Showbiz

Nhạc sĩ Đoàn Bổng tố bài hát của mình bị “đạo” thành thơ

11/05/2016, 09:12

Nhạc sĩ Đoàn Bổng bức xúc vì bài hát Về Hà Tây đi em của mình bị đạo thành thơ đăng trên báo.

bai tho dao

Bài báo đăng trích đoạn bài thơ “Về Bắc Ninh đi em” được cho là đạo từ bài hát “Về Hà Tây đi em” của nhạc sĩ Đoàn Bổng

Về Hà Tây đi em là một trong những sáng tác của nhạc sĩ Đoàn Bổng cho quê hương. Tuy nhiên, mới đây ông bức xúc vì bài hát của mình đã bị đạo thành thơ đăng trên báo.

Từ Về Hà Tây đi em thành Về Bắc Ninh đi em

Nhạc sĩ Đoàn Bổng kể, năm 1997, UBND và Sở VH,TT&DL Hà Tây (cũ) đã mời 20 nhạc sĩ người Hà Tây trong đó có ông đến nói chuyện về việc “người Hà Tây đóng góp cho quê hương”. Ngay sau đó, ông đã sáng tác bài hát Về Hà Tây đi em. Sau đó, bài hát đã được nhiều người yêu thích.

Tuy nhiên, cách đây 1 tuần, nhạc sĩ có đến chơi nhà một nữ nhà thơ, khi ngồi nói chuyện và đọc báo, ông đã tình cờ phát hiện ra bài hát đã bị đạo thành thơ.

“Khi đang ngồi nói chuyện, tôi có xem tờ báo và thấy bài thơ tên là Về Bắc Ninh đi em của nhà thơ Nguyễn Sông Cầu: “Về Bắc Ninh đi em/Có bao con đường quen/Đường phố Núi thân thương/Kỷ niệm một giận hờn/Đường Phật Tích xa xanh/Yến Oanh đi trảy hội/Tìm về chốn linh thiêng/Chọn ngày lành nên duyên”. Những câu thơ này y chang lời ca khúc của tôi, chỉ khác là các địa danh của Hà Tây được đổi qua Bắc Ninh. Cụ thể: Hà Tây thành Bắc Ninh; Thường Tín thành Phố Núi; Chùa Hương thành Phật Tích”, ông nói.

Nhạc sĩ cho rằng, lấy cái của người khác làm cái của mình là xâm phạm bản quyền, vi phạm pháp luật. Theo tác giả bài hát, chúng ta phải làm cho xã hội lành mạnh. Những người cầm ngòi bút viết cái đẹp cho đời, hướng con người đến cái đẹp, cái thẩm mỹ, nhưng ta lại hướng tới điều không hay, làm xấu đi hình ảnh nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn chân chính. Vì thế, ông muốn báo chí nói lên sự thật về chuyện này.

“Tôi là 1 trong 10 tác giả đầu tiên kí ủy quyền cho Trung tâm Bản quyền tác giả Việt Nam và họ sẽ cho ý kiến đầy đủ bằng văn bản. Ai lấy của ai là người ta biết ngay”, nhạc sĩ thẳng thắn.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng là người bị vi phạm bản quyền

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, Phó ban Biên tập NXB Âm nhạc cho biết: “Với mọi nghi án rất ít khi người viết đưa ra kết luận ngay. Tuy nhiên, trường hợp này thì xin khẳng định, nhạc sĩ Đoàn Bổng là người bị vi phạm bản quyền. Những lời thơ trên đây trừ các địa danh của Bắc Ninh đều là của Đoàn Bổng”.

Nhạc sĩ cho biết thêm: “Về Hà Tây đi em dù không nổi tiếng toàn quốc như Dòng sông quê anh, dòng sông quê em nhưng ca khúc này của Đoàn Bổng cũng được rất nhiều người biết đến. Trong một lần trò chuyện với Đoàn Bổng cách nay hơn chục năm, tôi được biết nhạc sĩ rất tự hào khi sáng tác ca khúc này để tri ân vùng đất xứ Đoài quê hương mình.

Nhà thơ Nguyễn Sông Cầu, tác giả bài thơ Về Bắc Ninh đi em cho biết: “Bài thơ cũng viết lâu lắm rồi nên tôi không nhớ rõ năm nào. Ngày xưa đi bộ đội kháng chiến chống Mỹ, xa nhà nên tôi viết bài thơ này để làm báo tường của đơn vị.

Nhân dịp 30/4 phóng viên báo chí có hỏi và viết về tôi. Tôi chưa đọc bài báo đó như thế nào. Nói thật là tôi không lấy gì của nhạc sĩ Đoàn Bổng cả”.

Ông thậm chí còn cao hứng bảo Hà Tây coi đây là tỉnh ca. Dân nhạc khu vực phía Bắc nhiều người biết và thuộc (dù không trọn vẹn) bài này. Có một câu chuyện vui mà dân nhạc viện chục năm trước vẫn truyền tai nhau là có bạn quê xứ Đoài đi thi vào thanh nhạc nhạc viện, hát bài Về Hà Tây đi em rất dở khiến các thày nói vui thôi em về Hà Tây đi em.

Ở khía cạnh khác, đây là một trong những bài địa phương thường được phát sóng trước chương trình của đài PT&TH Hà Tây trước khi sáp nhập vào Hà Nội. Cũng từ khi còn tỉnh Hà Tây, chẳng đám cưới nào khắp các địa phương trên toàn tỉnh vắng bóng bài hát này. Đến bây giờ nó vẫn được tiếp tục hát. Mặt khác, từ Yến Oanh chắc có lẽ khi copy người cóp nghĩ đó là chim yến, chim oanh nhưng thực ra ngay từ phía trước Đoàn Bổng đã nhắc tới Chùa Hương nên Yến Oanh tôi nghĩ nó còn mang hàm ý như tên gọi của một con suối đưa chân những nam thanh, nữ tú đi trảy hội”, nhạc sĩ cho biết.

Theo nhạc sĩ Quang Long, dù thế nào cũng cần lên án việc đạo. “Đối với Báo Người Hà Nội, có thể đây là một tai nạn nghề nghiệp nhưng cần có thông tin đính chính sớm, tránh thiệt thòi cho người bị xâm phạm”, nhạc sĩ nói.

Luật sư lên tiếng

Luật sư Hoàng Kim Thoa (Công ty Luật TNHH QTC) cho biết, Pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định quyền sao chép tác phẩm trước hết tại Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

Theo đó, tác giả được bảo hộ quyền sao chép trong suốt thời hạn bảo hộ, trừ các trường hợp quy định tại Điều 23 và Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ. Nếu sao chép tác phẩm mà không được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả, tùy vào mức độ xâm phạm mà áp dụng các chế tài.

Ví dụ: Vi phạm dân sự, có thể bị xử phạt: Điều 2, NĐ131/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính quy định khung phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức về quyền tác giả, quyền liên quan có mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng.

Điều 38, NĐ131/2013 quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra văn hóa, thể thao và du lịch và thanh tra chuyên ngành khác: Chánh Thanh tra Sở VH,TT&DL, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Sở có quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định này. Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL có quyền phạt tiền đến 250.000.000 đồng.

Và tại Khoản 7, Điều 28, Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi xâm phạm quyền tác giả: “Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh”.

Như vậy, nếu có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền về việc bị đạo thơ thì nhạc sĩ Đoàn Bổng có thể buộc người đạo thơ xin lỗi công khai hoặc có thể khởi kiện dân sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.