Bảng giá khu ăn uống tại trạm thu phí Km117 (hướng Hà Nội – Lào Cai) được dán giá mới trên nền giá đã niêm yết trước đó - Ảnh: K.Linh |
Dịch vụ chất lượng thấp, giá cao
Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hiện được xây dựng 5 trạm dịch vụ (còn gọi là trạm dừng nghỉ) ở cả hai chiều phục vụ nhu cầu ăn uống, sửa xe, đổ xăng và vệ sinh của hành khách. Ghi nhận của PV Báo Giao thông ngày 4/3, tại trạm dừng nghỉ Km23 (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) hướng Hà Nội - Lào Cai, ngay từ cổng vào đến sân đều rất nhếch nhác, rác xả bừa bãi, ruồi nhặng bâu kín xung quanh. Chất lượng nhà vệ sinh công cộng tại đây rất bẩn và bốc mùi khó chịu.
Anh Nguyễn Đức Minh, hướng dẫn viên du lịch quốc tế chia sẻ, khách nước ngoài không nặng về ăn uống mà quan tâm đến nơi nghỉ ngơi và vệ sinh. “Mỗi khi dẫn đoàn khách du lịch quốc tế qua điểm dừng chân này, tôi thật sự xấu hổ bởi nhà vệ sinh ở đây không sạch sẽ. Chỉ bước vào cửa thôi đã ngửi thấy mùi khai nồng nặc, nhiều du khách phải bịt mũi để giải quyết nhu cầu cá nhân”.
Theo Cục Quản lý đường bộ cao tốc, hiện nay chưa có thông tư quy định riêng về trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc. Tại mục 2.2 Thông tư 48 về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ” chỉ quy định chung về các hạng mục công trình cơ bản của trạm dừng nghỉ được chia làm 3 nhóm gồm: Các công trình dịch vụ công; Các công trình dịch vụ thương mại và các công trình bổ trợ. Trong đó, các công trình dịch vụ công cung cấp các dịch vụ miễn phí bao gồm: Bãi đỗ xe; Không gian nghỉ ngơi; Phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; Khu vệ sinh; Nơi cung cấp thông tin; Nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về ATGT; Nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu TNGT. |
Tương tự, trạm dừng nghỉ tại Km117 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trạm dừng nghỉ tại Km227 trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng chung cảnh ngộ. Có mặt tại trạm dừng nghỉ tại Km227 trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình ngày 6/3, PV ghi nhận cửa ra vào nhà vệ sinh đặt chềnh ềnh chiếc thùng thu tiền vệ sinh của khách. Dù trên thùng có ghi “quý khách tùy tâm ủng hộ”, nhưng vẫn có nhân viên gác ở đây, nếu ai không bỏ tiền vào thùng sẽ bị nhắc nhở.
Là tiểu thương thường xuyên chở hàng từ Lào Cai về Hà Nội, chị Lê Thị Hà (Lào Cai) chia sẻ, khu nhà vệ sinh tại đây tuy rộng, phân chia nam, nữ riêng biệt nhưng mùi hôi xộc ngay vào mũi khách rất khó chịu. Mỗi lần vào đây, tôi phải bước chậm vì sàn nhà vệ sinh tuy lát gạch nhưng bị ứ nước rất bẩn. Bất đắc dĩ mới phải vào đây nhắm mắt đi cho xong.
Không chỉ các nhà vệ sinh mất vệ sinh, các trạm dừng nghỉ này gần như không có nơi giới thiệu, quảng bá văn hóa địa phương như mục tiêu ban đầu xây dựng mà chủ yếu chia nhỏ các sạp bán hàng hóa, đồ ăn uống. Theo quy định, hàng hóa phải được niêm yết giá công khai. Tuy nhiên, tại trạm dừng nghỉ Km23, chủ hàng không hề thực hiện. Giá cả ở đây cũng được bán với giá trên trời. Khi PV hỏi mua một bao thuốc lá, giá bình thường chỉ 18.000 đồng, nhưng tại đây người bán hét giá 30.000 đồng. Thắc mắc về giá quá đắt, nhân viên trả lời do phải thuê lại trạm và hàng hóa phải thuê người khác chuyển đến nên giá cao hơn. Khảo sát của PV, nhiều mặt hàng khác giá cũng tăng 10-20% so với bên ngoài.
Tại trạm Km117, tuy có niêm yết giá, nhưng các chủ hàng đã thay đổi bằng cách dán giá mới trên nền giá đã in trước đó.
Trực tiếp quản lý, khai thác một trạm dừng nghỉ tại Km 171+500, trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Công ty CP Dịch vụ đường cao tốc VN (VEC S) cho biết, trong hợp đồng, VEC đều yêu cầu nhà đầu tư phải niêm yết giá cả các mặt hàng dịch vụ tại trạm dừng nghỉ. “Theo quy định, các trạm dừng nghỉ không thu tiền đi vệ sinh của hành khách. Tuy nhiên, tôi được biết, một số trạm dừng nghỉ để hộp đựng tiền trước cửa nhà vệ sinh để khách tự nguyện ủng hộ, chứ không bắt buộc”, vị này chia sẻ.
Khu nghỉ chân tại trạm dừng nghỉ Km117 (hướng Hà Nội - Lào Cai) nhếch nhác, rác bẩn đầy trên sàn - Ảnh: K.Linh |
Thuê mặt bằng qua nhiều tầng nấc
Qua tìm hiểu, PV được biết, ngoài trạm dừng nghỉ Tuấn Tú tại Km57 được một nhà đầu tư tự tổ chức quản lý, 4 trạm còn lại trên tuyến Nội Bài - Lào Cai phải qua rất nhiều cấp. Đầu tiên là chủ đầu tư, sau khi trúng thầu bỏ tiền xây dựng cơ sở hạ tầng trạm dừng nghỉ. Khi hoàn thành sẽ cho người thứ hai thuê lại. Người thứ hai tổ chức đấu thầu cho các chủ nhỏ lẻ khác thuê để bán theo từng mặt hàng như: Hàng ăn, đồ uống, dịch vụ vệ sinh... Hay nói cách khác, hành khách khi sử dụng dịch vụ, phải trả giá rất cao vì qua nhiều tầng quản lý. Cũng vì hình thức này dẫn đến tình trạng “năm cha, ba mẹ”, chất lượng dịch vụ theo kiểu “cha chung không ai khóc”.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Tú Phú Thọ (đơn vị quản lý trạm dừng nghỉ Tuấn Tú) cho biết, việc khai thác trạm dừng nghỉ ở một số trạm trên tuyến qua rất nhiều tầng lớp. Chủ đầu tiên hợp đồng với VEC đầu tư cơ sở hạ tầng, sau đó cho người khác thuê lại để kinh doanh. Ở các trạm này, mỗi người thuê một mảng, vệ sinh riêng, nấu ăn riêng, hàng nước riêng. Vì vậy, giá thành hàng hóa mỗi mảng sẽ khác nhau và không có sự quản lý về giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng dịch vụ. Một số trạm dừng nghỉ hay xảy ra tình trạng tranh giành khách giữa các chủ quầy hàng, tình trạng “đầu gấu” bảo kê tranh giành, mồi chài lái xe xảy ra thường xuyên.
Tại trạm dừng nghỉ Km117, chị Lê Thị Anh, nhân viên quầy bán hàng nước cho biết: “Chúng tôi được chủ thuê bán hàng với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Theo tôi được biết, hai khu ăn uống và bán nước chủ thuê lại với giá 700 triệu đồng/tháng. Với 6 gian hàng bán nước và đồ ăn nhẹ, chủ phải thuê với giá 340 triệu đồng/tháng”.
Giải thích về điều này, ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giám sát giao thông của VEC cho biết: “Các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc được đầu tư theo cơ chế xã hội hóa theo nguyên tắc, VEC đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật gồm: Mặt bằng, xây dựng hệ thống thoát nước, bãi đỗ xe. Các nhà đầu tư sẽ đầu tư các công trình vật kiến trúc theo quy hoạch được VEC chấp thuận, được quyền khai thác trong thời gian nhất định để thu hồi vốn đầu tư. Hết thời hạn, các nhà đầu tư trả lại VEC toàn bộ cơ sở vật chất đã đầu tư để VEC tiếp tục kinh doanh”.
Liên quan đến công tác quản lý chất lượng, giá cả và vệ sinh môi trường của các trạm dừng nghỉ, ông Tuấn cho biết, trong hợp đồng kinh tế ký kết giữa nhà đầu tư và VEC đều quy định, các nhà đầu tư phải có trách nhiệm đảm bảo văn hóa kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, uy tín lâu dài trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng. “Đồng thời, nhà đầu tư phải tuân thủ các quy định về đất đai, môi trường, lao động, thuế, phí theo quy định của pháp luật”, ông Tuấn nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận