Lò đốt vàng mã gần như nguội lạnh |
Ghi nhận của PV Báo Giao Thông trong ngày 3/3, tại một số đền chùa nổi tiếng tại Quảng Ninh, đã không còn tình trạng đốt vàng mã, những lò đốt vàng mã gần như nguội lạnh, người dân đi lễ chỉ mang theo hương, hoa quả, cùng với tấm lòng thành kính để cầu mong một năm mới dồi dào sức khỏe và an lành cho bản thân cũng như gia đình.
Chùa Hoa Yên, ngôi chùa lớn nhất, đẹp nhất tại quần thể chùa Yên Tử, là một trong những địa điểm du lịch tâm linh quen thuộc của người dân Quảng Ninh cũng như du khách thập phương. Ngay từ sáng sớm, rất đông du khách đổ về nơi đây lễ phật. Tại các lò đốt vàng mã, không còn cảnh chen lấn chờ đến lượt để hóa vàng, không có cảnh khói bốc nghi ngút, bụi tàn bay khắp nơi, thay vào đó là hình ảnh khoang hóa vàng trống không, lạnh lẽo.
Ông Nguyễn Xuân Thành, đến từ Bắc Ninh đi lễ chùa, tâm sự rằng gia đình ông đi lễ chùa để bày tỏ lòng thành kính với đức Phật và cầu bình an, may mắn cho bản thân và gia đình mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Ông cho rằng việc dâng và đốt vàng mã là một tập tục rất lạc hậu, vì vậy bản thân ông và những người trong gia đình đã bỏ thói quen này từ rất lâu. “Tôi thấy các cơ sở thờ tự ở miền Bắc nên học tập các chùa ở miền Nam, không rải tiền khắp các ban thờ, không thắp hương khắp nơi, không đốt vàng mã gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tiền của mà lại có nguy cơ hỏa hoạn.”
Người dân đi lễ chỉ mang theo hương, hoa quả, tuyệt nhiên không có vàng mã |
Rời Yên Tử, PV di chuyển về chùa Ba Vàng, ngôi chùa nổi tiếng về vẻ đẹp và linh thiêng ở TP. Uông Bí, nơi có mạch phong thủy bắt nguồn từ chùa Đồng (Yên Tử) với địa hình hạ đoạn tạo thành thế thanh long trùng điệp chầu về bên trái, bạch hổ hùng vĩ phục xuống bên phải. Qua tìm hiểu, có một điều rất đặc biệt tại ngôi chùa này đó là đã hàng chục năm nay không hề có tục đốt vàng mã.
Bà Nguyễn Thị Tâm, 62 tuổi, trú tại phường Phương Đông, TP. Uông Bí đang liền tay sắp lễ lên ban thờ - "Phật luôn ở trong tâm mỗi chúng ta, lễ Phật là tại tâm, tâm tịnh thì lòng thành kính dâng lên Phật càng cao. Tục đốt vàng mã ở chùa này đã bị bãi bỏ từ lâu, vì nó vừa gây ô nhiễm, lãng phí và chưa nói đến trong kinh phật không ai dạy phải đốt vàng mã mới tỏ lòng thành kính".
Khu vực đốt vàng mã không một bóng người |
Được biết, việc giảm bớt tình trạng đốt vàng mã đã có dấu hiệu tích cực trong chuyển biến nhận thức của người dân. Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh nói: “Để vào cuộc với Giáo hội Phật giáo, thì cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp đặc biệt là các cơ quan quản lý văn hóa, và sự hưởng ứng của các cơ sở thờ tự tín ngưỡng khác, có sự phối hợp chặt chẽ trong ứng xử với nơi thờ tự, ứng xử trong lễ hội phải văn minh, văn hóa, đây thực sự là mong muốn cao nhất của Giáo hội Phật giáo.”
Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền vận động và ban hành những quy định bắt buộc để hạn chế việc đốt vàng mã, tỉnh Quảng Ninh đã thành công trong việc khuyến khích người dân từ bỏ tập tục lâu đời này và hướng tới một cuộc sống văn minh nhưng vẫn duy trì bản sắc truyền thống và giữ gìn vệ sinh môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Một nén hương thơm với lòng thành kính hướng về Trời, Phật và những người đã khuất mà không cần đốt vàng hay hóa mã đã trở thành thói quen văn minh của nhiều người dân Quảng Ninh hiện nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận