ họ có quyền, họ giỏi lắm ấy chứ. Họ có thể quyết định, làm được hết mọi thứ, đàn ông chỉ là thằng hách-xằng thôi.
Nhưng phụ nữ thường cam chịu, hi sinh và cứ cho thế là hay. Còn đàn ông luôn luôn vừa là thằng đàn ông vừa là thằng trẻ con, dễ trị hơn nhiều.
Trân trọng phụ nữ thế, chắc anh không ủng hộ quan niệm “phụ nữ là phải hi sinh” đang rất thịnh hành ngày nay đâu nhỉ?
Chị em phụ nữ chớ dại gì phải luôn luôn hi sinh. Tôi nghĩ đời sống gia đình là phải cả hai cùng đóng góp, phải bình đẳng như nhau. Xã hội bên Tây, phụ nữ giành quyền ghê lắm chứ không cam chịu như bên mình. Việt Nam bị ảnh hưởng bởi nề nếp bao đời nay nên mới có tính cách đó.
Trong gia đình, nếu nhịn thì cả hai cùng nhịn, cùng hi sinh, chứ một người nhịn một người hi sinh thì không vững bền được.
Cảm ơn anh!
Nhà văn Nguyễn Đình Chính, sinh năm 1946 tại Hà Nội. Ông là con trai thứ 2 của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Những tác phẩm của ông bao gồm: Xưởng máy nhỏ của tôi (tiểu thuyết, 1990); Một mùa hè (tiểu thuyết, 1978); Đá xanh ở thung lũng cháy (ký sự, 1978); Khoảng trời cách biệt (truyện, 1980); Giếng chìm (tiểu thuyết, 1979); Con phù du (tiểu thuyết, 1981); Vụ áp phe Đông Dương (tiểu thuyết, 3 tập 1986, 1993); Đêm thánh nhân (1999); Một thời để nhớ (2001); Nơi tận cùng gió hú (2003)... Ngoài sáng tác văn học, ông còn nhiều kịch bản sân khấu, kịch bản phim, đáng chú ý như: Rừng lạnh, Bãi biển đời người, Hồi chuông màu da cam... |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận